Do thị trường biến động, có trường hợp HTX đang hoạt động hiệu quả rơi vào khó khăn buộc phải tạm dừng hoạt động. Sau một thời gian, khi quay trở lại hoạt động, HTX mới biết mình quá thời điểm gia hạn tài sản sở hữu trí tuệ. Hoặc chẳng may phải ngừng hoạt động, nhưng HTX không làm các thủ tục chuyển nhượng, tặng… tài sản sở hữu trí tuệ, gây thiệt thòi và uổng phí công sức mà thành viên nhiều năm gây dựng.
Hiểu chưa đúng, chưa đủ
Ông Nguyễn Thành Quảng, Giám đốc HTX Quế Trà My Minh Phúc (Quảng Nam) chia sẻ, tác động của tình hình kinh tế vĩ mô khiến một số doanh nghiệp nhỏ, HTX bị đứt gãy chuỗi sản xuất và phải tạm ngừng hoặc dừng hẳn hoạt động là điều bình thường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, HTX cần chú ý vấn đề sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Chính vì vậy, dù là tạm ngừng hoạt động hay nếu chẳng may phải giải thể, HTX cũng phải nhớ đến giá trị của sở hữu trí tuệ thay vì chỉ lo làm các thủ tục giải thể đơn thuần.
Ông Quảng cho biết, thương hiệu Minh Phúc của HTX phát triển và khẳng định được giá trị trên thị trường như ngày hôm nay là nhờ nhận nhượng thương hiệu quế Minh Phúc từ một hộ kinh doanh rơi vào khó khăn và quyết định ngừng hoạt động. Trước đó, sản phẩm tinh dầu quế Minh Phúc đã có tiếng trên thị trường, lại đạt chuẩn 3 OCOP sao nên tạo cơ hội cho HTX kế thừa.
|
Các HTX cần quan tâm đến vấn đề quản trị sở hữu trí tuệ.
|
Chính vì vậy, đứng ở vị trí là một đơn vị có nhãn hiệu tập thể, đã đăng ký sở hữu trí tuệ nếu chẳng may gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động, tại sao HTX không thực hiện giống như hộ kinh doanh kia để tiếp tục được bảo vệ, phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của mình? Đó mới là cách quan tâm đúng mức của những người đã mất nhiều công sức tạo ra nhãn hiệu tập thể.
Trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu các sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, giá cả ổn định và mang tính cạnh tranh. Chính vì vậy, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các HTX là phải xác định được “tên tuổi và chỗ đứng” trên thị trường trong và ngoài nước nhờ nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ. Việc này sẽ giúp HTX được Nhà nước bảo vệ quyền lợi như độc quyền đối với sản phẩm, dịch vụ do HTX làm ra. Ngoài ra, nhãn hiệu của HTX có thể trở thành tài sản có giá trị, giúp HTX cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không chỉ ít HTX đăng ký sở hữu trí tuệ mà hầu hết hiểu chưa đúng, chưa đủ về giá trị của nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ, nên nhiều khi chịu phần thiệt đáng tiếc.
Có nguy cơ chịu thiệt
PGS.TS. Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng HTX cũng giống như nhiều doanh nghiệp nhỏ thường bỏ qua các khâu kiểm tra, làm thủ tục về nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ trước khi tạm dừng hoạt động, giải thể.
Trước đó, để đăng ký nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ, HTX phải làm rất nhiều thủ tục, mất hàng tháng, thậm chí cả năm trời mới được chứng nhận. Vậy tại sao trong thời gian tạm ngừng hoạt động, nếu đến thời điểm gia hạn, HTX lại không tranh thủ gia hạn để sau khi quay trở lại hoạt động có thể tiếp tục duy trì loại tài sản này? Bởi nếu quá thời hạn mà HTX vẫn không làm thủ tục gia hạn thì hiệu lực của giấy đăng ký nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt.
“Sở hữu trí tuệ là tài sản có thời hạn, nên dù tạm dừng hoạt động nhưng gia hạn được đúng thời hạn là vô cùng quan trọng để tránh trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy hiệu lực, không có chủ dẫn đến dễ bị làm nhái, giả nhãn hiệu mà không kiện được. Khi đó, nếu HTX phải giải thể sẽ không đủ tư cách pháp nhân để chuyển nhượng, bán tài sản sở hữu trí tuệ”, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang lưu ý.
Đáng chú ý, ngay cả khi HTX chuyển trụ sở cũng phải quan tâm đến việc thay đổi địa điểm trên giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ. Nếu không đăng ký lại địa điểm sẽ dẫn tới tình trạng nếu có thông báo liên quan đến chứng nhận sở hữu trí tuệ của ngành chức năng dễ bị thất lạc, không đến được với HTX. Điều này dẫn tới không bảo đảm được quyền lợi của HTX vì vượt thời hạn trả lời thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý.
Ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, những vướng mắc trên có thể do HTX không có bộ phận nhân sự chuyên phụ trách sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các HTX cũng luôn phải có suy nghĩ và ý thức tôn trọng chính chất xám và thành quả lao động của các thành viên làm ra. Bởi đây là tài sản giá trị và vô cùng cần thiết để HTX vươn ra thị trường và không dễ để có được.
Một điều cần quan tâm hiện nay đó là vẫn chưa có đầy đủ hệ sinh thái hỗ trợ các HTX phát triển cả về chất và lượng nên chưa tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ, đơn vị tư vấn pháp luật. Do đó, các HTX dễ có các khoảng trống khó lấp đầy hoặc thiếu sót trong phát triển và duy trì tài sản trí tuệ.
Huyền Trang