Cụ thể, tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ NNPTNT phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam đưa các thông tin về giá cả nông sản hàng ngày, các dự báo, tính toán ngắn hạn và dài hạn đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm chủ lực đến các hội viên nông dân trên tờ báo điện tử chính thức của Hội Nông dân- Báo điện tử Dân Việt- danviet.vn.
|
Nội dung Thông báo kết luận của Thủ tướng về việc đưa giá nông sản hàng ngày trên Báo điện tử Dân Việt- cơ quan của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
|
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NNPTNT:
Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thương mại, thị trường nông sản; kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại; chương trình thương hiệu quốc gia về nông, lâm, thủy sản và muối.
Chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các hoạt động phân tích, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại và các hoạt động liên quan đến chương trình thương hiệu quốc gia về nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý của bộ.
Rà roát danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp tự vệ đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài, hàng nông sản nhập khẩu của nước ngoài vào Việt Nam.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường. Qua đó, tư vấn, cung cấp cho các doanh nghiệp, nông dân biết để điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh theo thị trường, tránh bị ép giá.
Công bố định kỳ, thường xuyên, có thông tin rõ ràng hơn trên trang thông tin điện tử của Bộ về thị trường, dự báo các khả năng có thể xảy ra; thông tin cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường, các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, vật tư nông nghiệp.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng nông sản của TP.Cần Thơ trong khuôn khổ hội nghị. |
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết só 120/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Đồng bằng sông cửu Long: Tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phòng chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.
Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương tổng kết 10 năm thực hiện đề án an ninh lương thực theo Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ làm cơ sở đề xuất chuyển một phần diện tích lúa sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung vào 3 nhóm sản phẩm chủ lực đó là thủy sản (cá tra, tôm nước lợ), cây ăn trái và lúa gạo.
Tổ chức xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược chăn nuôi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; tổ chức thực hiện Luật Chăn nuôi; phối hợp với các địa phương cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học; hỗ trợ bà con nông dân tái đàn lợn trở lại sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Theo dõi tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn trong và sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; phối hợp với Bộ Công Thương tính toán, đề xuất cụ thể số lượng cần nhập khẩu từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với Việt Nam, có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu vào các tháng đầu năm 2020.
Phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất, vật nuôi, cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp, tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường.
Rà roát các chính sách hỗ trợ, lựa chọn chính sách phù hợp với từng loại hình hợp tác xã, từng địa phương, vùng miền, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách, bố trí nguồn kinh phí ngân sách hợp lý để thực hiện hỗ trợ hợp tác xã một cách thiết thực, hiệu quả.
Hiện nay, Báo điện tử Dân Việt đang hàng ngày cung cấp cho bạn đọc, bà con nông dân cả nước về giá cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm hàng ngày với các bộ từ khóa như "Giá heo hơi hôm nay"; "Giá gia cầm hôm nay"; "Giá nông sản hôm nay" với hàng trăm nghìn lượt truy cập, trở thành kênh thông tin quan trọng cho bà con nông dân, bạn đọc, người tiêu dùng tham khảo, lựa chọn.
Theo Dân Việt