Nông nghiệp giá rẻ đã hết thời?

23/03/2018

Thời gian qua, chúng ta liên tục phải giải cứu các loại nông sản dư thừa. Từ dưa hấu, củ cải, su hào đến mía đường, lúa gạo, hồ tiêu... đều rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”. Phải chăng, nền nông nghiệp giá rẻ đã hết thời?

Trồng lúa giá trị thấp khó có thể làm giàu

Trồng lúa giá trị thấp, nông dân không thể giàu

Theo TS.Hoàng Ngọc Phong, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế, Hội Khoa học kinh tế: “Trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu, tại sao chúng ta phải trồng những giống lúa chất lượng thấp để rồi đem xuất khẩu với giá rẻ trong hơn 1/4 thế kỷ qua với vị trí số 2, số 3 thế giới? Hiện nay, cần một nền nông nghiệp công nghệ cao, cần thay đổi tư duy về an ninh lương thực. Vì vậy, nên giảm diện tích đất canh tác lúa ở mức hợp lý, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu với giá rẻ, vì nông dân không có lãi và Nhà nước lại phải đầu tư lớn”.

Vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 18% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với 90% lượng gạo xuất khẩu, gần 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và 70% sản lượng trái cây của cả nước. Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được thời gian qua là rất to lớn, nhưng ĐBSCL đang phải trả giá do những hệ lụy từ khai thác của con người và của các quy hoạch “trái tự nhiên.” ĐBSCL là 1 trong 3 châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu.

Ông Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, đánh giá: “Nhà nước hầu hết đầu tư tổ chức sản xuất nông nghiệp chỉ cho cây lúa mà không màng gì đến phí tổn rất cao, không mang lại hiệu quả kinh tế và thiệt hại về lợi tức của nông dân trồng lúa. Chăn nuôi, trồng trọt đều tự phát, tự nuôi với kinh nghiệm dân gian, kỹ thuật không phù hợp với biến đổi khí hậu. Công nghiệp phục vụ nông nghiệp chủ yếu là cơ giới hoá trồng lúa từ chuẩn bị đất đến thu hoạch và sau thu hoạch như sấy lúa, xay xát. Nhà máy chế biến ra gạo thường không truy được nguồn gốc vì phần lớn lúa qua thương lái mua gom, gạo phần lớn không thương hiệu.

Trong khi đó, chế biến thủy - hải sản và trái cây chủ yếu là đầu tư tự phát, mua nguyên liệu qua thương lái theo kiểu “ăn xổi ở thì”, thành phẩm không thương hiệu nổi tiếng. Nông dân trồng cây ăn quả tự phát, nhà máy chế biến cũng tự phát, cả 2 bên chưa gắn kết được với nhau vì Nhà nước không có biện pháp cho những cây trồng ngoài cây lúa, nên không ai quy hoạch vùng trồng nguyên liệu. Vấn đề chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL mọi lãnh đạo đều lúng túng không biết phải phá vỡ quán tính trồng lúa như thế nào. Với ĐBSCL thời kỳ biến đổi khí hậu buộc phải tiết kiệm nước ngọt tối đa, phải tạm dừng thời kỳ chuyên trồng nhiều lúa, phải chuyển sang thời kỳ làm tăng GDP, tăng thu nhập của nông dân”.

Nông sản chất lượng kém, giá rẻ có tồn tại?

Sau hoa đào, hoa ly giá rẻ bị người dân vứt bỏ không thương tiếc dịp Tết Nguyên đán, những ngày qua, người dân tại Mê Linh (Hà Nội), Tứ Kỳ (Hải Dương) lại lâm vào tình cảnh củ cải, su hào ế thừa giá rẻ phải nhổ bỏ. Hàng trăm tấn củ cải, su hào không tiêu thụ được một lần nữa lại phải được cộng đồng “giải cứu” khẩn cấp.

Củ cải vứt la liệt trên cánh đồng xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội)

Theo người dân ở xã Tráng Việt (Mê Linh), những năm trước không có việc củ cải ế thừa. Nhiều đầu mối thu mua củ cải tươi để đóng gói vận chuyển vào miền Nam, miền Trung… cũng có doanh nghiệp thu mua về để sấy khô. Tuy nhiên, năm nay không được thu mua như trước, dẫn đến củ cải ế thừa lượng lớn, giá bán giảm nhanh chóng, từ 4.500 - 5.000 đồng/kg nay chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Khi nói về hiện tượng ế thừa nông sản tại một số địa phương những ngày qua, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vẫn khẳng định rằng việc ế thừa nông sản là có nhưng chỉ xảy ra cục bộ ở một số thời điểm. Theo phân tích của ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, có 3 lý do khiến giá nông sản giảm mạnh. Thứ nhất, theo quy luật hàng năm, cuối vụ Đông, đầu vụ Xuân, khi bắt đầu cấy lúa thì người nông dân phải dọn vườn nên giá nông sản có đi xuống; thứ hai, thường sau vụ Đông, nông dân tranh thủ trồng rau vụ Xuân với kỳ vọng giá cao, dẫn đến tình trạng dồn ứ về sản lượng; thứ 3, năm nay do thời tiết thuận lợi, nửa cuối tháng 2 và tháng 3 thời tiết ấm cho nên một số rau vụ hè như rau giền, rau muống, mùng tơi phát triển rất nhanh, đến đầu tháng 3 đã có sản phẩm trên thị trường nên việc tiêu thụ rau vụ Đông giảm đáng kể.

Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng thừa nhận, tình trạng nông sản ế thừa, bài toán tiêu thụ nông sản của ta lâu nay vẫn loay hoay vì chúng ta rất yếu về công nghệ chế biến sau thu hoạch. Hiện nay, tỷ lệ chế biến của Việt Nam đạt rất thấp, đơn cử trong lĩnh vực cây ăn quả có tỷ lệ chế biến cao hơn, nhưng công suất hiện nay chỉ có 800.000 tấn so với tổng sản lượng là 22 triệu tấn, như vậy chỉ chiếm khoảng 4%.

Quy hoạch chưa theo nhu cầu thị trường

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính), nguyên nhân xảy ra tình trạng nông sản ế thừa là từ nhiều phía. Người nông dân không tìm hiểu thông tin thị trường khi sản xuất, cơ quan chức năng không kịp thời dự báo thị trường, chế biến thì chưa theo kịp với sản xuất. Vai trò điều phối của Nhà nước, doanh nghiệp trong tiêu thụ và chế biến các sản phẩm nông sản chưa rõ nét.

Giải cứu nông sản chỉ là biện pháp tình thế, Bộ Nông nghiệp và PTNT nói nhiều về vấn đề này nhưng cuối cùng vẫn lặp lại. Giải quyết vấn đề này về sâu xa là quy hoạch vùng sản xuất, các loại nông sản, nhưng trước mắt cần dự báo thông tin thị trường, đánh giá cầu như thế nào để cung không được vượt quá. Nếu cơ quan chức năng không tập trung nghiên cứu thị trường thì không bao giờ giải quyết được bài toán này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chuẩn bị các kịch bản khi cung vượt quá cầu thì phải chế biến, dự trữ ra sao.

“Quy hoạch nông sản phải căn cứ theo cầu, kinh tế thị trường là phụ thuộc thị trường mà thị trường là nguồn cầu. Do đó, chúng ta phải dự báo được thị trường trong nước và nước ngoài. Quy hoạch cũng cần linh động theo nhu cầu của thị trường, Hiện, chúng ta đang quy hoạch mà không xuất phát từ cầu, quy hoạch có tính chất hình thức, máy móc”, ông Long nói.

“Giải cứu” nông sản, vấn đề của 3 bộ

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) diễn ra vào chiều 19/3, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, cho rằng: Một vấn đề lớn đặt ra trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua dưới góc độ KHCN phải đặc biệt lưu ý, đó là tình trạng giải cứu nông sản.

Gửi câu hỏi tới 3 bộ trưởng Bộ KH&CN, Nông nghiệp và PTNT và Công Thương, bà Nga đặt vấn đề: Vừa rồi phải giải cứu dưa hấu, hành, tỏi…và hiện nay là giải cứu su hào, củ cải. Xin Bộ trưởng cho biết, dưới góc độ KHCN, hiệu quả nghiên cứu khoa học phục vụ cho tiêu thụ chế biến nông sản trong thời gian qua như thế nào? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng giải cứu nông sản như trong thời gian vừa qua?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, cho biết. Bộ KH&CN nhìn nhận, trước có một chương trình quốc gia với nhiệm vụ có liên quan đến chế biến nông sản. Nhận thức đây là một khâu rất quan trọng, do đó không chỉ các chương trình quốc gia mà Bộ cũng đặt hàng một số DN, một số nghị định thư với các nước để chuyển giao công nghệ nhanh nhất cho chế biến nông sản.

Giải pháp bước đầu đặt ra đồng bộ, giải quyết thấu đáo vấn đề này. Ví dụ không chỉ cây trái mà sang cả lĩnh vực khác (ví dụ như vải thiều Lục Ngạn sau khi áp dụng KHCN xử lý đã xuất khẩu ra nhiều nước…). Còn giải pháp căn cơ sẽ thực hiện tư duy chuỗi sản xuất xử lý. Chúng tôi đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và PTNT toàn bộ sản phẩm quốc gia trái cây, củ quả phần chế biến (xác định nghiên cứu và chuyển giao công nghệ), ngay trong năm nay 8 nhà máy chế biến nông sản, củ quả sẽ tham gia vào chuỗi này.

Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, câu hỏi liên quan đến cả 3 bộ, rộng hơn là cả hệ thống. Trên thực tế, sức sản xuất các mặt hàng nông nghiệp của chúng ta rất lớn nhưng cả hai khâu chế biến và tổ chức thị trường đều còn yếu. Đây là hai khâu yếu, chính vì thế, nghị quyết của Quốc hội, chủ trương của Chính phủ đang tập trung trong tái cơ cấu nông nghiệp đi sâu vào hai mặt đang yếu.

Về một số mặt hàng rau quả, năm nay sẽ khởi công, khánh thành 8 nhà máy để tiếp tục khai thác lợi thế dư địa nhóm hàng nông sản rau quả Việt Nam. Sắp tới, khánh thành nhà máy ở Long An với công suất 2.000 tấn, tiếp đến là Tây Ninh, Đồng Tháp và Gia Lai…”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì cho biết: Không thể phủ nhận vai trò của Bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp. Đây là yếu tố mang tính then chốt, cần phải tổ chức tái cơ cấu lại trên cơ sở sản xuất chuỗi chứ không thể sản xuất nhỏ lẻ manh mún.

Mặc dù năng lực sản xuất, cơ hội tiếp cận thị trường thế giới lớn, nhu cầu là có, tuy nhiên, khi chúng ta ký được FTA không có nghĩa sản phẩm của chúng ta vào được thị trường đó… Chính vì vậy, việc phối hợp với ba bộ phải bắt đầu từ quy hoạch, đồng thời các sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính, có vậy nông sản của ta mới vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đây là vấn đề được đặt ra.

Theo Kinh tế nông thôn

 


Tin khác