Đưa quan hệ Việt Nam- ASEAN lên tầm cao mới

27/08/2007

Chuyến thăm lần này đã góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam ở khu vực, tạo thuận lợi cho việc triển khai quan hệ hợp tác với từng nước và cả khối ASEAN nói chung. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc xác định, mở rộng và tăng cường hợp tác các lĩnh vực trọng điểm giữa Việt Nam với từng nước. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài trả lời báo chí về ý nghĩa và kết quả của chuyến thăm.

Xin Thủ tướng cho biết mục đích, ý nghĩa chuyến thăm tới 5 nước ASEAN của Thủ tướng và đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam?

Nhận lời mời của Lãnh đạo các nước Indonesia, Philipines, Singapore, Myanmar và Brunei, tôi dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính các nước trên từ ngày 8-16/8/2007. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện ở một số điểm chính sau:

Thứ nhất, đây là chuyến thăm lần đầu tiên của tôi trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng là chuyến thăm theo thông lệ của ASEAN và nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với lãnh đạo các nước.

Thứ hai, chuyến thăm nhằm khẳng định chính sách đối ngoại của nước ta sau Đại hội X của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XII là tiếp tục coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và khu vực, trong đó có Indonesia, Philipines, Singapore, Myanmar và Brunei.

Thứ ba, đây là dịp để trao đổi phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, các vấn đề trong quan hệ song phương; trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Xin Thủ tướng cho biết những kết quả chính của chuyến thăm?

Chuyến thăm của tôi tới 5 nước ASEAN lần này đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tôi và lãnh đạo các nước đã trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần tin cậy và hiểu biết lẫn nhau về những biện pháp và phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương cũng như đa phương. Tất cả lãnh đạo và chính giới các nước khi tôi đến thăm đều đánh giá cao sự phát triển nhanh, bền vững của nước ta trên tất cả các lĩnh vực.

Trong chuyến thăm này, Việt Nam và các nước đã ký kết 7 văn kiện hợp tác cấp Chính phủ, trong đó có Chương trình Hành động giai đoạn 2007 - 2010 với Philipines, Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa với Indonesia và Philippines; Bản ghi nhớ về hợp tác chống tham nhũng với Indonesia, Thỏa thuận về hợp tác xúc tiến Thương mại với Philippines, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Brunei, Bản ghi nhớ về Hợp tác thể dục thể thao với Brunei. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước đã ký kết một loạt các thỏa thuận hợp tác cụ thể trong lĩnh vực dầu khí, tín dụng, du lịch, xây dựng đô thị…

Cũng trong chuyến thăm này, Tôi đã tiếp nhiều doanh nghiệp hàng đầu của các nước ASEAN, tham dự tại các diễn đàn doanh nghiệp giữa Việt Nam và các nước đến thăm. Hầu hết doanh nghiệp các nước ASEAN đều mong muốn hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam. Kết quả là doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết trong chuyến thăm lần này lên tới hàng tỷ USD.

Tôi tin tưởng rằng kết quả của chuyến thăm sẽ tạo đà cho việc tăng cường và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa ta với các nước trong thời gian tới.

Xin Thủ tướng cho biết phương hướng phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam với từng nước ASEAN sau chuyến thăm lần này?

Trong chuyến thăm lần này, tôi và Lãnh đạo của 5 nước ASEAN đã trao đổi và nhất trí được một số thỏa thuận về phương hướng nhằm thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới. Cụ thể là:

Với Indonesia, Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục tăng cường, thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, lâu dài và ổn định giữa hai nước; nhất trí giao cho các Bộ, Ngành xây dựng Chương trình hành động để tiếp tục triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Việt nam và Indonesia về Khuôn khổ Hợp tác Hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ 21. Trên tinh thần đó, hai nhà Lãnh đạo đã nhất trí nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới vì hoà bình, ổn định và phát triển, nhằm tạo động lực cho sự phát triển toàn diện giữa Việt Nam và Indonesia.

Với Philipines, hai bên đã ký Chương trình Hành động giai đoạn 2007 – 2010 để triển khai Tuyên bố chung về Khuôn khổ quan hệ hợp tác trong những năm đầu thế kỷ 21. Nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước đã được nêu trong chương trình hành động là chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, lâm ngư nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật... Trọng tâm hợp tác của hai nước trong thời gian tới là triển khai tốt Chương trình Hành động trên.

Với Singapore, Phương hướng hợp tác trong thời gian tới là tiếp tục triển khai Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21 và Hiệp định khung về kết nối Việt Nam-Singapore. Theo đó, hai bên sớm lập Ban chỉ đạo chung để thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Các lĩnh vực kết nối đang được xem xét để mở rộng thêm (ngoài 6 lĩnh vực đã cam kết: tài chính, đầu tư, thương mại – dịch vụ, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông – công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo) là cảng-kho vận và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Ngoài ra, Singapore cũng cam kết giúp ta xây dựng trung tâm đào tạo giáo viên tiếng Anh.

Với Myanmar, Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông-lâm-ngư nghiệp; đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác như khai thác dầu khí, y tế và viễn thông. Riêng trên lĩnh vực kinh tế, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên 100 triệu USD vào năm 2008 (năm 2006 mới đạt 72 triệu USD, Myanmar đề nghị doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng như nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ điện và dầu khí... Nhân dịp chuyến thăm, Tổng Công ty Dầu khí Việt nam đã ký với Bộ Năng lượng Myanmar Bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược trong lĩnh vực dầu khí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác khai thác dầu khí tại Myanmar trong tương lai.

Với Brunei, trọng tâm hợp tác trong thời gian tới là thương mại, đầu tư, dầu khí, thể dục thể thao, giáo dục và lao động. Lãnh đạo Brunei đề nghị tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí, sẵn sàng nhận thêm lao động của Việt Nam. Hiện nước ta và Brunei đã và đang triển khai một số thỏa thuận hợp tác về dầu khí. Brunei cũng đang là thị trường lao động tiềm năng của Việt nam.( Việt Nam đang có gần 1000 lao động ở Brunei).

 

Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước đều nhất trí là hai bên có tiềm năng để hợp tác trên nhiều lĩnh vực và bày tỏ quyết tâm nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới.


(Theo TTXVN)

Tin khác