Vân Nam là một tỉnh ở phía tây nam của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, giáp biên giới với Việt Nam. Vân Nam có dân số 44.150.000 người, diện tích 394.100 km² (rộng hơn diện tích Việt Nam). Thủ phủ của tỉnh này là thành phố Côn Minh. Vân Nam là nơi bắt nguồn của sông Hồng và sông Đà, sông Mê Kông.
Vân Nam là một tỉnh ở phía tây nam của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, giáp biên giới với Việt Nam. Vân Nam có dân số 44.150.000 người, diện tích 394.100 km² (rộng hơn diện tích Việt Nam). Thủ phủ của tỉnh này là thành phố Côn Minh. Vân Nam là nơi bắt nguồn của sông Hồng và sông Đà, sông Mê Kông.
Các đơn vị hành chính
Vân Nam được chia thành 16 đơn vị hành chính cấp địa khu, gồm 8 thành phố (địa cấp thị) và 8 châu tự trị:
Thành phố Côn Minh với 5 quận (khu), 1 thị xã (An Ninh), 5 huyện và 3 huyện tự trị.
Thành phố Khúc Tĩnh với 1 quận, 1 thị xã (Tuyên Uy) và 7 huyện.
Thành phố Ngọc Khê với 1 quận, 5 huyện và 3 huyện tự trị.
Thành phố Bảo Sơn với 1 quận và 4 huyện.
Thành phố Chiêu Thông với 1 quận và 10 huyện.
Thành phố Lệ Giang với 1 quận, 2 huyện và 2 huyện tự trị.
Thành phố Tư Mao với 1 quận và 6 huyện tự trị.
Thành phố Lâm Thương với 1 quận, 4 huyện và 3 huyện tự trị.
Châu tự trị dân tộc Thái-Cảnh Pha Đức Hồng với 2 thị xã (Lộ Tây, Thụy Lệ) và 3 huyện.
Châu tự trị dân tộc Lật Túc Nộ Giang với 2 huyện và 2 huyện tự trị.
Châu tự trị dân tộc Tạng Địch Khánh với 2 huyện và 1 huyện tự trị.
Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý (với 1 thị xã Đại Lý, 8 huyện và 3 huyện tự trị.
Châu tự trị dân tộc Di Sở Hùng với 1 thị xã (Sở Hùng) và 9 huyện tự trị.
Châu tự trị dân tộc Cáp Nê, dân tộc Di Hồng Hà với 2 thị xã (Cá Cựu, Khai Viễn), 8 huyện và 3 huyện tự trị.
Châu tự trị dân tộc Choang-Miêu Văn Sơn với 8 huyện.
Châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp với 1 thị xã (Cảnh Hồng) và 2 huyện.
Tổng cộng có 129 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 thị xã, 79 huyện, 29 huyện tự trị và 12 quận.
Biểu tượng
Camellia reticulata, một loài cây trà có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam, là biểu tượng của tỉnh này.
Lịch sử
"Người Nguyên Mưu" , hóa thạch của người đứng thẳng (Homo erectus) được những người xây dựng đường sắt khai quật trong thập niên 1960, đã được xác định là hóa thạch người cổ nhất đã biết đến ở Trung Quốc. Vào thời kỳ đồ đá mới, ở đây đã có sự định cư của con người trong khu vực hồ Điền Trì .Những người nguyên thủy này sử dụng các công cụ bằng đá và đã xây dựng được các công trình đơn giản bằng gỗ.
Vào khoảng thế kỷ 3 TCN, khu vực trung tâm của Vân Nam, xung quanh Côn Minh ngày nay đã được biết đến như là Điền. Một viên tướng nước Sở là Trang Giao hay Trang Kiệu đã từ thượng nguồn sông Dương Tử tiến vào khu vực này, lập ra nước Điền và tự xưng là "vua nước Điền". Ông và những người kế nghiệp ông đã mang tới Vân Nam ảnh hưởng của người Hán, sự khởi đầu của một lịch sử lâu đời các cuộc di cư và sự mở rộng ảnh hưởng văn hóa.
Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc và mở rộng quyền lực của mình xuống phía nam. Các châu và huyện đã được thiết lập tại đông bắc Vân Nam. Đường giao thông đang có tại Tứ Xuyên đã được mở rộng về phía nam tới gần Khúc Tĩnh ngày nay, ở miền đông Vân Nam - được gọi là "Ngũ xích đạo" (đường 5 thước). Năm 109 TCN, Hán Vũ Đế giao quyền cho tướng Quách Xương đến Vân Nam để thiết lập quận Ích Châu với 24 huyện trực thuộc. Nơi đặt trụ sở của quận này là huyện Điền Trì (ngày nay là Tấn Ninh. Một huyện khác được gọi là "Vân Nam", có lẽ là lần sử dụng đầu tiên của tên gọi này. Để mở rộng quan hệ thương mại mới hình thành với Miến Điện và Ấn Độ, Hán Vũ Đế còn giao cho Đường Mông nhiệm vụ bảo trì và mở rộng Ngũ xích đạo, đổi tên nó thành "Tây nam Di đạo". Vào thời gian đó, kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp ở Vân Nam đã được cải thiện rõ rệt. Người dân địa phương sử dụng các công cụ và cày bừa bằng đồng thau cũng như chăn thả nhiều loại gia súc, như trâu, bò, ngựa, cừu, dê, lợn và chó.
Các nhà nhân loại học đã xác định là những người này có quan hệ họ hàng gần với những người mà ngày nay gọi là người Thái. Họ sinh sống theo bộ tộc, đôi khi được những người Hán bị lưu đày đứng đầu.
Trong thời kỳ Tam Quốc, lãnh thổ của Vân Nam ngày nay, Kiềm Tây và miền nam Tứ Xuyên được gọi chung là "Nam Trung". Sự tan rã của quyền lực trung ương tại Trung Quốc đã làm gia tăng tính tự trị của Vân Nam cũng như tăng thêm quyền lực cho các bộ tộc địa phương. Năm 225, một chính trị gia nổi tiểng là Gia Cát Lượng đã dẫn quân đến Vân Nam để dẹp yên các bộ tộc này. Bảy lần bắt và tha Mạnh Hoạch, một thủ lĩnh địa phương, đã được huyền thoại hóa trong văn hóa dân gian Trung Quốc.
Vào thế kỷ 4, miền bắc Trung Quốc chủ yếu bị những bộ tộc từ Trung Á tràn sang. Vào thập niên 320, thị tộc Thoán đã di cư tới Vân Nam. Thoán Sâm tự xưng làm vua và duy trì quyền lực tại Điền Trì (khi đó gọi là Côn Xuyên ). Từ đó trở đi, thị tộc này đã cai quản Vân Nam trên 400 năm. Năm 738, Bì La Các thủ lĩnh bộ lạc Mông Xá, đã thành lập vương quốc Nam Chiếu tại Vân Nam với kinh đô tại thành Thái Hòa (nay là Đại Lý) lập ra năm 739. Ông được nhà Đường công nhận là "Vân Nam vương". Từ Đại Lý, mười ba đời vua Nam Chiếu đã cai trị trên 2 thế kỷ và đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ luôn biến đổi giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Năm 902, quyền thần của Nam Chiếu là Trịnh Mãi chiếm đoạt quyền hành, đổi tên nước thành Đại Trường Hòa. Năm 929, Triệu Thiện Chính diệt Đại Trường Hòa, lập ra nước Đại Thiên Hưng. Năm 930, tiết độ sứ Đông Xuyên là Dương Càn Hưng diệt Đại Thiên Hưng, đổi tên nước thành Đại Nghĩa Ninh. Năm 937, thủ lĩnh bộ tộc người Bạch là Đoàn Tư Bình đã diệt Đại Nghĩa Ninh và thành lập Vương quốc Đại Lý, đóng đô tại Đại Lý. Vương quốc này khi đó bao gồm lãnh thổ ngày nay thuộc các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, tây nam Tứ Xuyên, bắc Miến Điện, bắc Lào và một số khu vực tại tây bắc Việt Nam. Năm 1253, vương quốc Đại Lý bị người Mông Cổ và quân đội của đại hãn Mông Kha tấn công. Năm 1276, Hốt Tất Liệt cho thành lập tỉnh Vân Nam. Năm 1381, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương phái các tướng là Phó Hữu Đức và Mộc Anh đem quân chiếm Vân Nam, diệt Lương vương của triều Nguyên. Cuối thời nhà Minh, hoàng đế Nam Minh (Quế vương) là Chu Do Lang (niên hiệu Vĩnh Lịch, 1646-1662) đã chạy tới Vân Nam. Năm 1659, nhà Thanh sai Bình Tây vương Ngô Tam Quế tấn công Vân Nam. Năm 1662, Ngô Tam Quế tấn công sang Miến Điện, bắt được Vĩnh Lịch bắt treo cổ chết. Giai đoạn từ 1856 tới 1873, người Hổi nổi dậy dưới sự chỉ huy của Đỗ Văn Tú. Sau khi thất bại thì số lượng người Hồi đã giảm mạnh. Trong thời kỳ này người Anh chiếm đóng Miến Điện còn người Pháp chiếm đóng Việt Nam nên cả hai đều có ảnh hưởng tới Vân Nam.
Năm 1910, người Pháp cho xây dựng đường sắt Điền Việt nối Côn Minh với Hải Phòng, đoạn trong Vân Nam gọi là Côn Hà thiết lộ (đường sắt Côn Hà).
Ngày 30 tháng 10 năm 1911, nhân dịp tết trùng dương, Thái Ngạc và Đường Kế Nghiêu nổi dậy thoát ly khỏi nhà Thanh. Ngày 25 tháng 12 năm 1915, hai ông này phát động phong trào phản đối Viên Thế Khải. Trong thời kỳ Trung Hoa dân quốc, tại Vân Nam hình thành một cục diện cát cứ, từ 1928 tới 1945 do Đường Kế Nghiêu và Long Vân thống lĩnh. Năm 1942, trên 10 vạn quân Trung Quốc tấn công sang Miến Điện, phối hợp cùng quân Anh chống lại quân đội Nhật Bản. Giai đoạn từ 1938 tới 1946, các trường đại học như đại học Bắc Kinh, đại học Thanh Hoa, đại học Nam Khai đã hợp nhất tại Côn Minh để lập ra Đại học Quốc gia Liên hợp Tây Nam.
Năm 1894, George Ernest Morrison, một phóng viên người Úc làm việc cho The Times, đã du hành từ Bắc Kinh tới Miến Điện, khi đó bị người Anh chiếm đóng, thông qua Vân Nam. Cuốn sách của ông An Australian in China (Người Úc tại Trung Quốc) đã miêu tả chi tiết những thử thách ông đã trải qua.
Từ năm 1916 đến năm 1917, Roy Chapman Andrews và Yvette Borup Andrews đã dẫn đầu đoàn thám hiểm động vật châu Á thuộc Viện bảo tàng tự nhiên Hoa Kỳ đi suốt phần lớn khu vực miền tây và miền nam Vân Nam, cũng như các tỉnh khác của Trung Quốc. Cuốn sách Camps and Trails in China đã ghi chép lại những thử thách của họ.
Địa lý
Vân Nam là tỉnh cực tây nam của Trung Quốc, với đường Bắc chí tuyến chạy ngang qua phần phía nam của tỉnh. Tỉnh này có diện tích khoảng 394.000 km², chiếm 4,1% tổng diện tích Trung Quốc. Tỉnh này có ranh giới với Khu tự trị người Choang Quảng Tây và tỉnh Quý Châu ở phía đông, tỉnh Tứ Xuyên ở phía bắc, Khu tự trị Tây Tạng ở phía tây bắc. Tỉnh này cũng có biên giới dài 4.060 km với Myanma ở phía tây, Lào ở phía nam, Việt Nam ở phía đông nam.
Ranh giới-Biên giới
Các tỉnh, khu tự trị có ranh giới là Khu tụ trị Tây Tạng, Tứ Xuyên, Quý Châu và Quảng Tây. Các quốc gia có biên giới với tỉnh này là Việt Nam (cửa khẩu chính qua biên giới theo đường bộ và đường sắt là tại Hà Khẩu - Lào Cai (đây cũng là của khẩu biên giới bộ duy nhất được phép đi lại đối với những người không có quốc tịch Trung Quốc hay Việt Nam), Lào (tại Boten) và Myanma (với cửa khẩu biên giới chính tại Thụy Lệ, đây cũng là của khẩu biên giới bộ duy nhất được phép đi lại đối với những người không có quốc tịch Trung Quốc hay Myama).
Cao độ
Điểm cao nhất ở phía bắc là đỉnh Kawagebo tại huyện Đức Khâm trên cao nguyên Địch Khánh, nó cao khoảng 6.740 m; và điểm thấp nhất là thung lũng Hồng Hà tại huyện Hà Khẩu, với cao độ 76,4 m.
Sông ngòi
Tỉnh này được 6 hệ thống sông lớn chính tưới tiêu:
Dương Tử ( Trường Giang), tại đây được biết dưới tên gọi Kim Sa Giang (sông cát vàng), tưới tiêu cho phần phía bắc của tỉnh.
Châu Giang, với thượng nguồn của nó gần Khúc Tĩnh, tưới tiêu cho khu vực miền đông.
Mê Kông (Lan Thương Giang), chảy từ Tây Tạng tới miền nam Việt Nam để đổ ra biển Đông, tạo thành biên giới tự nhiên giữa Lào và Myanma, giữa Lào và Thái Lan, qua Campuchia để tới Việt Nam.
Hồng Hà (Hồng Hà/Nguyên Giang) có thượng nguồn tại các dãy núi ở phía nam Đại Lý và đổ ra biển Đông sau khi chảy qua Hà Nội, Việt Nam.
Nộ Giang/Salween chảy ra vịnh Martaban và biển Andaman sau khi chảy qua Myanma.
Sông Irrawaddy có một số sông nhánh nhỏ ở miền viễn tây Vân Nam, cũng như Độc Long Giang và các sông trong châu tự trị Đức Hoành.
Các nguồn lực tự nhiên
Vân Nam giàu các nguồn lực tự nhiên. Tỉnh này được biết đến như là vương quốc của thực vật, động vật và các kim loại màu cũng như các loài cây thuốc.
Tỉnh này không những có các loài thực vật nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới, hàn đới nhiều hơn so với các tỉnh khác tại Trung Quốc, mà còn có nhiều loài thực vật cổ, cũng như các loài được đưa từ nước ngoài vào. Trong số khoảng 30.000 loài thực vật tại Trung Quốc thì có thể tìm thấy khoảng 18.000 loài tại Vân Nam. Vân Nam cũng là nơi có nhiều loài động vật quí hiếm trên thế giới sinh sống, nổi bật nhất là hổ, voi và bò tót khổng lồ.
Trên 150 loại khoáng sản đã được phát hiện tại Vân Nam. Giá trị tiềm năng của các loại khoảng sản này tại Vân Nam vào khoảng 3 nghìn tỷ nhân dân tệ ( khoảng 350 tỷ USD), 40% trong số đó là từ các loại khoảng sản cung cấp nhiên liệu, 7,3% từ khoáng sản kim loại và 52,7% từ các khoáng sản phi-kim loại.
Vân Nam đã được xác nhận là có trầm tích của 86 loại khoáng sản tại 2.700 khu vực. Khoảng 13% trong số các loại khoáng sản trầm tích này có trữ lượng lớn nhất trong số các mỏ khoáng sản tại Trung Quốc, và 2/3 các trầm tích có trữ lượng lớn nhất tại lưu vực sông Dương Tử và miền nam Trung Quốc. Vân Nam đứng đầu Trung Quốc về các loại khoáng sản chứa kẽm, chì, thiếc, cadmi, indi, tali và crocidolit.
Vân Nam có nhiều mưa và sông hồ. Tổng lưu lượng nước hàng năm chảy trong tỉnh này là khoảng 200 km³, ba lần lớn hơn lưu lượng của sông Hoàng Hà. Các sông chảy vào tỉnh này bổ sung thêm 160 km³, có nghĩa là có trên 10.000 m³ khối nước cho mỗi người dân trong tỉnh trong một năm. Con số này cao gấp 4 lần so với trung bình toàn Trung Quốc. Lượng nước lớn này tạo điều kiện cho việc phát triển thủy điện.
Vân Nam còn hấp dẫn với nhiều địa điểm du lịch, bao gồm nhiều vùng phong cảnh đẹp, các tập quán dân tộc đa dạng và một khí hậu dễ chịu.
Dân cư
Tổng dân số: 43,33 triệu (năm 2002)
Tỷ lệ tăng dân số: 1,06%
Tuổi thọ (trung bình): 65,1 năm (nam) và 67,7 năm (nữ) (dữ liệu năm 1995)
Dân tộc
Vân Nam đáng chú ý vì sự đa dạng sắc tộc cao. Tỉnh này có nhiều dân tộc hơn tất cả các tỉnh và khu tự trị khác của Trung Quốc. Trong số 56 dân tộc được công nhận tại Trung Quốc, người ta thấy tại Vân Nam là 25. Khoảng 38,07% dân số trong tỉnh này là các nhóm sắc tộc thiểu số như người Di, Bạch, Cáp Nê (Hà Nhì), Tráng (Choang), Thái, Miêu (H'Mông), Lật Túc, Hồi, Lạp Hỗ (La Hủ), Ngõa (Va), Nạp Tây, Dao, Tạng, Cảnh Pha, Bố Lãng, Phổ Mễ, Nộ, A Xương, Cơ Nặc, Mông Cổ, Độc Long, Mãn, Thủy và Bố Y. Một vài dân tộc khác cũng có đại diện, nhưng hoặc là họ không sống trong các khu dân cư đông đúc hoặc số lượng không đạt tới ngưỡng quy định là 5.000 người để có thể được công nhận có địa vị một cách chính thức là tồn tại trong tỉnh. Một số nhóm sắc tộc, chẳng hạn người Ma Toa, đã được công nhận chính thức như là một phần của người Nạp Tây, trong quá khứ đã từng yêu cầu có địa vị chính thức như là một dân tộc thiểu số, và hiện nay được công nhận là dân tộc Ma Toa.
Các nhóm sắc tộc phân bổ rộng khắp trong tỉnh. Khoảng 25 các dân tộc thiểu số sống trong các khu dân cư đông đúc, mỗi cộng đồng có số dân trên 5.000 người. Mười dân tộc thiểu số sống tại khu vực biên giới và thung lũng các sông, bao gồm người Hồi, Mãn (người Mãn, dấu vết còn lại của thời kỳ chính quyền nhà Thanh, không sống trong các khu dân cư đông đúc và trong nhiều khía cạnh thì không khác gì người Hán), Bạch, Nạp Tây, Mông Cổ, Tráng, Thái, A Xương, Bố Y và Thủy, với tổng dân số khoảng 4,5 triệu; những người sống trong các khu vực núi thấp là người Hà Nhì, Dao, Lạp Hỗ (La Hủ), Va, Cảnh Pha, Bố Lãng và Cơ Nặc, với tổng dân số khoảng 5 triệu; còn những người sống trong các khu vực núi cao là người Miêu, Lật Túc, Tạng, Phổ Mễ và Độc Long, với tổng dân số khoảng 4 triệu.
Câu truyện thường được nhắc lại kể về chuyện ba anh em khi sinh ra đã nói các thứ tiếng khác nhau: Tạng, Nạp Tây và Bạch. Mỗi người sống trong các khu vực khác nhau của Vân Nam và Tây Tạng, tương ứng với các vùng cao, vùng trung và vùng thấp.
Ngôn ngữ
Các phương ngữ chủ yếu trong tiếng Trung được nói tại Vân Nam thuộc về nhánh tây nam của nhóm Quan Thoại, và vì thế là tương tự như các phương ngữ láng giềng ở các tỉnh Tứ Xuyên và Quý Châu. Các đặc trưng đáng chú ý trong nhiều phương ngữ Vân Nam là việc mất đi một phần hay toàn bộ khác biệt giữa /n/ và /ŋ/, cũng như không có /y/.
Sự đa dạng sắc tộc của Vân Nam được phản ánh trong sự đa dạng ngôn ngữ của nó. Các thứ tiếng được nói tại Vân Nam bao gồm nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến chẳng hạn như Bạch, Di, Tạng, Hà Nhì, Cảnh Pha, Lisu, Lạp Hỗ, Nạp Tây; Thái hay Tráng, Bố Y, Đồng, Thủy, Thái Lự và Thái Nüa cũng như nhóm ngôn ngữ Mông-Miến.
Cụ thể là tiếng Nạp Tây sử dụng hệ thống chữ viết Đông Ba, là hệ thống chữ viết dùng biểu tượng (hình ý văn tự) duy nhất hiện nay trên thế giới. Văn tự Đông Ba đã được các thầy cúng Đông Ba sử dụng là chủ yếu với các chỉ dẫn về nghi thức hành lễ của họ. Ngày nay văn tự Đông Ba chủ yếu là để đáp ứng sự tò mò của khách du lịch. Học giả nổi tiếng nhất về văn hóa Đông Ba có lẽ là Joseph Rock.
Giáo dục
Vào cuối năm 1998, trong số dân số của tỉnh thì 419.800 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, 2,11 triệu người đã tốt nghiệp phổ thông trung học, 8,3 triệu người tốt nghiệp trung học cơ sở, 18,25 triệu người đã tốt nghiệp tiểu học và 8,25 triệu người trên 15 tuổi hoặc là mù chữ hoặc một phần biết đọc, biết viết.
Đại học và cao đẳng
Đại học Khoa học Công nghệ Côn Minh
Đại học Vân Nam
Đại học Kinh tế Tài chính Vân Nam
Đại học Nông nghiệp Vân Nam
Đại học dân tộc Vân Nam
Đại học Côn Minh
Học viện Lâm nghiệp Tây Nam
Học viện Y học Côn Minh
Học viện Đông y Vân Nam
Học viện Cảnh quan Vân Nam
Đại học Sư phạm Vân Nam
Kinh tế
Vân Nam là một tỉnh tương đối chậm phát triển của Trung Quốc với tỷ lệ dân số lâm vào cảnh nghèo khổ cao hơn các tỉnh khác. Năm 1994, khoảng 7 triệu người sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập bình quân hàng năm thấp hơn 300 nhân dân tệ trên đầu người. Họ được phân bổ trong 73 huyện của tỉnh, chủ yếu sống nhờ nguồn hỗ trợ tài chính của chính quyền trung ương. Với số tiền trợ cấp 3,15 tỷ nhân dân tệ (NDT) năm 2002, dân số nông thôn nghèo trong tỉnh đã giảm từ 4,05 triệu năm 2000 xuống 2,86 triệu. Kế hoạch xóa đói giảm nghèo bao gồm 5 dự án lớn với mục tiêu nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Các kế hoạch này bao gồm chương trình cải tạo đất, bảo tồn nước, cung cấp điện năng, đường xá và xây dựng "vành đai xanh". Cho đến khi các dự án này được hoàn thành thì Vân Nam sẽ giải quyết được vấn đề thiếu ngũ cốc, nước, điện, đường xá và cải thiện các điều kiện sinh thái.
Bốn ngành kinh tế cột trụ của Vân Nam là: sản xuất thuốc lá, các chế phẩm sinh học, khai thác mỏ và du lịch. Vân Nam có quan hệ thương mại với trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vân Nam cũng thành lập khu thương mại biên giới Muse (nằm tại Thụy Lệ) dọc theo ranh giới của tỉnh này với Myanma[1]. Vân Nam xuất khẩu chủ yếu là thuốc lá, máy móc và thiết bị điện, các sản phẩm hóa học và nông nghjiệp, cũng như các kim loại màu. Năm 2002, kim ngạch thương mại song phương (nhập và xuất khẩu) đạt 2,23 tỷ đô la Mỹ. Năm 2002, tỉnh này đã ký các hợp đồng FDI với số vốn 333 triệu đô la Mỹ, trong đó 112 triệu đô la Mỹ đã được đầu tư trên thực tế trong cùng năm. Tỷ lệ thất nghiệp tại Vân Nam là 4% (năm 2002).
GDP danh định năm 2004 là 295,9 tỷ nhân dân tệ (36,71 tỷ đô la Mỹ), và tốc độ tăng trưởng hàng năm là 8,1%. GDP trên đầu người là 5.630 NDT (680 USD). Tỷ lệ trong GDP của các ngành công nghiệp sơ cấp (nông-lâm-ngư nghiệp và khai khoáng), thứ cấp (sản xuất công nghiệp và xây dựng) và tam cấp (dịch vụ) lần lượt là 21,1%; 42.8%; 36,1%.
Vận tải
Đường sắt
Vân Nam được nối bằng đường sắt lần đầu tiên không phải là với phần còn lại của Trung Quốc mà là với cảng Hải Phòng bằng đường sắt khổ hẹp (1,1 m) do người Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1910. Phải 50 năm sau thì tỉnh này mới được nối với phần còn lại của Trung Quốc bằng đường sắt sau khi tuyến đường sắt Thành Đô-Côn Minh hoàn thành. Sau đó, tuyến đường sắt nối Côn Minh với Quý Dương cũng được đưa vào khai thác. Hai tuyến đường sắt mới được đưa vào sử dụng gần đây: tuyến đường phía nam nối tới Nam Ninh và tuyến đường đông bắc nối tới Tứ Xuyên.
Vào thời điểm 2006, sự kéo dài của tuyến đường sắt hiện nay cũng liên kết Côn Minh với Đại Lý, với đoạn kéo dài tới Lệ Giang cũng gần hoàn thành. Người ta cũng có kế hoạch mở rộng tuyến đường sắt cổ nhất trong tỉnh tới Việt Nam, trong khi một kế hoạch mới và rất nhiều tham vọng để liên kết Đại Lý với Thụy Lệ cũng đã được thông báo trong năm 2006.
Đường bộ
Việc xây dựng đường bộ tại Vân Nam vẫn tiếp tục không suy giảm: trong những năm qua tỉnh này đã xây dựng được thêm nhiều tuyến đường mới hơn bất kỳ tỉnh nào của Trung Quốc. Hiện nay, tuyến đường cao tốc nối Côn Minh, qua Đại Lý tới Bảo Sơn, Côn Minh tới Mặc Giang (trên đường tới Cảnh Hồng), Côn Minh tới Khúc Tĩnh, Côn Minh tới Thạch Lâm (rừng đá). Kế hoạch chính thức là tới năm 2010 sẽ nối toàn bộ các thành thị chính và thủ phủ của các tỉnh láng giềng bằng đường cao tốc và dự định hoàn thành hệ thống đường cao tốc vào năm 2020.
Tất cả các thị trấn hiện nay đều có thể tới được bằng các tuyến đường có bề mặt cứng trong mọi thời tiết, từ Côn Minh, tất cả các thị tứ đều có đường liên kết (thị tứ cuối cùng được nối vào là Dương Lạp, ở xa về phía bắc của tỉnh, nhưng Độc Long Giang vẫn bị cô lập trong vòng khoảng 6 tháng mỗi năm), và khoảng một nửa các làng quê có đường đi tới.
Tổng độ dài của đường quốc lộ cấp II là 958 km, cấp III là 7.571 km và cấp IV là 52.248 km. Tỉnh này cũng đã thành lập một mạng lưới liên lạc viễn thông từ Côn Minh tỏa ra tới Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Tây, Tây Tạng, cũng như xa hơn sang tới tận Myanma, Lào, Việt Nam và Thái Lan.
Đường thủy
Nói chung, các sông là trở ngại đối với giao thông vận tải của Vân Nam. Chỉ một phần rất nhỏ trong hệ thống sông ngòi ở Vân Nam là có thể phục vụ cho giao thông đường thủy.
Năm 1995, tỉnh này đã đầu tư 171 triệu NDT để bổ sung thêm 807 km đường giao thông thủy mới. Người ta đã xây dựng 2 cầu tàu với năng lực xếp dỡ mỗi năm đạt 300.000-400.000 tấn/cầu tàu và 4 cầu tàu với năng lực xếp dỡ 100.000 tấn/cầu tàu. Khối lượng xếp dỡ hàng hóa mỗi năm khoảng 2 triệu tấn và luân chuyển hành khách khoảng 2 triệu người.
Sân bay
Tỉnh này có 20 tuyến đường bay từ Côn Minh tới Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Hải Khẩu, Trùng Khánh, Thẩm Dương, Cáp Nhĩ Tân, Vũ Hán, Tây An, Lan Châu, Hàng Châu, Hạ Môn, Nam Ninh, Thâm Quyến, Quý Dương, Trường Sa, Quế Lâm, Lhasa và Hồng Kông; tám tuyến đường bay nội tỉnh từ Côn Minh tới Cảnh Hồng, Mông Tự, Lệ Giang, Đại Lý, Hương Cách Lý Nạp (Shangri-la hay Trung Điện), Chiêu Thông, Bảo Sơn và Tư Mao; cũng như 8 đường bay quốc tế từ Côn Minh tới Bangkok, Chiang mai, Yangon, Singapore, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kuala Lumpur và Viêng Chăn.
Sân bay quốc tế Vu Gia Bá ở Côn Minh là sân bay hạng nhất cấp quốc gia còng các sân bay khác là các nhà ga hạng hai. Một sân bay mới cho Côn Minh, được xây ở phía đông thành phố, tại Đại Bản Kiều đã bắt đầu năm 2006, nhưng chỉ hoàn thành theo dự kiến vào năm 2015.
Dân cư
Vân Nam được biết đến như là tỉnh có số lượng sắc tộc lớn nhất tại Trung Quốc, và hiện nay người ta đã và đang tích cực trong công việc bảo tồn văn hóa, các di sản cùng ngôn ngữ của các dân tộc này:
A Xương (Đức Hoành)
Bạch (Đại Lý)
Bố Lãng
Cảnh Pha
Cơ Nặc
Cáp Nê (hoặc Akha)
Dao
Di
Hán (chủ yếu)
Hồi (người Trung Quốc theo Hồi giáo)
Lisu
Ma Toa (Lệ Giang)
Miêu (hay H'mong)
Nạp Tây
Ngật Lão
Phổ Mễ (Lệ Giang)
Tạng (hoặc Kham
Người Thái
Người Tráng(hoặc Bố Y)
Va (Lâm Thương)
Tất cả các dân tộc ít người này được phân loại theo phân loại chính thức của nhà nước CHND Trung Hoa, tuy nhiên, trong mỗi nhóm sắc tộc lại tồn tại các phân nhóm hoàn toàn khác biệt về tập quán, ngôn ngữ khi so sánh với các phân nhóm khác trong cùng nhóm
Du lịch
Các trung tâm du lịch tại Vân Nam bao gồm:
Đại Lý, trung tâm lịch sử của các vương quốc Nam Chiếu và Đại Lý.
Cảnh Hồng, trung tâm và thủ phủ châu tự trị Tây Song Bản Nạp của người Thái Vân Nam.
Lệ Giang, một thành phố của người thiểu số Nạp Tây. Nó đã được UNESSCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1997.
Shangri-La (trước đây gọi là Trung Điện), một thị trấn của dân tộc thiểu số là người Tạng, nằm ở vùng núi cao tây bắc Vân Nam.
Thạch Lâm, một loạt các carxtơ lộ thiên ở phía đông Côn Minh.
Nguyên Dương, một khu định cư của người Hà Nhì với các ruộng bậc thang rộng lớn.
Theo wikipedia.org