Bộ NN&PTNT thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi cho dân và doanh nghiệp

23/12/2019

Năm 2019, công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính tiếp tục được Ban cán sự Đảng Bộ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bãi bỏ, đơn giản hóa 251 điều kiện kinh doanh

Bộ NN&PTNT đã ký Quyết định số 5257/QĐ-BNN-TCCB ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019, theo đó, Bộ đề ra 37 nhiệm vụ với 90 hoạt động/sản phẩm. Tính đến ngày 5/12, đã hoàn thành 34 nhiệm vụ, còn 3 nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai đến hết năm 2019 theo Kế hoạch.

Trong năm 2019, Bộ NN&PTNT đã tổ chức rà soát, tổng hợp các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại 6 Luật (Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Thú y, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật) và 7 Nghị định. Kết quả, có 34 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ cũng đã ban hành Quyết định số 2673/QĐ-BNN-PC ngày 8/7/2019 về việc công bố Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến ngày 30/6/2019 và danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa.

Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp hiện có 272 điều kiện kinh doanh; đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 điều kiện kinh doanh, trong đó bãi bỏ 115 điều kiện kinh doanh; 136 điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa (tỷ lệ cắt giảm: 72,7%).

Kiểm tra ngẫu nhiên vi sinh vật trên quả vải thiều trước khi xuất khẩu. Ảnh: K. Lực

Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 theo yêu cầu của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2019 Bộ đã triển khai đồng bộ hàng loạt các nhiệm vụ và giải pháp, hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm bớt thủ tục, thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị trực thuộc, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ để đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành.

Bộ NN&PTNT đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.768 dòng hàng, tỷ lệ cắt giảm trên 77% tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 15/2018/TTBNNPTNT. Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã được công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Bộ.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, quy định cụ thể cơ quan kiểm tra, phương thức kiểm tra có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính có liên quan tới nhập khẩu hàng hóa.

Thống nhất đầu mối kiểm tra chuyên ngành

Trong năm, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai các công việc thực hiện thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật, thực vật. Từ đó, giải quyết được sự chồng chéo kiểm tra chuyên ngành giữa các đơn vị thuộc Bộ, như trước đây thực hiện kiểm dịch là Cục Thú y và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản là Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản.

Hiện tại doanh nghiệp chỉ cần gửi Giấy đăng ký kiểm dịch và kiểm tra xác nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu theo một mẫu đơn 20a của Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT tới một cơ quan kiểm tra chuyên ngành là Cục Thú y, các chỉ tiêu kiểm tra trùng lắp giữa kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi chỉ phải làm một lần. Trong trường hợp sản phẩm vừa có chứa sản phẩm động vật và thực vật, doanh nghiệp lựa chọn Cục Thú y hoặc Cục Bảo vệ thực vật để thực hiện kiểm tra chất lượng và kiểm dịch.

Bộ NN&PTNT cũng đã đề xuất với Chính phủ phương án tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một số sản phẩm, hàng hóa còn chồng chéo giữa các Bộ. Ngày 13/11/2019, Chính phủ đã có Nghị quyết số 99/NQ-CP giao cơ quan kiểm tra các mặt hàng chịu nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành này theo hướng:

Đối với một số nguyên liệu sản xuất nước giải khát: Giao Bộ NN&PTNT thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Đối với sữa chế biến và sản phẩm từ sữa: Giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với sữa chế biến và sản phẩm chế biến từ sữa theo hướng chỉ định các cơ quan thú y vùng, cơ quan kiểm dịch động vật vùng có đủ điều kiện, năng lực thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này. Cơ quan được chỉ định thực hiện đồng thời việc kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch theo quy định.

Bột, tinh bột có nguồn gốc từ thực vật: Giao Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu đối với bột, tinh bột. Bộ Công Thương rà soát, cắt giảm các mặt hàng này trong danh mục hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Chất hỗ trợ chế biến casein: Giao Bộ NN&PTNT rà soát, loại bỏ các sản phẩm, hàng hóa là chất hỗ trợ chế biến casein ra khỏi danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Dược liệu: Giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với các măt hàng dược liệu phải kiểm dịch.

Theo Dân Việt


Tin khác