Kinh tế Việt Nam 2018: Lạc quan thận trọng, hành động tự tin

02/01/2018

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2017 không thiếu màu xanh, bất chấp phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới và khu vực.

Tăng trưởng đã vượt dự tính, lên tới 6,81%, so với bình quân 5,2% của vùng Đông Nam Á. Các con số do Ngân hàng Thế giới mới công bố cũng cho thấy trong hai năm tới Việt Nam vẫn giữ tăng trưởng trên 6%, trong khi thế giới vẫn là 2,9% cho cả 2018 và 2019.

Dự báo tăng trưởng GDP Đông Á-Thái Bình Dương

 

2017

2018

2019
 

Thế giới

2,9

2,9

2,9

Trung quốc

6,7

6,4

6,3

Campuchia

6,8

6,9

6,7

Thái Lan

3,5

3,6

3,5

Philippines

6,6

6,7

6,7

Myanmar

6,4

6,7

6,9

Indonesia

5,1

5,3

5,3

Malaysia

5,2

5,0

4,8

Lào

6,7

6,6

6,9

Việt Nam

6,7

6,5

6,5

 (Nguồn: Ngân hàng Thế giới, tháng 12/2017)

Hành động kiến tạo

Những mũi tên của thể chế kinh tế: kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ đã được bắn đi, dù chưa đến đích cuối cùng nhưng đã đúng đạn đạo. Chúng tôi cho rằng trong những mũi tên đó, hành động là quan trọng nhất. Người đứng đầu Chính phủ gần như lúc nào cũng thúc giục: Hành động, hành động và hành động.

Quả vậy, nếu không hành động quyết liệt sẽ không có tăng trưởng 6,81%, trên 120.000 doanh nghiệp tư nhân thành lập mới, thị trường chứng khoán đạt gần 1.000 điểm, xuất khẩu đạt mức trên 200 tỷ USD, gần 13 triệu lượt du khách đến Việt Nam và thu hút trên 35 tỷ USD FDI…

Một Chính phủ kiến tạo không thể “trên nóng, dưới lạnh”. Đây là điểm yếu trong bộ máy hành chính Việt Nam từ nhiều đời, như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng đề cập tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Trong những nguồn lực cho phát triển thì có lẽ nguồn nhân lực là cái yếu nhất của chúng ta, không phải vì từng con người, mà vì quán tính của cả guồng máy.

Thời gian đã qua đi với biết bao sự kiện mang dấu ấn thay đổi, từ vụ quán “Xin chào” năm 2016 cho đến “APEC” năm 2017. Từ những sự kiện đó, có thể khái quát thành hai động lực: Kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế. Trong nhiều năm nữa, Việt Nam vẫn phải đi trên đôi chân này, nếu muốn trở thành một nước công nghiệp và hiện đại.

Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về kinh tế tư nhân đã trở thành nền tảng cho các luật khác về phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều nhà báo quốc tế cho rằng hành động đối với quán cà phê “Xin chào” năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ là “sự kiện nhỏ”, thậm chí rất nhỏ, nhưng lại mang thông điệp lớn về kinh tế tư nhân, ở đó, ai cũng có quyền kinh doanh để mưu cầu lợi ích, trước hết của mình và sau đó đóng góp cho sự phồn vinh chung.

Và một thông điệp nữa là: Chính phủ sẽ hành động, từ điểm nhỏ nhất vì sự phát triển kinh tế tư nhân. Hành động tích cực của lãnh đạo Chính phủ trong các chuyến công du cũng đã đưa lại giá trị cụ thể, phần lớn là ký kết của các doanh nghiệp tư nhân, ví dụ chuyến đi Mỹ năm rồi 20 tỷ USD, đi Nhật 22 tỷ USD, tại APEC 20 tỷ USD…

Chúng ta thận trọng dõi theo đường đi của những tỷ USD này, trong năm 2018 và nhiều năm sau đó, để đo hiệu quả của nó, theo kiểu Việt Nam “một đồng vốn, bốn đồng lời”.

Giấc mơ Việt Nam: Biết ơn, gắn kết và phát triển

APEC là sự kiện quan trọng trong hội nhập quốc tế của Việt Nam năm 2017 và cho đến nay, những thông điệp lớn về kinh tế vẫn được trông đợi nhất. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (khoảng 11.000 tỷ USD) nói rằng Trung quốc sẽ nhận đầu tư từ hải ngoại 2.000 tỷ USD và cũng đầu tư ra nước ngoài 2.000 tỷ USD.

Tại Đà Nẵng, Chủ tịch Tập nói đến giấc mơ Trung Hoa. Còn Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới (khoảng 18.000 tỷ USD) gọi tên “giấc mơ Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Nhưng thực ra, đó vẫn là giấc mơ Mỹ, nước Mỹ trước hết, như cách ông nhấn mạnh tại APEC 2017. Ông cũng kêu gọi mậu dịch công bằng và thị trường tự do.

Việt Nam không quên rằng mậu dịch công bằng và thị trường tự do đã đưa Việt Nam với xuất nhập khẩu lên 400 tỷ USD trong năm 2017, gấp 4 lần so với 10 năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Chỉ có con đường hội nhập quốc tế mới mang lại con số đó. Giám đốc một công ty tại TPHCM nói: “Cách đây 10 năm tôi không dám mơ tới 200 tỷ USD xuất nhập khẩu”.

Phản biện gần đây cho thấy một tâm trạng không vui khi các nhà tư bản nước ngoài mua lại một số doanh nghiệp Việt Nam. Thật ra, không có gì đáng lo ngại trong một thế giới mặc dù bất định, nhưng lại biết nhường đường cho sự trọng thị và biết ơn. Tại diễn đàn APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tỏ lòng biết ơn những “doanh nhân có mặt hôm nay đã đến với đất nước chúng tôi ngay từ những ngày đầu mở cửa.”

Một trong những doanh nhân đó, tỷ phú người Thái, Chủ tịch Tập đoàn Amata, đã kể: “Chuyến đi đầu tiên của tôi tới Việt Nam vào tháng 5/1991. Tôi đã bị thôi thúc khám phá quốc gia này sau khi gặp ông Tsuyoshi Tanaka (lúc ấy là Tổng Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty Itochu ở Hà Nội). Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và lắm nỗi gian truân nhưng tôi thấy được sự nhiệt huyết và ý chí ham học hỏi của người Việt Nam. Tôi đã trót yêu “đất nước xinh đẹp” này, Việt Nam.”

Phải nói rằng không có sự đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân đa quốc gia, câu chuyện kinh tế của Việt Nam sẽ không dễ có những trang đẹp, nhất là về xuất khẩu như hiện nay. Quá khứ, hiện tại và có lẽ cả tương lai, kinh tế Việt Nam vẫn phải là nền kinh tế hướng về xuất khẩu.

Chủ quyền quốc gia hay tự chủ kinh tế có mất vào tay những doanh nghiệp thế giới vào làm ăn và kiếm lợi ở Việt Nam? Câu hỏi là kịp thời. Nhưng câu trả lời thì rất rõ, vì trên thế giới, không có quốc gia thịnh vượng nào bị mất chủ quyền hay bị động vì doanh nghiệp cả, dù là doanh nghiệp trong hay ngoài nước. Samsung dù là một doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng bị thổi còi bởi các định chế quốc tế về lao động.

Hiện đang có những tranh cãi về các công ty công nghệ thế giới tại Mỹ, tại Anh, tại Trung Quốc, tại Nga và tại Việt Nam. Nhưng dù công nghệ sẽ làm chúng ta lúng túng, thậm chí thiệt hại, thì cuối cùng dấu cộng nó mang lại là cho số đông, chứ không phải cho các nhóm lợi ích, trong đó có các công ty.

Giấc mơ của Việt Nam là tự tin gắn kết và chia sẻ với thế giới. “Là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ với châu Á-Thái Bình Dương”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tại diễn đàn APEC 2017.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại và Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam vào WTO mơi đây đã nói với chúng tôi: “Vào WTO quan trọng nhất là tiếp cận với sân chơi toàn cầu. Chúng ta phải sửa hệ thống pháp luật một cách hệ thống và đồng bộ để bảo đảm mọi người bình đẳng trước pháp luật”.

Lạc quan thận trọng

Có lẽ hệ thống pháp luật là cái mà công cuộc phát triển bền vững đang cần nhất hiện nay. Nếu không có luật lệ và cơ chế thực thi luật đủ mạnh, các nhà đầu tư tư nhân, trong và ngoài nước, vẫn phải dè dặt. Doanh nghiệp chỉ thực sự làm tốt khi họ “cảm thấy” được tự do kinh doanh và tự do sở hữu phần lợi nhuận của mình, sau khi đóng thuế một cách minh bạch. Và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cam kết trong thời gian tới sẽ tập trung cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đó là điều mà doanh nghiệp chờ đợi nhất.

Nhưng thành tựu kinh tế cuối cùng phải là lợi ích của người dân. Tại APEC, khi nói đến thành tựu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu rõ : “Khu vực của chúng ta vẫn còn hàng trăm triệu người sống trong đói nghèo, chịu những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, thiên tai”.

Công ăn việc làm, lương khá, phúc lợi xã hội tốt, đó chính là tiêu chí hàng đầu để đánh giá một nền kinh tế muốn thoát bẫy thu nhâp trung bình như Việt Nam. Những vấn đề như nợ xấu, nợ công, tỉ giá, dự trữ quốc gia mặc dù được cải thiện, vẫn còn khá mong manh. Tình hình địa chính trị khu vực như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cùng với biến đổi khí hậu và chủ nghĩa dân túy, bảo hộ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam trong năm mới.

Tại Hội nghị hội nhập kinh tế quốc tế trong tuần lễ cuối của năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại nhắc: “Chúng ta phải hành động, không được nửa vời, không thể vừa đẩy, vừa kéo”. Trên thực tế, nửa vời nghĩa là không làm gì cả, kể cả “nửa vời” khi mơ.

Mỗi năm qua đi chúng ta lại có những giấc mơ mới được xây dựng trên nền những giấc mơ đã thành và vô số những giấc mơ bất thành, và rồi, chúng ta phải lao động vất vả hơn, thông minh hơn, hành động tự tin hơn, mới mong ước mơ trở thành hiện thực bền vững lâu dài.

Hành động tự tin là lựa chọn cho năm 2018.

Theo Chinhphu.vn


Tin khác