Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Đào Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, xoay quanh chủ đề “Liên kết cùng thắng”.
|
Bắc Giang quy hoạch nhiều vùng sản xuất tập trung cho năng suất cao, chất lượng tốt. |
Theo ông, liên kết có vai trò như thế nào trong việc kết nối từ khâu sản xuất, chế biến, tìm thị trường đến tiêu thụ sản phẩm?
Việc tổ chức liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng, quyết định đến tính bền vững trong sản xuất, là chìa khóa nâng cao giá trị nông sản. Liên kết sẽ khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu gắn kết trong chuỗi sản xuất hiện nay.
Về bản chất, liên kết là một hình thức liên kết thị trường, thông qua các chính sách giúp điều hòa mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên, đặc biệt khi nhu cầu và giá cả thị trường biến động mạnh, hạn chế được rủi ro
Như vậy, liên kết không chỉ có lợi cho sản xuất của nông dân mà cho cả doanh nghiệp và các chủ thể khác. Ngoài ra, giá trị của nông sản cũng được gia tăng sau mỗi công đoạn của quá trình liên kết.
Để hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, Bắc Giang cần phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa ông?
Có thể nói, sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang rất phong phú và đa dạng với nhiều loại có tiềm năng, thế mạnh, giá trị kinh tế cao. Để hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo tất cả các bên cùng thắng, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp, đó là:
Có chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực nhằm tăng năng suất và chất lượng, tạo tiền đề cơ bản cho sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó phát huy mối liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp; hạn chế sự tham gia các khâu trung gian, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.
Khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với các cá nhân, tổ chức sản xuất, gắn quá trình sản xuất, chế biến với tiêu thụ nông sản, tạo sự ổn định và bền vững.
Tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo cho người sản xuất kỹ năng, kỹ thuật sản xuất và các kỹ năng phối hợp tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên cung cấp thông tin và dự báo về sản xuất, tiêu thụ nông sản trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tác nhân trong chuỗi tiếp nhận và chấp hành các khuyến cáo một cách kịp thời.
Ông có thể điểm lại một số kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được nhờ liên kết trong thời gian gần đây?
Để tiêu thụ các nông sản, đặc sản của Bắc Giang, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh nông sản hàng hóa đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu nhằm tạo đầu ra ổn định, bền vững, khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước (vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, chè Xuân Lương,...).
Những năm qua, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án... nhằm phát triển sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Điển hình là 2 dự án mô hình thí điểm chuỗi liên kết “Chăn nuôi - thu mua - tiêu thụ” và “Chăn nuôi - giết mổ, chế biến - tiêu thụ” gà đồi Yên Thế.
|
Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm được Bắc Giang quan tâm triển khai. |
Ngoài ra, Sở Công Thương tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ kết nối cung cầu với các kênh phân phối nhằm quảng bá các sản phẩm hàng hóa có trọng tâm, trọng điểm. Đến nay, đã có 11 nhóm sản phẩm với 79 mặt hàng nông sản đã được đưa vào tiêu thụ tại siêu thị BigC.
Ông có thể chia sẻ những bài học, cách làm hay mà Bắc Giang đã thực hiện?
Để đạt được những kết quả nêu trên, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất tập trung; mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch
Thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của doanh nghiệp/hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ nông dân trong việc thực thi nghiêm túc hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Đào tạo, tập huấn cho cán bộ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và hộ nông dân kiến thức về pháp luật trong thực hiện hợp đồng. Công tác xúc tiến thương mại luôn được đổi mới, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa bằng nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tham gia hội chợ, triển lãm, tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh.
Trong quá trình hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tỉnh Bắc Giang gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Tuy Bắc Giang đã đạt được một số thành công nhất định trong việc hình thành các chuỗi liên kết nhưng hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn.
Sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, nhiều nông dân chưa quen với sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng hàng hóa. Chưa chú trọng đầu tư khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá nên số lượng sản phẩm chưa nhiều, thiếu ổn định.
Các doanh nghiệp, HTX mới tham gia ở khâu trung gian, chưa trực tiếp đồng hành với nông dân trong khâu lập kế hoạch sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ...; trong khi các doanh nghiệp, HTX đa phần nhỏ lẻ, khả năng định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ còn hạn chế.
Cùng với đó là khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn yếu. Người tiêu dùng lại thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao, bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng thích các sản phẩm giá rẻ.
Trước khó khăn đó, Bắc Giang đã và sẽ có những giải pháp nào để tháo gỡ?
Bắc Giang đã có nhiều giải pháp để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong liên kết sản xuất:
Tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng đủ điều kiện cho sản xuất nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo phát triển ổn định.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm nông sản đặc sản là thế mạnh của tỉnh.
Ưu tiên các doanh nghiệp mạnh có khả năng đảm bảo tiêu thụ nông sản bền vững hoạt động trong lĩnh vực rau, hoa quả liên kết với nông dân trong lĩnh vực này. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và các chương trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ HTX, hộ nông dân kiến thức về pháp luật trong thực hiện hợp đồng, về quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc phù hợp với từng loại cây trồng và điều kiện canh tác từng vùng sản xuất.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kỹ thuật mới trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa, để người dân hoàn thiện khả năng liên kết kinh tế với các chủ thể khác.
Qua Báo Kinh tế nông thôn, Bắc Giang cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã, trong đó chú trọng việc tăng nguồn vốn cấp ban đầu cho các hợp tác xã. Tăng ngân sách cho hoạt động khuyến nông và tăng cường lực lượng cán bộ khuyến nông về các địa phương.
Hoàn thiện pháp luật và chính sách liên kết kinh tế giữa nông dân và các chủ thể. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần phải thiết kế những gói sản phẩm dịch vụ phù hợp để doanh nghiệp và người dân có thể vay vốn, nhất là vay theo chuỗi cung ứng.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Báo Kinh tế nông thôn