Sáng ngày 12/4/2018 tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phối hợp với Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp cùng Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Liên minh Đất đai đồng tổ chức hội thảo “Giám sát quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam”.
Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các hoạt động thí điểm về giám sát quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam, đồng thời thảo luận và lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia trong lĩnh vực nhằm thể chế hóa các quy định của Luật Đất đai 2013 và tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát trong quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam.
|
TS Nguyễn Anh Phong, Q.Giám đốc Trung tâm Thông tin PTNNNT trình bày tại Hội thảo (ảnh: AGROINFO) |
Tại hội thảo, nhiều nội dung đã được đưa ra thảo luận sôi nổi như: (i) vấn đề giám sát quản trị đất đai: Kinh nghiệm quốc tế và quy định hiện tại trong pháp luật Việt Nam do GS.TSKH Đặng Hùng Võ trình bày; (ii) vấn đề xây dựng khung giám sát phân bổ đất đai do công ty nông lâm nghiệp trả lại cho địa phương do TS Nguyễn Anh Phong, Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin PTNNNT trình bày; (iii) vấn đề công dân giám sát quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam từ chính sách đến thực tiễn do ThS Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA); (iv) những chia sẻ của của Tổng cục Quản lý đất đai về kế hoạch tăng cường giám sát, theo dõi và đánh giá quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam.
Trong các vấn đề nêu trên, các đại biểu đánh giá cao việc xây dựng bộ chỉ số khung giám sát phân bổ đất đai do công ty nông lâm nghiệp trả lại cho địa phương. Bộ chỉ số được xây dựng trên cơ sở Luật Đất đai 2013, Nghị quyết 30/NQ-TW của Bộ Chính trị, việc thực hiện Nghị định 118/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp cùng nhiều văn bản khác có liên quan cùng sự đánh giá của các cán bộ cũng như người dân địa phương thông qua 05 chỉ số giám sát: (i) sự minh bạch; (ii) trách nhiệm; (iii) sự minh bạch; (iv) tác động ảnh hưởng; (v) công bằng. Kết quả của quá tình này sẽ góp phần đánh giá việc người dân địa phương có được quyền tham gia giám sát và đang bức xúc điều gì để có phương án xử lý, đảm bảo quyền lợi của người dân.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: “Đây là 01 ví dụ về việc, chúng ta đã chuyển từ tu duy định tính sang tư duy định lượng. Bộ chỉ số đã đánh giá cụ thể việc đất nông lâm trường giao cho địa phương và địa phương xử lý như thế nào?”
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Dũng, chuyên gia đến từ Dự án Quản trị Đất đai khu vực Sông Mê Kông (MRLG), đơn vị tài trợ cũng đồng quan điểm trên. “ Phải có thông tin tới các địa phương cũng như người quản lý, người sửu dụng đất để họ thấy rằng, cần phải áp dụng bộ chỉ số. Hiểu được lợi ích từ việc sử dụng bộ chỉ số để họ tích cực tham gia vào quá trình giám sát này”, ông Dũng nói.
Hiện, bộ chỉ số giám sát đã được triển khai thí điểm tại 05 địa phương (Bắc Giang, Yên Bái, Nghệ An, Đắk Nông, Cà Mau) và theo nhiều ý kiến khác của các đại biểu tham dự Hội thảo, cần nhanh chóng triển khai rộng rãi bộ chỉ số này trên khắp cả nước để đảm bảo quyền giám sát của người dân theo quy định của pháp luật.
AGROINFO