Thí điểm xây dựng mô hình liên kết: Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Hộ nông dân

17/11/2017

Đến thời điểm này, cả nước có khoảng 400 chuỗi liên kết, so với tiềm năng và dư địa phát triển thì con số này còn quá khiêm tốn. Chính vì vậy, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai thí điểm xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân.

Liên kết là thắng 

Ông Huỳnh Vĩnh Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Pa (Gia Lai), cho biết, mô hình liên kết trồng mía giữa nông dân và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai đã mang lại những hiệu quả ngoài mong đợi, không chỉ về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội.

Mô hình liên kết sản xuất lúa tiêu thụ sản phẩm tại xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo - Hải Phòng)

Được biết, Ia Pa là huyện còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Vì vậy, huyện có chủ trương ưu tiên phát triển 4 cây (mía, sắn, thuốc lá, lúa) và 2 con (bò, heo). Đối với cây mía, việc liên kết với Công ty Thành Thành Công xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy đã mang lại kết quả khả quan. Để có quỹ đất đủ lớn, đảm bảo liền vùng liền mảnh, Công ty Thành Thành Công đã hợp tác chặt chẽ với 26 hộ dân dồn đổi ruộng từ 92 mảnh xuống còn 11 mảnh (tương đương 94ha) để thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa trong canh tác mía. Các hộ được công ty hỗ trợ giống, vật tư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, nhờ vậy, lợi nhuận từ trồng mía tăng vọt.

“Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình liên kết trồng mía này còn thành công về mặt xã hội khi làm chuyển biến nhận thức của nông dân. Thay vì tư tưởng tư hữu, giữ đất của nhà mình, nay bà con sẵn sàng xóa bỏ bờ ruộng ngăn cách giữa các nhà để hòa vào một cánh đồng lớn, tạo thuận lợi cho quá trình canh tác cơ giới hóa”, ông Hương nói.

Điều đáng ghi nhận là, từ mô hình liên kết ban đầu giữa 4 nhóm hộ nông dân với Công ty Thành Thành Công, diện tích 24,6ha, đến nay, trên địa bàn huyện Ia Pa đã có 71 nhóm liên kết trồng mía với diện tích 300ha và 220 hộ.

Mới đây, huyện cũng đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến để tập hợp các nhóm hộ trồng mía, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, cũng theo ông Hương, việc xây dựng và hình thành các HTX kiểu mới, làm vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân rất cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng thì mới thoát khỏi tình trạng “bình mới rượu cũ”.

Khẳng định vai trò quan trọng của các HTX và nông dân trong việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), cho biết, đến nay, 80% sản lượng mía nguyên liệu của nhà máy là do nông dân cung cấp, sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và công ty đã giúp hình thành vùng nguyên liệu mía rộng lớn ở xứ Thanh, giúp nhiều gia đình có của ăn của để. Chính vì vậy, tham vọng lớn của Lam Sơn là sẽ xây dựng 40 HTX kiểu mới ở 40 xã trên địa bàn Thanh Hóa để tập hợp nông dân trồng mía, rau, củ, quả an toàn theo phương thức, doanh nghiệp phải đóng góp cổ phần trong các HTX này để đảm bảo trách nhiệm mỗi bên. “Không có con đường nào khác là phải liên kết với nông dân thì mới có vùng nguyên liệu bền vững”, ông Tam khẳng định. 

Liên kết sản xuất lúa gạo và mía

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp, nông thôn, hiện cả nước có khoảng 400 chuỗi liên kết. Các địa phương rất quyết liệt xây dựng các chuỗi liên kết. Nhu cầu liên kết của các HTX rất lớn, bởi quy mô sản xuất nhỏ, nhu cầu về đầu ra rất lớn. Tuy nhiên, những mối liên kết còn lúng túng, vì chưa có những mô hình cụ thể, trách nhiệm của các bên (nhà nước, người dân, doanh nghiệp) như thế nào.

“Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình HTX để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là một yêu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp hiện nay. Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa tạo ra sản phẩm an toàn; các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn mạnh ai nấy làm, nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định; tình trạng phá vỡ liên kết thường xuyên xảy ra”, ông Trung nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm chi phí (về sản xuất, vận chuyển, thời gian sản xuất sản phẩm…). Để làm điều này, phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, có hai vấn đề khó nhất là xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định và nhận thức của người tham gia HTX cũng như của người trong HTX. Người tham gia vào HTX vẫn còn tư tưởng vào thì sẽ được nhà nước cho cái gì, người trong HTX khi liên kết với doanh nghiệp cũng chỉ nghĩ đến doanh nghiệp cho cái gì. Do đó, để thay đổi tư tưởng này quan trọng nhất vẫn là ý thức của giám đốc, hội đồng quản trị hợp tác xã.

Đây chính là lý do để Cục Kinh tế hợp tác và PTNT sẽ phối hợp với Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LASUCO) và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai triển khai xây dựng thí điểm mô hình HTX, hình thành chuỗi liên kết sản xuất mía đường tại Thanh Hóa, Gia Lai, Sơn La, Khánh Hòa và Hậu Giang. Tại mỗi tỉnh, sẽ triển khai tại 2 huyện, củng cố và thành lập ít nhất 2 HTX, quy mô trung bình khoảng 200ha/huyện.

Đối với sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cũng ký kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (VINASEED) và Công ty TNHH Toản Xuân xây dựng mô hình HTX, hình thành chuỗi liên kết giữa hộ nông dân - HTX - doanh nghiệp tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Đắk Lắk, Lào Cai và Nam Định. Mỗi tỉnh sẽ triển khai tại 1-2 huyện, củng cố, thành lập ít nhất 2 HTX, quy mô trung bình khoảng 150ha/huyện.

 Về tiêu thụ sản phẩm nông sản, Cục ký thỏa thuận hợp tác với Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA). Theo đó, hai bên hoàn hiện Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn Việt Nam”, trình Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ ngành liên quan thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc UCA, cho biết: Trọng tâm của Đề án là đề xuất xây dựng thí điểm Trung tâm kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn Việt Nam theo vùng và liên vùng. Trung tâm sẽ làm nhiệm vụ chính là quản lý, phân phối, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiến bộ kỹ thuật, thiết bị, công nghệ… và bao tiêu đầu ra cho các HTX, các chủ thể liên quan trong vùng và liên vùng. Trung tâm sẽ kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, để các loại nông sản đến tay người tiêu dùng có lý lịch rõ ràng, hồ sơ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch. Từ đó xây dựng nền nông nghiệp an toàn, nâng cao tính hiệu quả, quản lý được chất lượng đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra. Từng bước minh bạch hóa thị trường nông sản an toàn và trở thành nơi kết nối, phân phối các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng thông qua hệ thống bán lẻ truyền thống và tiến tới xuất khẩu.

“Vai trò của liên kết chuỗi bền vững trong sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn là vô cùng cần thiết và cấp bách trong thời kỳ hội nhập, nhằm sớm thực hiện thành công việc tái cơ cấu nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn với phương thức 3 đồng (đồng nhất về giống, công nghệ và sản phẩm)”, ông Tuấn nói.

Ông Ma Quang Trung cho biết thêm, việc củng cố, thành lập HTX sẽ được hoàn thành trong tháng 12/2017, sơ kết, đánh giá tình hình triển khai vào cuối năm 2018, sau đó sẽ tổng kết và đánh giá các mô hình thí điểm và tài liệu hóa làm mẫu để giới thiệu với các địa phương triển khai nhân rộng trong năm 2019.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác