Nông sản Việt "mất đường" sang Trung Quốc vì virus corona

01/02/2020

Hàng trăm xe container trái cây vận chuyển sang Trung Quốc buộc phải quay đầu trở về vì các cửa khẩu tạm thời đóng để ngăn ngừa dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thông thường, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán hằng năm thường rất sôi động, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây. Do đó, theo lịch được thông báo từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý, phía Trung Quốc sẽ chính thức mở cửa khẩu để giao dịch hàng hóa vào ngày 31-1.

Tuy nhiên, do những diễn biến mới của dịch cúm corona, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, Ủy ban hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) đã có thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ cửa khẩu thuộc địa bàn Bằng Tường từ ngày 31-1 đến hết ngày 8-2 và sẽ chính thức mở cửa vào ngày 9-2 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa vào ngày 3-2). Như vậy, từ trước Tết âm lịch đến nay, các cửa khẩu vẫn trong tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã lâm vào tình trạng khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty Chánh Thu (chuyên xuất khẩu trái cây), cho biết hàng trăm container trái cây, nhất là thanh long, vận chuyển sang Trung Quốc vào thời điểm này phải quay đầu trở về. Một số chấp nhận bán tháo tại Hà Nội, số khác chọn cách bóc cơm để chế biến. "Chúng tôi đang bị tổn thất nặng nề, hàng tồn kho rất nhiều, không biết phải xử lý như thế nào. Do đó, rất cần có giải pháp hỗ trợ để chúng tôi vượt qua khó khăn, nông dân và các doanh nghiệp cũng phải cùng nhau chia sẻ rủi ro này" - bà Hồng nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, cũng xác nhận việc tạm dừng xuất nhập khẩu qua đường biên giữa Trung Quốc với Việt Nam đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, mọi hoạt động thương mại đều bị tê liệt, đình trệ. Bị ảnh hưởng ặng nề nhất là các mặt hàng nông sản như rau củ, trái cây, đặc biệt là các nhóm nông sản có thời gian bảo quản ngắn ngày.

Đáng nói, giá nông sản bị "rớt" thảm hại. Ông Nguyễn Đình Tùng dẫn chứng trái thanh long ruột đỏ trước Tết âm lịch có giá hơn 40.000 đồng/kg, nay giảm còn 10.000 đồng/kg nhưng cũng không có ai hỏi mua. "Nguyên nhân là bởi thanh long ruột đỏ có thời gian bảo quản ngắn nên phải bán tháo, giá tụt rất nhanh. Không riêng thanh long, nhiều loại trái cây khác như xoài vỏ mỏng, chôm chôm, sầu riêng, mít… chỉ bảo quản được dưới 15 ngày cũng bị mất giá thảm hại. Chỉ trái cây có thời gian bảo quản từ 30 ngày trở lên mới đỡ bị ảnh hưởng do được đưa vào kho lạnh chờ cửa khẩu thông thương trở lại" - ông Tùng phản ánh.

Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cũng bày tỏ lo lắng khi thông tin mở cửa cửa khẩu vào 9-2 có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào do chưa lường hết được diễn biến của dịch cúm corona. Ngoài ra, dịch cúm corono từ Trung Quốc còn gây tác động đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ bởi người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới hạn chế đi lại mua sắm, gây ảnh hưởng đến sức tiêu thụ không ít mặt hàng.

Do đó, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng doanh nghiệp cần phải thận trọng cũng như có giải pháp tự ứng cứu, không thể hoàn toàn trông chờ vào việc mở cửa trở lại. "Chẳng hạn, các mặt hàng nông sản khác như gạo tuy có ảnh hưởng nhưng không quá lớn như rau củ, trái cây và có thể chủ động tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ" - ông Tùng nêu ý kiến.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, để tránh ảnh hưởng đến tốc độ thông quan và gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu biên giới, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hộ nông dân cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan cần cập nhật thông tin về lịch đóng - mở cửa khẩu để điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại các khu vực này, nhằm bảo đảm an toàn chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng bị ép giá.

Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến cáo các hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc (như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng…) để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh các tác động bất lợi.

"Đồng thời, thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu để tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh như thời gian qua" - đại diện Cục Xuất nhập khẩu lưu ý thêm.

Hủy thu mua hàng trăm container thanh long vì dịch virus corona

Do tình hình nguy hiểm của virus Corora, một doanh nghiệp Trung Quốc đã hủy mua 300 container thanh long ruột đỏ định cung cấp đến thành phố Vũ Hán.

Chiều 31/1, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch bệnh do virus Corona gây ra đang gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, trong đó có mặt hàng nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngay từ trong Tết, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, cũng như phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung và các cơ quan liên quan để nắm bắt tình hình về dịch bệnh do virus Corona phía Trung Quốc.

Theo ông Toản, do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cho công nhân nghỉ đến hết ngày Rằm (ngày 8/2). Trung Quốc đã hạn chế các lễ hội, hoạt động tụ tập đông người, nhu cầu ăn uống tại hệ thống các nhà hàng, cũng như sức mua đều giảm…

Đặc biệt, trung tâm giao dịch hàng sản của Việt Nam ở Giang Nam (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) - điểm trung chuyển nông sản của VIệt Nam vào thị trường này đã thông báo nghỉ giao dịch đến ngày 8/2.

Việc giao dịch các cặp chợ biên giới giữa Việt Nam và khu vực Quảng Tây-Vân Nam (Trung Quốc) tạm dừng đến ngày 8/2.

Cũng theo ông Toản, qua rà soát, một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, như Công ty Hồng Thái Dương- doanh nghiệp nhập khoảng 40% của Long An để cung ứng cho thành phố Vũ Hán đã hủy khoảng 300 container thanh long ruột đỏ (khoảng 6.000 tấn) dù đã đặt hàng.

“Công ty này đã hỗ trợ 50 triệu đồng/container ngừng thu mua, nhưng con số này vẫn chưa tương xứng với giá trị các lô thanh long của nông dân”, ông Toản nói.

Ông Toản cũng cho biết, hiện tình hình tiêu thụ thanh long ruột đỏ (cung cấp chủ đạo cho thị trường Trung Quốc) cho bà con nông dân đang rất khó khăn.

Theo rà soát của Bộ NN&PTNT, từ dịp Tết đến ngày rằm tổng sản lượng thanh long ruột đỏ Long An ở là 21.600 tấn, từ rằm đến 28/2 khoảng 54.000 tấn. Từ đầu tháng 3, khu vực Tiền Giang vào vào điểm thu hoạch thanh long ruột đỏ với sản lượng khoảng 10.000 tấn.

Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, các cặp chợ biên giới sẽ giao dịch trở lại vào ngày 9/2. Còn cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị sẽ trở lại làm việc từ 3/2. “Tuy cửa khẩu quốc tế mở, nhưng nút thắt là nếu chúng ta xuất nông sản qua bên đó, các cặp chợ chưa mở, người chưa đến thì không thể giao dịch, bởi theo lịch làm việc của họ là phải qua ngày rằm”, ông Toản nói.

Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh ở phía Nam còn chưa nhiều. Riêng Long An có 154 cơ sở sơ chế, đóng gói, nhưng hệ thống kho lạnh chỉ giải quyết khoảng 12.000 tấn. Do vậy, dự báo nguồn cung cục thanh long ở Long An sẽ còn gặp khó khăn.

Theo thông báo từ phía Trung Quốc, các hoạt động cửa khẩu sẽ bắt đầu trở lại bình thường sau ngày 8/2.

Để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân, ông Toản cho biết, ngay chiều 31/1, Bộ sẽ có văn bản gửi các địa phương sản xuất trọng điểm, rà soát từng cơ cấu sản phẩm trái cây, theo lịch thời vụ chi tiết.

Cùng đó, Bộ sẽ đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn chế biến, tăng công suất thu mua, sơ chế, chế biến, lưu kho. “Ngoài ra, đầu tuần tới, Bộ sẽ làm việc với Bộ Công Thương, hệ thống siêu thị, để thúc đẩy tiêu thụ nội địa qua kênh siêu thị”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương làm việc với hiệp hội logistics để phát huy hết công suất kho chứa của hệ thống này trong việc hỗ trợ nông dân.

Theo ông Toản, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo hệ thống, đặc biệt là các Sở NN&PTNT, bám sát, rà soát từng vùng, huyện, xã để chia sẻ để nắm bắt tình hình sản xuất. “Cái này không phải là giải cứu, mà kết nối giữa bà con nông dân với các doanh nghiệp, tập trung vào nâng cao năng lực chế biến và đa dạng hóa thị trường”, ông Toản nói.

Lãnh đạo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng lưu ý, các địa phương cơ cấu lại mùa vụ hợp lý. “Chúng ta vào cuộc chủ động, không chủ quan. Tuy nhiên, các sở ban ngành, bà con bình tĩnh, tránh tình trạng tư thương lợi dụng tình hình, ép giá”, vị Cục trưởng nói.

Ông Toản cũng khuyến cáo, bà con nông dân nên ký kết hợp đồng với các đối tác thu mua theo mua vụ, trong trường hợp thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai còn có cơ sở để hỗ trợ. 

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác