"Cửa" nào cho nông sản Việt vào EU?

17/08/2018

Có tiềm năng về sản lượng tuy nhiên chất lượng sản phẩm mới là yếu tố then chốt giúp nông sản Việt vững vàng bước vào châu Âu.

Thị trường khu vực châu Âu có nhu cầu lớn về các sản phẩm nông sản, đặc biệt rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản nhiệt đới, tuy nhiên rất đề cao giá trị thực phẩm, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cửa lớn đã mở

Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Châu Âu nằm trong vùng ôn đới, không có điều kiện sản xuất các mặt hàng nông sản nhiệt đới. Vì vậy trong thương mại song phương, Việt Nam đặc biệt có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang khu vực này. Hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực châu Âu có mức độ tập trung cao về chủng loại và sản phẩm.

EU có rất nhiều thỏa thuận hợp tác thương mại với các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các nước trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, Việt Nam lại có nhiều lợi thế hơn so với nhiều quốc gia khác khi sở hữu nguồn nông sản lớn. Như vậy, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, Việt Nam sẽ trở thành một trong số các quốc gia đi đầu về xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường EU. Bên cạnh đó, hàng nông sản của Việt Nam cũng có nhiều lợi thế hơn so với các quốc gia khác, bởi thuế các mặt hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu sang EU sẽ giảm sâu, tiếp cận 0-5% trong vòng 7-10 năm. Ngoài ra, số lượng quốc gia có hiệp định thương mại tự do với EU tuy không ít nhưng tập trung vào sản xuất nông sản thì không nhiều. Như vậy có thể thấy cánh cửa thị trường EU đã mở rộng cho nông sản Việt Nam.

Hiện nông sản XK của Việt Nam sang thị trường EU có độ tập trung khá cao về chủng loại và sản phẩm, trong đó cà phê, hoa quả nhiệt đới, các loại hạt và gia vị chiếm tới 88,3% kim ngạch XK của ngành.

Chất lượng phải đặt lên hàng đầu

EU là thị trường lớn và tiềm năng cho hàng rau quả của Việt Nam, đây là thị trường yêu cầu cao về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chuyên gia Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI), việc doanh nghiệp trong nước không tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc là khá phổ biến. Đã có trường hợp, năm nay doanh nghiệp tuân thủ các quy định, đủ điều kiện XK nhưng sang năm không tuân thủ nữa và bị dừng hợp đồng XK. Như vậy, ý thức tự giác tuân thủ quy định của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế cũng chính là một rào cản cho mở rộng thị phần của nông sản Việt tại EU.

Từ thực tế này, theo ông Trần Ngọc Quân lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng tốt các yêu cầu tiếp cận thị trường. Đặc biệt, cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác, không chỉ các lĩnh vực truyền thống; thay đổi tư duy kinh doanh, tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu, nâng cao năng suất lao động và tay nghề lao động phục vụ cho ngành.

Trong từng ngành hàng cần đưa ra những bộ quy tắc sản xuất, phải có sự chuẩn hóa, tiêu chuẩn ISO của toàn bộ quá trình, quá trình từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, phải lưu giữ thật tốt sản phẩm vì EU yêu cầu phải trích xuất được nguồn gốc trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, để có thể xuất khẩu mặt hàng rau quả vào thị trường EU, ngoài vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt phải đạt chuẩn HACCP hay GlobalGAP, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú ý tới xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên.

Về phía doanh nghiệp, cần tập trung quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho sản phẩm chủ lực xuất khẩu; đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


Tin khác