Điểm thay đổi cơ bản của Quyết định 39/QĐ-BNN so với Quyết định 120/QĐ-BNN về chiến lược phát triển ngành điều trước đây là thay vì coi cây điều là cây xóa đói giảm nghèo, cây lâm nghiệp, Chính phủ đã xác định trong thời gian tới cây điều được coi là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Bộ NN-PTNT chủ trương điều là mặt hàng nông sản chủ lực của Việt nam trong thời gian tới.Các chỉ tiêu chủ yếu trong Quyết định 39/QĐ-BNN như sau:• Đến năm 2010:
- Diện tích điều cả nước: 450.000 ha, trong đó diện tích thu họach: 360.000 ha.
- Năng suất bình quân : 1,4 tấn /ha ; vùng cao sản đạt trên 2,0 tấn/ha.
- Sản lượng hạt điều thô đạt trên 500.000 tấn.
- Tổng công suất chế biến: Giữ nguyên tổng công suất chế biến như hiện nay là 715.000 tấn hạt thô/năm.
- Số lượng hạt điều thô đưa vào chế biến : 625.000 tấn, trong đó có 125.000 tấn nhập khẩu.
- Sản lượng nhân điều: 140.000 tấn.
- Kim ngạch xuất khẩu: 670 triệu USD.
• Định hướng đến năm 2020:
- Diện tích trồng điều ổn định khỏang 400.000 ha.
- Kim ngạch xuất khẩu khoảng 820 triệu USD.
Để thực hiện tốt quyết định mới mang tính đột phá trong chiến lược phát triển của ngành điều, một số hành động căn bản cần phải thay đổi đó là:
1. Từng địa phương có tiềm năng phát triển điều phải coi điều là cây kinh tế mạnh, phải được đầu tư mạnh ( như lúa gạo, cao su, cà phê …), không sản xuất theo phương thức cũ ( trồng ở đất xấu, vùng nghèo)
2. Coi hiên đại hóa sản xuất, chế biến điều là khâu quan trọng nhất, làm thay đổi căn bản diện mạo phát triển của ngành điều. Hiện nay điều Việt nam có sức cạnh tranh rất cao trên thị trường thế giới nên khác với nhiều nông sản khác, ngành điều không lo tìm kiến thị trường . Tuy nhiên, so với nhiều nông sản khác trong nước, cây điều lại là cây có sức cạnh tranh kém khiến ngành điều khó phát triển bền vững. Với năng suất điều hiện nay, thu nhập của nông dân trồng điều mới chỉ đạt khoảng 12-17 triệu đồng /ha, thấp hơn nhiều so với một số cây trồng khác như cao su, cà phê, hồ tiêu …Điều này cho thấy cần phải tập trung mạnh đầu tư cho khoa học công nghệ. Trong trồng trọt phải tập trung cho nghiên cứu KHKT( đặc biệt là công tác giống, canh tác, hoạt động chuyển giao TBKT); trong khâu thu hoạch, chế biến cần tập trung đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, tạo bước chuyển mạnh về năng suất lao động và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ( ví dụ: đầu tư hệ thống kiểm soát chất lượng quốc tế về VSATTP)
3. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khả năng cạnh tranh ( nghiên cứu thị trường thế giới, dự báo thị trường; nghiên cứu điều kiện sinh thái và khả năng cạnh tranh với các cây trồng khác; qui hoạch các vùng chế biến v.v ), thành lập nhóm tư vấn các nhà khoa học giúp cho ngành điều. Kịp thời thông tin định hướng cho người sản xuất và nhà kinh doanh
4. Kịp thời nắm bắt những rào cản về cơ chế, chính sách đối với nông dân, nhà chế biến, xuất khẩu, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ phát triển.
5. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm hạt điều.