Nước mắt có khả năng... hoàn thành nhiệm vụ
Phàm là người bình thường khi ở cơ quan ai cũng cần gắng sức. Để chí ít thì cũng không bị phê bình, nhắc nhở, trừ tiền thưởng. “Làm việc và làm việc” vừa là khẩu hiệu và cũng là con đường duy nhất đúng để mỗi người hoàn thành nhiệm vụ.
Thế nhưng có một biện pháp hoàn thành nhiệm vụ đơn giản, dễ thuyết phục vô cùng và chẳng tốn sức là bao: Nước mắt.
Ngay cả khi ai đó muốn tạo lập công sở theo không khí thuận hoà, đầm ấm của gia đình thì cũng nên có những “quy tắc của gia đình công sở".
Đơn giản vì nước mắt có thể là “tài nguyên” vô tận của mỗi người. Cũng bởi đơn giản bạn đã gặp sếp sống quá ư tình cảm. Nhiều nhân viên khi mắc lỗi liền chạy đến sếp trút hàng trăm bầu tâm sự, hàng nghìn câu chuyện cá nhân.
Sau muôn nghìn cái lắt léo của những lời tâm tình ấy, vị sếp kia không thể không xác nhận: Người này có nỗi lòng ấy nên chưa có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. Thế là “Thôi, lần này bỏ qua. Cố gắng làm tốt công việc tháng này, tháng sau nhé...”.
Hoàn cảnh khó khăn - yên tâm được ưu ái
Tiêu chí hàng đầu của mọi cơ quan khi tuyển nhân viên là: Năng lực chuyên môn. Song khi bạn đã trở thành nhân viên lâu năm rồi thì kiểu gì cũng được ưu ái bởi những hoàn cảnh đặc biệt.
“Con em dạo nay hư quá; chồng em hay ghen tuông quá; cô mẫu giáo ở trường con em thường bắt bẻ em chuyện đón con sớm muộn; dạo này em hay bị mất ngủ quá....”, tất tất những lý do này nếu được diễn đạt bởi một ánh nhìn, một thái độ hết sức chân thành, yếu đuối thì bạn cứ yên tâm: Phần việc của bạn sẽ được ưu tiên về thu nhập, về khối lượng sản phẩm, thậm chí bạn sẽ được tuyên dương vì gặp những chuyện đó mà ngày ngày vẫn đến cơ quan làm việc được...
Ai dám “đụng” vào tôi?
Cả cơ quan ai cũng có thể tuyên bố như thế vì trong “tổ ấm nơi công sở” này ai cũng thấy mình được che chở, được ưu tiên và chẳng bao giờ sợ bị kỷ luật cả.
Vì công sở là gia đình, mà gia đình nào chẳng phức tạp, nên có phạm sai lầm thì cũng hiển nhiên. Sai lầm chuyên môn càng dễ được cảm thông vì “người trong một nhà ai nỡ xử tệ với nhau, chỉ nên bảo ban rút kinh nghiệm. Nói chuyện nguyên tắc trong cơ quan thì còn gì là tình nghĩa nữa”.
Thế là trong “gia đình công sở” ấy, ai cũng lấy làm yên lòng: Mình mãi là “đứa trẻ”. Và xem ra càng mắc lỗi thì bạn càng được làm “đứa trẻ” được quan tâm nhất. Chẳng ai muốn làm người lớn trong “gia đình công sở” ấy cả.
Lời bàn: Người xưa dạy: “Nước có phép nước”, Gia còn có “gia quy”, huống chi là cơ quan nơi chỉ được phép tồn tại, hoạt động khi chấp hành đúng chính sách, hiến pháp, pháp luật của nhà nước.
Vậy nên, ngay cả khi ai đó muốn tạo lập công sở theo không khí thuận hoà, đầm ấm của gia đình thì cũng nên có những “quy tắc của gia đình công sở”. Những quy tắc ấy cần được “cha, mẹ, con cái, anh em” trong tổ ấm ấy thống nhất thực hiện...
(Theo Tiền Phong)