Năm 2019: vui cho tất cả, ngoại trừ nông dân

27/02/2020

Xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 đạt các kết quả ấn tượng, giữa bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu âm của nhiều nền kinh tế lớn. Tất cả đều hân hoan trước kết quả này, trừ người nông dân. Xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam đạt 263,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, và thặng dư thương mại đạt 9,9 tỷ USD, là năm thặng dư thương mại thứ 4 liên tiếp và vượt qua mọi kỳ vọng. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành chung vui kết quả này.

Trái ngược với bức tranh chung tươi sáng, ngành nông nghiệp năm 2019 hoạt động khá yếu, với xuất khẩu giảm 4,5% so với năm 2018 và là năm đầu tiên suy giảm tăng trưởng sau nhiều năm tăng trưởng xuất khẩu liên tiếp, và có tới 7 trên 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm. Xuất khẩu nông sản giảm giữa bối cảnh ngành nông nghiệp kỳ vọng vè một cú đột phá lớn, với kết quả hoạt động vượt trội trong một số lĩnh vực.

Xu hướng suy giảm liên tục

Xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 2,4% so với năm 2018. Một trong những khó khăn của ngành thủy sản là thẻ vàng mà EU đưa ra đối với hoạt động khai thác thủy sản phạm pháp, không có quy định và không có báo cáo (IUU). EU đã ban hành thẻ vàng vào tháng 10/2017 và gia hạn tới tháng 4/2018 sau đó tới tháng 1/2019. Tháng 11/019, một phái đoàn từ Ủy ban châu Âu đã tới Việt Nam thanh tra và yêu cầu Việt Nam tiếp tục cải thiện tình hình, nghĩa là thẻ vàng sẽ tiếp tục tồn tại tới ít nhất tháng 6/2020.

Trong giai đoạn thẻ vàng vẫn tồnt ại, tất cả các lô hàng xuất khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam là đối tượng kiểm tra về nguồn gốc khai thác. Thời gia kiểm tra kéo dài khoảng 3 – 4 tuần cho mỗi container, và phí kiểm tra vào khoảng 500 Bảng/container, chưa tính tới phí kho bãi và các phí khác. Có những trường hợp, như Philippines, có tới 70% số lô hàng thủy sản khai thác bị từ chối thông quan.

Năm 2019, xuất khẩu cá tra giảm 10% so với năm 2018. Các nhà máy chế biến tôm sử dụng tới 40% nguyên liệu nhập khẩu do vấn đề dư lượng kháng sinh trong tôm sản xuất nội địa vẫn chưa được xử lý triệt để.

Năm 2017, mục tiêu xuất khẩu rau quả năm 2018 ở mức 4 tỷ USD nhưng thực tế xuất khẩu chỉ đạt 3,8 tỷ USD. Mục tiêu 4 tỷ USD thậm chí còn xa vời hơn trong năm 2019 khi giá trị xuất khẩu thực chỉ đạt 3,76 tỷ USD, giảm 1,1 % so với năm 2018. Mức giảm 1,1% có vẻ không đáng kể nhưng lại có tác động lớn tới nông dân. Xuất khẩu rau quả giảm không chỉ ở những loại trái cây mà còn ở các loại gia vị như ớt và nấm. Xuất khẩu các loại trái cây miền nam như thanh long và dưa hấu phải chờ lâu mới được thông quan tại các cửa khẩu với Trung Quốc. Trong những năm trước, thương lái Trung Quốc từng mua dứa tại đồng ở tỉnh Lào Cai nhưng sau đó loại trái cây này bị giảm mạnh về doanh thu khi thương mại biên giới bị thắt chặt vào năm 2019.

Trong khi xuất khẩu rau quả đối mặt với giai đoạn khó khăn, nhập khẩu rau quả năm 2019 lại ở mức cao, lên tới 1,7 tỷ USD, tương đương 45% doanh thu xuất khẩu. Hơn nữa, rau quả ngoại nhập tìm đường vào Việt Nam khá dễ dàng, không chỉ những loại trái cây xa lạ từ Mỹ, châu Âu và Úc mà còn các loại trái cây sẵn có ở Việt Nam như sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt và măng cụt.

Mặc dù Việt Nam vẫn đứng đầu về xuất khẩu hạt điều nhưng xuất khẩu hạt điều năm 2018 giảm 3,9% so với năm 2017 và năm 2019 giảm 2,2% so với năm 2018. Nguyên nhân chính gây suy giảm xuất khẩu là do sự thiếu đồng bộ trong sản xuất nguyên liệu thô và năng lực chế biến của ngành. Nguồn cung điều thô nội địa chỉ đáp ứng 30% năng lực chế biến nên ngành này phải nhập khẩu một lượng lớn điều thô, chủ yếu từ châu Phi. Chỉ riêng Bờ Biển Ngà chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu điều thô của Việt Nam. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu châu Phi đang giữ lại điều thô để chế biến nội địa trong thời gian tới và Bờ Biển Ngà có kế hoạch triển khai chiến lược này từ năm 2020.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng xuất khẩu cà phê năm 2019 giảm tới 21,2% so với năm 2018 – mức suy giảm mạnh nhất trong xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo Việt Nam tự hào về thành tích chất lượng trong năm vừa qua nhưng thương mại gặp nhiều thách thức trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2019. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều giảm nhập khẩu gạo Việt Nam. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nguồn cung gạo toàn cầu sẽ tăng do sản xuất gạo tăng tại các nước sản xuất nông nghiệp lớn trên thế giới.

Xuất khẩu hạt tiêu đen cũng lao dốc do giá hạt tiêu tiếp tục xu hướng giảm từ 10 USD/kg trong năm 2015 xuống chưa đến 2 USD/kg trong năm 2019. Nguồn cung hạt tiêu đen toàn cầu tăng 8 – 10%/năm trong khi nhu cầu hàng năm chỉ tăng khoảng 2 – 3%.

Các mặt hàng tăng nhẹ xuất khẩu

2 trong số 9 hàng hóa nông thủy sản chính đạt tăng trưởng xuất khẩu tích cực, nhưng không thực sự là tin tốt. Việt Nam nằm trong top 5 nước sản xuất và xuất khẩu chè lớn nhất thế giới nhưng xuất khẩu chè hàng năm chỉ quanh quẩn mức 200 triệu USD. Mặc dù xuất khẩu chè năm 2019 tăng 8,8% so với năm 2018 nhưng con số tăng thực tế chỉ là 19 triệu USD, không đáng kể. Một hàng hóa khác là cao su cũng đạt tăng trưởng xuất khẩu mạnh 10% nhưng cũng gặp nhiều vấn đề. Đầu tiên, diện tích trồng cao su tiểu điền chiếm đến 43,2% tổng diện tích trồng cao su, với sự tham gia của hơn 265.000 nông hộ. Do thiếu hợp tác và khó khăn trong kiểm soát công nghệ và quy trình trồng, cao su tiểu điền không ổn định về chất lượng và giá thường thấp hơn từ 1 – 1,5 triệu đồng/tấn so với giá cao su đại điền. Thứ hai, tỷ lệ cây cao su già cỗi trong các khu vực trồng chính cũng cao nên sản lượng và chất lượng cao su đều đang giảm. Thứ ba, 80% cao su tự nhiên xuất khẩu dưới dạng thô.

Thị trường đang co lại

Xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả và 65% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su. Trung Quốc cũng là thị trường hàng đầu cho sắn và các sản phẩm từ sắn trong nhiều năm qua. Nước này đứng vị trí thứ 2 trong top 7 thị trường xuất khẩu hạt điều của Việt Nam, đồng thời nằm trong top 9 thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam, nằm trong top 8 thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Việc có một khách hàng láng giềng lớn và ổn định là một lợi thế cho xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình này cũng hàm ý nhiều bất lợi khi khách hàng là những người mua khôn ranh, gây ra nhiều rủi ro kinh doanh.

Nhiều cơ hội mới nhưng không dễ thâu tóm

Các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) xóa bỏ thuế cho nhiều hàng hóa xuất khẩu nông thủy sản từ Việt Nam. Tuy nhiên, không dễ dể các sản phẩm Việt Nam ngay lập tức thâm nhập vào thị trường của các nước đối tác FTA. Các rào cản kỹ thuật khiến hàng hóa Việt Nam khó thâm nhập vào các thị trường này và không dễ để vượt qua trong một thời gian ngắn. Đồng thời, nông sản của các nước đối tác FTA cũng có thể tận dụng lợi thế từ các thỏa thuận này để tiếp cận thị trường Việt Nam và nông sản Việt Nam phải cạnh tranh mạnh để giữ vị thế ngay trên sân nhà.

Mặc dù nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước tiến nhưng ngành này vẫn còn nhiều hạn chế của một hệ thống sản xuất phân tán. Nông dân bị dẫn dắt bởi tâm lý bầy đàn, sẵn sàng phá vỡ kế hoạch và chạy theo một hoạt động sản xuất rồi lại phá bỏ. Hóa chất BVTV được sử dụng tùy tiện và công nghệ chế biến lạc hậu.

Những lý do trên dẫn tới thực trạng xuất khẩu yếu kém của nông thủy sản Việt Nam giữa bối cảnh tích cực của tình hình xuất khẩu chung năm 2019, ngoài sự suy giảm giá của các hàng hóa này trên thị trường thế giới. Với tình hình hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam khó kì vọng một năm 2020 khởi sắc.

Theo VNS


Tin khác