Hội thảo Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn

21/11/2017

Sáng nay (21/11), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Tham vấn chính sách về Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và một loạt chính sách, chương trình như nông thôn mới, cơ cấu lại nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn đã có những chuyển biến mạnh. Nhờ đó, cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn Việt Nam diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng như nông nghiệp truyền thống năng suất thấp sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nông thôn sang thành thị, xuất khẩu lao động. Tuy nhiên nhiều vấn đề đặt ra cho chính sách lao động việc làm trong nông nghiệp như lao động tắc lại trong một số ngành hàng năng suất thấp, lao động không chuyên và ít qua đào tạo, an sinh xã hội không bảo đảm,... khiến tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động chậm.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong khi đó, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn là một trong hai cam kết của Chính phủ Việt Nam để thực hiện Kế hoạch hành động về Phát triển Nông nghiệp nông thôn – thành thị, tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng có chất lượng. Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức họp tham vấn chính sách về “Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn” do Vụ Hợp tác quốc tế và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đồng chủ trì để chia sẻ thông tin và thảo luận nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phục vụ cơ cấu lại ngành.

Bà Chử Thị Lân trình bày tại Hội thảo.

Tại hội thảo, bà Chử Thị Lân, đại diện Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình bầy về thực trạng việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và đề xuất một số giải pháp khuyến nghị thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tiếp đó, bà Trương Thị Thu Trang, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đã chia sẻ về con đường chuyển đổi kinh tế gắn với chuyển đổi lao động, nhìn lại định nghĩa về nông dân/ lao động nông nghiệp, từ đó đưa ra cách đánh giá sát hơn về năng suất lao động trong nông nghiệp. Rút lao động ra khỏi nông nghiệp là việc cần làm song song với quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên những kênh chuyển đổi lao động nông nghiệp nông thôn đều đang gặp vấn đề do mục đích sử dụng đất nông nghiệp thiếu linh hoạt, ngành kinh doanh nông nghiệp chưa phát triển xứng với tiềm năng, chính sách hạn chế di cư, tốc độ đô thị hóa chậm,…

Bà Trương Thị Thu Trang (IPSARD) trình bày tại Hội thảo

Các đại biểu từ Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các viện nghiên cứu và chuyên gia đầu ngành đã đóng góp nhiều ý kiến cho hội thảo có TS. Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và xã hội và nhiều đại biểu đến từ các tổ chức nước ngoài như JICA (Nhật), Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO).

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn kết luận tại Hội thảo

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã tổng kết 4 điểm cần quan tâm trong quá trình chuyển dịch lao động nông thôn của Việt Nam: (i) Chính sách thiếu đồng bộ, mang tính chất việc đến đâu xử lý đến đấy. Các chính sách dường như chỉ tập trung cho tăng trưởng chứ chưa tập trung cho vấn đề việc làm, nếu có thì thường tập trung vào số lượng chứ chưa quan tâm đến chất lượng; (ii) Đánh giá quy mô các kênh tạo việc làm tiềm năng trong nông nghiệp nông thôn, công nghiệp dịch vụ, xuất khẩu lao động; (iii) Đánh giá các yêu cầu của chủ sử dụng lao động đối với lao động (như về kĩ năng, độ tuổi, giới …) để đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp; (iv) Rà soát các chính sách liên quan trực và gián tiếp liên quan chứ không chỉ tập trung ở các nhóm chính sách lớn về lao động, việc làm.

IPSARD


Tin khác