ĐBSCL vượt qua hạn mặn - Tiếp tục sản xuất lúa gạo dồi dào

07/04/2020

Trong bối cảnh hạn mặn bủa vây nhưng ĐBSCL vẫn duy trì sản lượng lúa ở mức ổn định 10,7 triệu tấn (giảm chỉ khoảng 118.000 tấn) là một nỗ lực đáng ghi nhận từ nông dân đến chính quyền các địa phương. Qua đó, góp phần làm cho xã hội yên tâm về vấn đề lương thực trong nước.

Đảm bảo mạch cung ứng

“Nhà có 4 công đất lúa, vừa thu hoạch bán hết cách đây hơn 10 ngày giá khá cao (5.200 đồng/kg). Nông dân cần bán lúa để trang trải chi phí cần thiết và chi tiêu hàng ngày”, anh Quách Văn Ngoan, ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết. Nông dân ĐBSCL gần như đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân. Phần lớn thu hoạch và bán lúa ở thời điểm giá cao. Hiện nay lúa gạo đang nằm nhiều trong kho của doanh nghiệp xuất khẩu, các nhà máy xay xát và thương lái, chành gạo… 

Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu gạo với số lượng nhất định. Trong thời gian qua, trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông cũng có nhiều ý kiến “tranh luận” về vấn đề xuất khẩu gạo hay tạm ngưng? Việc tính toán, cân nhắc xuất khẩu gạo số lượng bao nhiêu, thời điểm nào… rất quan trọng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đến ngày 27-3-2020, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng của ta là gần 1,6 triệu tấn gạo. Trong đó, phải giao từ nay đến 31-5 là gần 1,4 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của doanh nghiệp hội viên (60/92 hội viên) là 1,65 triệu tấn. Tính cả doanh nghiệp ngoài hiệp hội có gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ Công thương thì tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao là gần 1,67 triệu tấn gạo. 

Từ kết quả rà soát và ý kiến của các tỉnh thành ở ĐBSCL, các doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Có một thực tế khá tréo ngoe mà nông dân nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã và đang trải qua: Lúa trên đồng gắn với sở hữu từng nông dân, nhưng tình trạng “cơm nhà, mua gạo chợ” lại khá phổ biến. “Thú thật là sau khi bán hết lúa tại ruộng, gia đình cũng phải đi mua gạo ở chợ về ăn chứ không còn trữ lúa gạo trong nhà như khi xưa”, anh Quách Văn Ngoan, ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết. Đây là thực tế trong một bộ phận không nhỏ nông dân ĐBSCL. 

Hiện nay nguồn cung ứng gạo tại siêu thị, chợ ở các đô thị và chợ quê khá dồi dào. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực dập dịch Covid-19 thì các địa phương cũng cần chủ động nắm chặt nguồn hàng ở các doanh nghiệp lương thực, nhà máy xay xát lớn và thương lái để chủ động mạch cung ứng dồi dào cho mạng lưới bán buôn từ các đô thị đến chợ quê, không để xảy ra tình trạng thiếu gạo.

Kỳ vọng vụ hè thu

Những tác động của dịch Covid-19 khó có thể chấm dứt trong thời gian ngắn, vì vậy, việc nỗ lực dập dịch và duy trì sản xuất nông nghiệp hiện nay rất quan trọng. Do đó, các địa phương và ngành nông nghiệp cần chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kịp thời cho người dân ở những vùng khó khăn bởi hạn mặn gây ra, nhanh chóng tái sản xuất vụ lúa hè thu. ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu ha, phấn đấu để đạt sản lượng khoảng 8,7 triệu tấn lúa. Việc xuống giống sẽ tập trung trong tháng 4 và tháng 5.

Theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2020, vùng ĐBSCL sản xuất hơn 4 triệu ha lúa/3 vụ, có thể đạt sản lượng khoảng 24,3 triệu tấn.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Để chủ động trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi xác định: Phải bảo vệ an toàn cho sản xuất trong dân, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn mặn trước nguy cơ ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu. Tỉnh đã triển khai và đang yêu cầu ngành nông nghiệp nhân rộng mô hình sản xuất lúa thông minh (gieo mạ ném, tưới tiết kiệm, bón phân vùi). Hiện tại, ngành nông nghiệp trực 24/24 giờ để quan trắc đo đạc phát hiện sớm nồng độ mặn, thông tin kịp thời để nông dân chủ động trong sản xuất lúa”.

Bộ NN-PTNT cũng phân tích rõ: Diện tích lúa vụ đông xuân bị thiệt hại năm 2020 không đáng kể, do chỉ đạo xuống giống sớm. Bên cạnh đó, vụ đông xuân được mùa, năng suất bình quân gần 7 tấn/ha nên bù đắp được tác động do hạn mặn gây ra. Sản lượng lúa gạo tại ĐBSCL dự kiến bằng với năm 2019. 

Về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ NN-PTNT dự báo, nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn lúa. Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn. Như vậy, lượng còn dư khoảng 13,5 triệu tấn lúa, tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Nếu thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp chống hạn mặn, vụ hè thu tới sẽ đạt sản lượng khá, ĐBSCL sẽ duy trì và tiếp tục sản xuất lúa gạo dồi dào.

Theo Sài Gòn Giải Phóng


Tin khác