Ở Trung Quốc, khi nói tới biệt danh "Bà xong ngay", mọi người đều nghĩ đến Ngô Nghi - Phó Thủ tướng Quốc vụ viện. Không ngại "tát" thẳng vào phía Mỹ khi những người đối thoại có ý "gây sự" trước, 69 tuổi, chưa lập gia đình..., bà còn được mệnh danh là "người đàn bà thép "của Trung Quốc.
|
Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Ngô Nghi. |
Thông minh, quyết đoán, đã nhiều năm nay, bà luôn được tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn là 1 trong 10 nhân vật nữ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Tạp chí này từng đưa ra nhận xét:
“Chúng tôi đương nhiên đánh giá rất cao vai trò của bà Ngô Nghi trên cương vị là chính khách hàng đầu của đất nước đông dân nhất thế giới. Trong lĩnh vực chính trị, quả thật bà đang đứng ở vị trí rất cao, với một tầm ảnh hưởng sâu sắc. Bà là nhân vật tích cực thúc đẩy tiến trình gia nhập WTO của Trung Quốc.
Là một trong những ngưới đứng đầu chính phủ, Ngô Nghi đương nhiên có một tầm ảnh hưởng đặc biệt hơn so với những nữ chính khách khác. Bà xứng đáng là thần tượng của phụ nữ thế giới”.
Đáp trả người Mỹ ngay khi còn là "quan chức nhỏ"
Phó Thủ tướng Ngô Nghi - Sinh tháng 11/1938, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. - 1956-1962: Học viện Bách khoa Tây Bắc; Học viện Dầu lửa Bắc Kinh. Quá trình công tác: + 1967-1983: nhà máy lọc dầu Đông Phương Hồng. + 1983-1988: Hoá dầu Yên Sơn. + 1988-1991: Phó thị trưởng Bắc Kinh. + 1991-1993: Thứ trưởng Bộ Quan hệ kinh tế đối ngoại và ngoại thương. + 1993-1997: Bộ trưởng Bộ Thương mại + 1998-2002: Uỷ viên Hội đồng quốc gia và Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. + 2003 đến nay: Phó thủ tướng và uỷ viên Bộ Chính trị. |
Sau những người tiền nhiệm của bà như Ngô Gia Hiền, Trần Mộ Hoa, Ngô Nghi là người phụ nữ duy nhất của Trung Quốc nắm giữ cương vị Phó Thủ tướng trong 21 năm kể từ năm 1982.
Sở dĩ người Trung Quốc gọi bà là “Người phụ nữ thép” bởi vì yêu mến và cảm phục khẩu khí hùng hồn cũng như tài năng thương thuyết của bà.
Năm 1991, Trưởng phái đoàn đàm phán của phía Trung Quốc với Mỹ về luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đột nhiên bị ốm. Bà Ngô Nghi phải đảm trách nhiệm vụ này, khi đó bà mới chuyển sang làm ở Bộ Thương mại chưa đầy 4 tháng.
Ngay khi bước vào bàn đàm phán, phía Mỹ nói: “Chúng ta đang đàm phán với những người chuyên ăn cắp bản quyền”, bà lập tức đáp trả lại ngay: “Chúng tôi cũng đang đàm phán với đạo chích. Xin hỏi trong bảo tàng của nước Mỹ có bao nhiêu cổ vật là do cướp từ Trung Quốc?”
Sau này, Ngô Nghi đã dẫn đầu nhiều đoàn đàm phán, giành được những thắng lợi to lớn trên diễn đàn quốc tế. Carla A.Hill, nguời phụ nữ nổi tiếng trong đàm phán WTO cũng phải đánh giá bà là “một nhân vật bảo vệ quyền lợi quốc gia mình và cũng là nhà thương thuyết có hạng”.
Ngày 17/1/1992, cuộc đàm phán với Mỹ về vấn đề bản quyền thành công tốt đẹp. Chỉ số chứng khoán trên thị trường Hồng Kông tăng 28,98 điểm. Tất cả những ai hiểu nội tình đều phải thừa nhận: “Ngô Nghi thật biết cách "sửa đổi" người Mỹ”.
Tự nhận mình là "tiểu nữ tử"
Bà Ngô Nghi có vóc người hơi thấp, Trung Quốc gọi bà là “Xiaonuzi” (tạm dịch: tiểu nữ tử - người phụ nữ bé nhỏ, nhưng cũng có nghĩa là người phụ nữ đơn độc).
Khi nói chuyện, bà cũng hay tự xưng với danh từ này: “Xiaonuzi phải đi thôi”, “Xiaonuzi muốn khóc mà không được”, “Xiaonuzi không để ý việc này”.
Bao năm nay, bà làm việc gì cũng tự thân vận động, không ngại khó khăn. Là phụ nữ, bé nhỏ, độc thân, nhưng "tiểu nữ tử" Ngô Nghi đã khiến cho các bậc "trượng phu cao lớn" phải kiêng dè, kính nể.
|
Phó Thủ tướng Ngô Nghi (phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson. Ảnh: Corbis |
Cùng một lúc giữ hai chức Bộ trưởng
Những năm trước khi dịch SARS bùng phát tại Trung Quốc, Ngô Nghi làm tổng chỉ huy của cuộc chiến chống căn bệnh truyền nhiễm bất ngờ này. Ở một lĩnh vực hoàn toàn mới trên một địa bàn phức tạp như Trung Quốc song bà đã nỗ lực chặn đứng được căn bệnh này.
Tại đại hội lần II Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá X, Ngô Nghi vừa là Bộ trưởng Thương mại, vừa kiêm nhiệm Bộ trưởng Y tế.
Nổi bật trong một Chính phủ phần lớn là nam giới, bà trở thành thần tượng của nhiều người. Ngày 8/3 hàng năm dù đã ở cương vị Phó thủ tướng bà vẫn nhận được những thiệp chúc mừng, những bài thơ của các cán bộ cơ quan cũ. Năm 2000, bà Ngô Nghi được phong danh hiệu ”Một trong những người phụ nữ của thời đại”.
Thần tượng của nam giới...
Năm 1983, Ngô Nghi bắt đầu làm việc tại công ty hoá dầu Yên Sơn, Bắc Kinh. Bà cùng với các cộng sự phần lớn là nam giới của mình lao động cật lực trên mảnh đất hoang hoá, biến công ty thành doanh nghiệp hàng đầu của nền công nghiệp Trung Quốc.
Các đồng nghiệp đều thán phục sức làm việc dẻo dai bền bỉ của bà. Có những đợt bà làm liên tục không nghỉ lấy một ngày phép. 20 năm trôi qua với cường độ lao động phi thường, Ngô Nghi là người phụ nữ duy nhất được đề bạt vào ban lãnh đạo Tổng cục Dầu khí Trung Quốc.
Khi trở thành Bộ trưởng Bộ thương mại, phong thái làm việc của bà càng làm cho nam giới nể phục: quyết đoán, nhanh nhạy, khẩn trương, nhiệt tình... Trong nhiệm kì của mình, Ngô Nghi tập trung phát triển những ngành công nghiệp trọng tâm mũi nhọn, đưa kim ngạch xuất khẩu công nghiệp tăng trưởng với tỉ lệ nhanh nhất trong thời gian gần đây. Đồng nghiệp và cấp dưới của bà cũng phải công nhận: “Nghô Nghi là một chính trị gia giỏi và cũng là người phụ nữ phi thường”.
Từ khi trở thành lãnh đạo, nhiều người đều hỏi bà: “Những người cấp dưới là nam giới có phục tùng bà không?” Ngô Nghi trả lời: “Không nên nói là phục tùng, tôi cùng mọi người hợp tác khá ăn ý. Trong ban lãnh đạo mỗi mình tôi là nữ giới, các vị khác đều rất đẹp trai, chúng tôi lúc căng thẳng thường đùa vui lấy lại khí thế, mối quan hệ luôn tốt đẹp".
... nhưng vẫn chưa có gia đình
Năm nay Ngô Nghi bước sang tuổi 69, nhưng bà vẫn sống độc thân. Từ lĩnh vực kĩ thuật chuyển sang kinh tế, bà vẫn luôn khiến mọi người phải khâm phục về khả năng thích nghi và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nhiều doanh nghiệp và đơn vị đang bên bờ phá sản hay trong tình trạng hoạt động kém, qua tay bà đã trở thành đơn vị tiêu biểu của ngành.
“Khi còn trẻ tôi không bao giờ ngĩ rằng mình sẽ theo nghiệp chính trị. Tôi chỉ hi vọng sẽ trở thành một chuyên gia hoá dầu mà thôi”. Không định mà thành, có rất nhiều việc Ngô Nghi đã làm tốt hơn cả sự mong đợi.
Nhưng con đường mà Ngô Nghi đi không có bóng dáng của hạnh phúc lứa đôi. Đó cũng là một sự lựa chọn hay một định mệnh mà bà không được quyền quyết định và mong đợi?
|
Phó Thủ tướng Ngô nghi chụp ảnh với các phụ nữ Trung Quốc và nước ngoài ngày 7/3/2006. Ảnh: Cycnet.com |
Đúng mực với phóng viên
Là người phụ nữ nổi tiếng và quyền lực của Trung Quốc, Ngô Nghi luôn là đối tượng theo đuổi của các phóng viên. Nổi tiếng vì cách trả lời thẳng thắn, đi vào trọng tâm, bà còn rất tinh ý trong những tình huống nhạy cảm.
Năm 1994, quan hệ Trung - Mỹ gặp phải những sự cố nghiêm trọng, những người có liên quan của hai bên tổ chức nhóm họp tại Bắc Kinh. Trong suốt ba ngày họp các phóng viên cũng sốt ruột chờ suốt 3 ngày bên ngoài. Kết thúc phần việc, Ngô Nghi cần ra ngoài, nhưng nhân viên an ninh đã đề nghị bà đi cổng sau vì các phóng viên Hồng Kông đã chặn hết ở cửa trước.
Nghe vậy, Ngô Nghi không hài lòng “có lý nào lại như thế!”. Bà tiếp tục đi ra cửa lớn, nói rành rọt với các phóng viên: “Đàm phán vẫn đang tiếp tục, đang ở những vấn đề nhạy cảm nên hiện giờ chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin gì cho quý vị được. Ngày mai sẽ tổ chức họp báo chính thức công bố các thông tin, mong tất cả các bạn giúp đỡ!”.
Cuộc họp báo buổi chiều hôm sau đã diễn ra rất trật tự. Nhưng khi gần kết thúc một phóng viên nước ngoài với bộ râu rậm đứng lên hỏi bà: “Thưa Bộ trưởng, tôi có thể hôn chúc mừng bà được không?”. Bà đáp lời rất thoải mái và vui vẻ: “Tất nhiên là được!”. Nụ hôn vỡ oà trong tiếng vỗ tay của các nhà báo có mặt trong buổi hôm đó.
|
Bà Ngô Nghi trò chuyện với các cụ hưu trí. Ảnh: China Daily |
Vị nữ lãnh đạo tận tụy
Năm 1988, Ngô Nghi là Phó thị trưởng thành phố Bắc Kinh. Vừa nhậm chức bà đã lên kế hoạch năm đầu tiên sẽ không đi nước ngoài, không nghỉ lễ, dành toàn bộ thời gian làm việc để nắm rõ tình hình địa phương một cách nhanh nhất. Cạnh phòng làm việc bà có kê một chiếc giường, hầu như hôm nào cũng làm việc rất khuya rồi ngủ lại.
Các thư kí đã thống kê được rằng, trong 3 tháng trên cương vị Phó thị trưởng bà đã đến thăm 31 doanh nghiệp lớn trong nội thành Bắc Kinh và 9 doanh nghiệp ở ngoại ô. Trong những ngày tháng 5 nóng nực, bà đến thăm xưởng sản xuất thuỷ tinh Bắc Kinh, vào nơi nóng nhất nắm tay những người nhân viên và nói: “Cảm ơn tất cả, mọi người đã vất vả nhiều!”
Có năm, đường dây điện chung cư phía Tây bắc Bắc Kinh bị đứt, nhiều người dân bị mất điện, mất nước, khiến không khí rất căng thẳng. Ngô Nghi đã đội mưa tuyết đến thăm tình hình mọi người, nhận lỗi với người dân và lập tức tổ chức họp khẩn cấp, yêu cầu bên kĩ thuật khắc phục ngay sự cố này.
Khi đó là mùa đông, tuyết rơi trắng xoá, những vũng nước đóng băng, Ngô Nghi vẫn túc trực ngày đêm bên công trường. Những người dân sốt ruột nhất cũng phải mềm lòng: “Phó thị trưởng đã chịu khổ cùng chúng tôi, làm sao chúng tôi còn thắc mắc gì?”.
Là lãnh đạo cấp cao của chính phủ Trung Quốc, nhưng những phút thư giãn của bà rất ít. Làm việc nhiều hơn mua sắm, suy nghĩ nhiều hơn ngủ, không có mấy phút thời gian bà thực sự thảnh thơi dành cho riêng mình. Những ngày đi công tác nước ngoài, làm việc theo chương trình nghị sự liên miên, cùng lịch tiếp phóng viên dày đặc, nhưng bà chỉ lót dạ bằng gói mì ăn liền và đồ ăn nhanh của Trung Quốc. Sự giản dị đó càng làm cho bà được quý trọng.
Theo www.lanhdao.net