Sẽ có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện

28/02/2011

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cho hay, Viện này đang xây dựng Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh về môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể (PFI). Theo đó, IPSARD sẽ đánh giá cả năng lực cạnh tranh cấp huyện về chỉ số PFI.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hiện nay hoàn toàn bỏ qua khu vực hộ  kinh doanh cá thể. Trong khi đó, các hộ kinh doanh cá thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo việc làm nhưng cũng rất dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi sự thay đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là sự thay đổi về các chính sách.
 
Mục tiêu của  IPSARD là thông qua việc xây dựng chỉ số PFI để xác định được mối tương tác chính thức và phi chính thức giữa các hộ kinh doanh cá thể và chính quyền địa phương cũng như sự khác biệt giữa các địa phương.
Để tiến hành xây dựng chỉ số này, trong năm 2010, IPSARD đã khảo sát 500 cơ sở kinh doanh cá thể trên địa bàn 10 huyện thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Kết quả cho thấy, các yếu tố như tiếp cận thị trường đầu ra và đầu vào của hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng nhất trong chỉ số năng lực cạnh tranh của hộ kinh doanh cá thể, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của hộ gia đình, cũng như để tăng khả năng cạnh tranh của hộ. Các nhân tố khác về vốn và đất đai cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Hoạt động kinh doanh của hộ ít chịu ảnh hưởng của các thay đổi chính sách kinh doanh của địa phương.
Dựa trên các yếu tố cấu thành nên môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể (đất đai, lao động, vốn, thị trường đầu ra, chi phí không chính thức, cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tính minh bạch thông tin và sự hỗ trợ của Chính quyền với các CSKD cá thể), chỉ số PFI cũng chỉ ra: các hộ kinh doanh cá thể hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn về nguồn lực như khả năng vay vốn hạn chế, diện tích mặt bằng kinh doanh nhỏ hẹp và chất lượng lao động yếu. Biến động giá cả thị trường và cơ sở hạ tầng hạn chế; điện và đường giao thông, cũng gây ra nhiều khó khăn cho các CSKD cá thể.
Mục  đích của việc xây dựng chỉ số PFI của IPSARD là đưa các hộ kinh doanh cá thể “xuất đầu lộ diện”, chuyển từ việc đa số không đăng ký kinh doanh sang đăng ký kinh doanh. Kết quả thí điểm ban đầu cũng cho thấy, vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào các nhân tố nội lực, khả năng tiếp cận vốn của các hộ kinh doanh cá thể. 
Dự kiến, việc đánh giá chỉ số PFI sẽ được nhân rộng trong những năm tới, tạo động lực cho các hộ kinh doanh cá thể phát triển mạnh ở  nông thôn.
Theo Baodautu.vn

Tin khác