Sản xuất lúa lai ở Việt Nam và vấn đề đặt ra

24/09/2012

Thực tiễn phát triển lúa lai trong những năm qua cho thấy, chủ trương đẩy mạnh phát triển lúa lai ở Việt Nam là đúng đắn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Cây lúa lai có khả năng thích ứng rộng và cho năng suất cao cả ở những vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn như các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, góp phần ổn định an sinh xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Thành công lớn nhất trong phát triển lúa lai đó là sản xuất lúa lai thương phẩm. Việt Nam đã ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển lúa lai của Trung Quốc từ năm 1991. Chương trình nghiên cứu và phát triển lúa lai được Chính phủ đầu tư và đã thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Diện tích sản xuất lúa lai thương phẩm tăng liên tục, từ 100 ha (năm 1991), lên 600.000 ha (năm 2003), năm 2009 đạt trên 710.000 ha và Việt Nam đã trở thành quốc gia có diện tích sản xuất lúa lai lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2011, diện tích sản xuất lúa lai tuy có giảm, nhưng vẫn đạt 595.000 ha.
Nhân rộng mô hình sản xuất lúa lai
Số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, so với diện tích trồng lúa của cả nước, tuy chỉ chiếm 12-15%, nhưng lúa lai đóng góp vai trò quan trọng ở phía Bắc với diện tích chiếm khoảng 32-33% trong vụ đông xuân và khoảng 17-20% trong vụ hè thu, vụ mùa, chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Các tỉnh phía Bắc có diện tích lúa lai lớn trong vụ đông xuân là Thanh Hóa, khoảng 57-60% diện tích; Nghệ An khoảng 72-73%; Lào Cai khoảng 80%; Tuyên Quang khoảng 60-70%; Yên Bái khoảng 60-65% diện tích…
Một cánh đồng lúa lai F1 ở Thanh Hóa
 
 Hiện nay, lúa lai không những phát triển ở các tỉnh phía Bắc, mà còn được mở rộng vào các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên và bước đầu được đưa vào đồng bằng sông Cửu Long (chủ yếu trong vụ đông xuân). Vụ đông xuân 2010, diện tích lúa lai tại duyên hải Nam Trung bộ là 14.600 ha (chiếm 8,4% tổng diện tích trồng lúa), Tây Nguyên là 4.400 ha (chiếm 6%), đồng bằng sông Cửu Long là 6.000 ha (chiếm 0,3%); tương ứng với vụ đông xuân 2011 là 8.445 ha (4,8%), 6.728 ha (9%), 9.550 ha (0,6). Tỉnh có diện tích lúa lai lớn là Quảng Nam (12-16%), Bình Định (7-15%), Đắc Lắc (6-14%), Đắc Nông (30-45%),…
Cùng với việc mở rộng diện tích canh tác, cơ cấu giống lúa lai cũng có bước phát triển mạnh, ngày càng đa dạng và phong phú, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhiều vùng sinh thái, với các điều kiện khí hậu và tập quán canh tác khác nhau. Nhiều giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh, nông dân có thể lựa chọn phù hợp để đưa vào sản xuất. Đến nay, đã có 64 giống lúa lai được công nhận chính thức, trong đó có các giống do các cơ sở trong nước chọn tạo như VL20, TH3-3, TH3-4, TH7-2, Nam ưu 603, Thanh ưu 3, Bắc ưu 903KBL,… số còn lại của trên 30 công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam sản xuất, chủ yếu là các công ty của Trung Quốc với các giống như Nhị ưu 838, D.ưu 527, Khải Phong 1, Thục Hưng 6, Nghi Hương 2308,…
Năng suất tăng cao
Trong các vụ đông xuân, hầu hết các giống lúa lai có thể gieo trồng thích hợp, an toàn và cho năng suất cao. Ở các vụ mùa sớm, hè thu, các giống lúa lai đã được khẳng định thích hợp trong các vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc và duyên hải Nam Trung bộ với ưu điểm thời gian sinh trưởng ngắn (90-100 ngày), năng suất cao, ít bị nhiễm bệnh bạc lá, thích hợp trong cơ cấu xuân muộn - mùa sớm - cây vụ đông như TH3-3, TH3-4, TH3-5, VL20,… (giống chọn tạo trong nước); bồi tạp sơn thanh, bồi tạp 49, Q.ưu 1, Q.ưu 6… (giống nhập ngoại). Điểm đáng chú ý, trà mùa trũng trên vàn thấp, trũng 2 vụ lúa, các tổ hợp lúa lai 3 dòng phản ứng ánh sáng như Bắc ưu 253, Bắc ưu 903, Bắc ưu 64 đã phát huy được hiệu quả ở các tỉnh phía Bắc (năng suất cao gấp 2 lần so với các giống mộc tuyền, bao thai,…). Hiện nay, một số tổ hợp lúa lai kháng bạc lá đang được mở rộng vào sản xuất thay thế dần các tổ hợp lai cũ hay bị nhiễm bệnh bạc lá.
Nhờ cơ cấu lúa lai đa dạng, thích ứng được nhiều vùng sinh thái, nên năng suất lúa lai ngày càng tăng cao. Thực tiễn nhiều năm cho thấy, năng suất lúa lai cao hơn lúa thuần từ 10-12% trong cùng điều kiện canh tác. Năng suất lúa trong đạt 6,5 tấn/ha (lúa thuần là 5,27 tấn/ha). Nhiều diện tích lúa lai đạt 9-10 tấn/ha, có nơi cao nhất đã đạt tới 11-14 tấn/ha. Nhìn chung, nhiều tỉnh có diện tích lúa lai cao đều là những tỉnh có năng suất lúa tăng nhanh. 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, nhờ đưa mạnh lúa lai, năng suất lúa năm 2004 so với năm 1992 đã tăng gấp 2 lần, góp phần đưa bình quân lương thực/đầu người của Thanh Hóa đạt 420 kg/người và Nghệ An 360 kg/người, đã bảo đảm an ninh lương thực của địa phương. Nam Định tuy có 4 huyện có điều kiện sản xuất khó khăn, năng suất luôn đạt thấp, nhưng nhờ đẩy mạnh gieo cấy lúa lai nên năng suất đã tăng trên 2 tấn/ha, đuổi gần kịp năng suất lúa của Thái Bình, tỉnh có trình độ thâm canh cao nhất cả nước.
Khảo sát mô hình sản xuất hạt lúa lai F1 tại xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tuy sản xuất hạt lai F1 là một công nghệ mới, phức tạp, đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật như chọn tổ hợp sản xuất phù hợp, gieo mạ tập trung, cấy đúng khoảng cách, cách ly tốt, điều chỉnh trỗ trùng khớp, gạt phấn,… nhưng Yên Định đã sản xuất thành công hạt lai F1. Việc sản xuất thành công hạt lai F1 đã mở ra một hướng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đó là tự sản xuất hạt lai F1 để cung ứng giống cho nông dân. Đến năm 2010, Yên Định đã có 450 ha lúa lai F1, chiếm 80% diện tích lúa lai của cả tỉnh Thanh Hóa, năng suất bình quân đạt 23,4 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 1.029 tấn. Mặt khác, từ chỗ chỉ sản xuất hai tổ hợp lai là Nhị ưu 63 và Bắc ưu 64, đến nay Yên Định đã sản xuất thành công nhiều tổ hợp lai khác, như D.ưu 527, Nhị ưu 838, HYT83, HUT100, VL20, TH3-3, TH3-4… Trong 10 năm thực hiện chương trình sản xuất hạt lai F1 toàn huyện đã sản xuất được 1.887ha, sản lượng đạt 3.959 tấn.
Năng suất lúa lai cao hơn lúa thuần từ 10-12%
 
Có thể thấy, sản lượng lúa của các tỉnh phía Bắc tăng lên nhờ mở rộng diện tích gieo cấy lúa lai. Diện tích lúa lai năm 2009 đạt trên 700.000 ha, sản lượng đạt trên 4,55 triệu tấn thóc, chiếm 11,4% tổng sản lượng lương thực.
Cần chủ động nguồn cung hạt giống
Tuy phát triển lúa lai ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khích lệ, nhưng cũng còn những tồn tại cần sớm khắc phục, đó là: do thiếu giống lúa lai chất lượng cao, nên nông dân chuyển sang trồng lúa thuần chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, tỉnh Nam Định năm 2006 có 84.000 ha lúa lai, chiếm hơn 50% tổng diện tích trồng lúa, nhưng đến năm 2011, chỉ còn khoảng 20%, do nông dân chuyển sang trồng giống Bắc thơm 7, RVT và các giống lúa thuần chất lượng cao khác. Giá giống lúa lai ngày càng tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào cũng khiến nông dân không “mặn mà” với giống lúa lai. Giá lúa lai giống vụ đông xuân 2012 lên tới 80-90 nghìn đồng/kg, thậm chí có loại giống lên trên 100 nghìn đồng/kg, trong khi đó, nguồn cung không chủ động do lượng sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn lại là nhập khẩu nên phụ thuộc vào tình hình sản xuất của nước xuất khẩu. Do giống lúa lai cao, nên một số địa phương khi được Nhà nước hỗ trợ thì trồng, khi hết hỗ trợ thì lại quay về trồng giống lúa thuần. Mặt khác, tập quán của nhiều nơi gieo sạ dầy, sử dụng lượng hạt giống lên tới hàng trăm kg/ha nên rất khó áp dụng lúa lai.
Để đảm bảo an ninh lương thực trong khi diện tích lúa giảm dần, thì tăng tỷ lệ lúa lai là việc làm cần thiết, nhất là đối với các tỉnh phía Bắc. Để thực hiện được yêu cầu trên, các cơ sở sản xuất giống cần chủ động nhân dòng bố mẹ cung cấp đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng cho sản xuất hạt lai F1 của các tổ hợp lai được chọn tạo trong nước; phát triển sản xuất hạt lai F1 tại các vùng có điều kiện thuận lợi để nâng cao năng suất, hạ giá thành giống, tạo thế cạnh tranh với giống nhập ngoại. Đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực lúa lai thông qua ưu tiên cho đầu tư nghiên cứu, liên kết đào tạo với nước ngoài, chương trình khuyến nông; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nông dân thuần thục tay nghề về nhân dòng bố mẹ và sản xuất hạt lai F1. Hỗ trợ thuê chuyên gia nước ngoài giúp đỡ kỹ thuật trong sản xuất hạt lai và mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết sản xuất hạt giống. Tập trung đầu tư nâng cấp xây dựng đồng ruộng và hiện đại hóa một số phòng thí nghiệm phục vụ công tác chọn tạo và phát triển lúa lai. Nghiên cứu đề xuất chính sách bảo hiểm cho sản xuất hạt lai F1 và các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạt giống lúa lai F1 trong nước. Nghiên cứu các quy định yêu cầu các công ty nước ngoài tổ chức sản xuất hạt lai F1 tại Việt Nam để giảm giá bán. Khuyến khích bảo hộ quyền tác giả đối với dòng bố mẹ và giống lúa lai F1; tạo điều kiện cho việc chuyển giao, chuyển nhượng bản quyền giữa các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo ra thị trường về công nghệ lúa lai…
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tin khác