Tôi gặp lại bà Lê Thị Liên sau 27 năm. Mặt đất thì vẫn thế, nhưng mỗi đường qua, lối đến trước thì xuôi nay đã ngược. Cây mọc, cây đốn cụt. Nhà xây nơi lấn ra, chỗ thụt vào. Khúc ngõ lầy thụt rải gạch vụn, đã là con đường lát bê-tông im lìm dưới hàng cây hoa sữa, hương vương thẫn thờ gió thu.
Những cây mít, hàng chè lơ thơ cọng tăm ngày xưa. Mít đã sắp thành cây cổ thụ. Hàng chè tươi hái lá đã lực lưỡng vươn cao. Khu đồi hoang phế đã có hàng rào gạch xây quanh.
Vóc dáng khiêm tốn một trang trại trong lòng thành phố Vĩnh Yên.
3. “Ôi, nỗi đau đồng chí...”
|
Bà Lê Thị Liên hướng dẫn nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi thăm ngôi nhà sinh thời ông Kim Ngọc ở |
Từng ấy năm, tôi đã qua lại phố thị Vĩnh Yên từ thị xã tróc lở lên thành phố Vĩnh Yên náo nức không đếm được lượt. Con đường có vòng vèo thì cũng mười phút xe máy, vậy mà tôi đã không có được nghĩa cử như là hai người thủ trưởng cũ, như là bao nhiêu con người từ nông dân đồng bằng Nam Bộ đến lãnh đạo đất nước, ghé vào ngôi nhà tuềnh toàng thắp lên chút ít tri ơn trong khói hương trầm.
Bà Lê Thị Liên có thể không nhớ tôi là chú lính đói ăn vào ngày xuân năm ấy đã nhận từ bà mấy chiếc kẹo chanh Hải Châu lọt gió thấm đường qua lớp giấy dầu dấp dính lòng tay.
Điềm tĩnh và cả sự chuyển động chậm của tuổi già, bà mời tôi vào nhà. Dường như việc tiếp khách ngày ngày đến thắp hương và ngắm nhìn chân dung Kim Ngọc là việc bình thường với bà. Dù tôi có là ai thì bà cũng không cảm thấy xa lạ.
Nhưng lạ kỳ, bà vẫn nhớ tôi. Bà bảo rằng, bà quên nhiều thứ, nhưng nhiều thứ bà không thể quên. Nhất là hôm ấy là ngày rằm tháng Giêng. Cỏ hãy còn chưa xanh kín mộ Kim Ngọc trên đồi đá ong. Cậu giờ béo tốt rồi, tóc cũng điểm sương hai bên thái dương rồi…
Phòng khách hẹp và dài. Vẫn chiếc ấm giỏ cũ, vẫn bộ ghế kiểu cổ bốn chiếc, bàn vuông mặt đá. Bộ xa-lông giả da được kê thêm gia tăng chỗ ngồi. Bàn thờ Kim Ngọc sơ sài ngày xưa thì đã có tủ thờ. Bức tượng bán thân, đúc đồng, quà tặng của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc nhân 90 năm ngày sinh Kim Ngọc đặt đằng sau bát hương.
Thần thái bức tượng, ung dung, trầm mặc. Hai bên vai tượng tàn hương trắng xám. Trên tường những bằng khen, huân huy chương, những bức ảnh đen trắng đã tháo dỡ mang đi đâu đó. Lỗ chỗ dấu đinh đó đây trên tường vôi xanh ẩm.
Thấy tôi ngẩn ngơ, bà Lê Thị Liên thở dài.
- Tôi cũng không muốn thay đổi làm gì. Nhưng cái nhà này ngày xưa mua thanh lý Nhà nước bán cho thời bao cấp rệu rã ụp lúc nào không hay. Cây cầu Cần Thơ vững thế mà còn đổ kia mà. Huống hồ nhà đã 30 năm, xây lúc khủng hoảng kinh tế. Mấy hôm nữa sẽ tháo dỡ một phần nhà, nhưng tôi sẽ xây lại nguyên mẫu. Nó sẽ cứng chắc, bền vững để có chỗ thắp hương lâu dài cho ông ấy.
Bà nhấc ấm giỏ rót cốc nước chè xanh, vàng óng màu mật ong.
- Anh uống nước đi. Đây là chè xanh được ông Kim Ngọc trồng từ ngày mới về đây khai phá. Con đường hoa sữa ngoài kia, là cả nhà tôi, các con các cháu phải dốc sức từng tháng, từng năm, mua góp xe trâu, xe công nông đất đá đắp nên lối đi qua lòng ao cũ. Anh có biết vì sao không?
Chẳng là lúc ông nhà tôi còn sống, ông đứng trên sân nhà nhìn lối vào lầy thụt mà ước ao. Sau này nhất định sẽ phải có một con đường thẳng với hàng cây trồng hai bên…
Khu ao thả cá phía cuối vườn cũng vậy. Đó là ý nguyện chưa thành của ông Kim Ngọc. Các con tôi đã tích cóp xây dựng nên. Hy vọng ít nhiều làm mát mẻ linh hồn cha.
Dù không muốn làm bà đau, nhưng tôi không thể không hỏi một câu mà bao nhiêu người đã muốn hỏi bà, nhưng vì lý do nào đó đã không được may mắn như tôi. Vả lại, nếu hôm nay, tôi không hỏi bà thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội.
- Thưa... bác còn nhớ, hôm báo ND đăng bài phê bình khoán hộ của Kim Ngọc. Rồi thì Tỉnh ủy Vĩnh Phú họp gần một tuần để kiểm điểm ông cháu không ạ?
Bà Lê Thị Liên bặm môi, nuốt nước bọt, ái ngại lẫn tự hào nhìn lên bức chân dung đúc đồng của chồng. Mãi một lúc lâu bà mới cười cười.
- Anh hỏi lạ - Bà Liên chỉ tay vào nơi lồng ngực - Nó nằm ở sâu mãi trong này. Đầu tôi có thể quên, nhưng trái tim tôi thì vẫn nhớ…Hôm ấy không khí nặng trĩu, tù đọng. Ông Kim Ngọc trở về nhà ngồi co cả hai chân lên mặt ghế im im giữa nhà không bật điện, ống quần kéo cao quá gối.
Tiếng nõ điếu khoét từ gốc cây sim trên núi Tam Đảo mà người bạn già người Sán Dìu tặng ông ấy, trước khi cả nhà lên Việt Trì, mười lăm hai mươi phút lại rít lên đon đót khoan xoáy vào màng nhĩ. Tôi bảo, ông ơi mời ông xuống bếp ăn cơm. Cơm xếp lâu rồi. Các con đang đợi ông.
Ông ấy chỉ phẩy tay ra hiệu cho tôi đi ra. Ngồi thu lu đến gà gáy lần thứ 4, ông mới ngả lưng một chút. Đài chưa nổi nhạc thể dục đã lại lục ục thuốc lào. Sáng sớm, tôi nhìn khắp gian nhà bã thuốc lào chi chít như ốc sên mới nở. Bó đóm tre ngâm, chặt một tay nén mà không còn một thanh nguyên.
Cả ngày hôm sau, cũng lại kiểm điểm tiếp tục trên hội trường. Bữa trưa ông bỏ cơm hội nghị, về nhà nằm khan. Gần một tuần, ông ấy chỉ uống nước, ăn mấy chiếc bánh bích quy, hút thuốc lào. Những hôm ấy, có đêm ông xuống chuồng lợn cạnh bếp, nấu cám cho lợn ăn.
Chả là, tuy ở tập thể, nhưng hồi đó, nhà tôi vẫn thích chăn nuôi, tăng gia thêm để có chút cải thiện. Con đông mà ông ấy lại không bao giờ nhận biếu xén, hay đề xuất mua thêm, mua nếm gì ngoài những thứ Văn phòng Tỉnh ủy phân cho.
- Sao hở bà, ông Kim Ngọc nấu cám nuôi lợn tăng gia cải thiện cho gia đình?
- Đời nào lại bắt ông ấy làm thế! Tôi xuống bếp xua ông ấy và bảo. Thôi, ông có ngẫm có nghĩ thì lên nhà, ai lại ngồi đun cám thế này, quân tử phải giữ mình chứ.
Gạt than hồng giữa lòng bếp, thả thêm củi khô, ông ấy làm như không có tôi bên cạnh mà chỉ lẩm bẩm: Ôi, nỗi đau đồng chí... Đó là câu nói duy nhất mà tôi nghe được từ miệng ông ấy than van về sự kiện đó…
Bỗng có tiếng nồi chậu xô nhau trong bếp loàng thoàng. Bà Liên vội đứng dậy chậm chạp lần xuống gian bếp, tôi bám theo bà. Hóa ra chỉ có con mèo lục ăn làm đổ mâm bát, trúng chiếc chậu giặt. Mắt tôi bị hút ngay vào chiếc chậu giặt sáng lóa, to lạ lùng, người lớn có thể ngồi gọn lỏn bên trong.
Bà Liên dọn lại mâm bát, đặt chiếc chậu ngay ngắn, cười tươi.
- Đấy, tài sản vật chất ông Kim Ngọc nhà tôi sắm được ngoài một lô lốc những huân huy chương, bằng khen giấy khen thì có mỗi cái chậu này làm đồ dùng cho gia đình. Bao nhiêu lần tôi muốn xin phiếu định mua chiếc chậu nhôm Liên Xô nhưng ông ấy cứ gạt đi, bảo đã mua rồi, nhưng chưa tiện mang về.
Thì ra ông ấy xin được đoạn ống thùng xăng phụ của máy bay Mỹ ném bỏ, mang vào chân núi, nhờ ông bạn người Sán Dìu giỏi nghề rèn, gò chia đôi, mỗi người được một cái chậu. Nó được hơn ba mươi năm rồi mà vẫn cứng cáp, các cháu tôi mùa hè nào cũng tranh nhau tắm trong chậu của ông…
Bà Liên ngồi luôn xuống thềm, chỉ mông lung ra vườn.
- Ngoài kia còn cây vú sữa, ông Kim Ngọc xin cây con mọc ở dưới tán cây vú sữa nhà Bác Hồ. Giờ cũng sắp thành cổ thụ. Đã hơn ba mươi năm có lẻ ông Kim Ngọc nhà tôi nằm xuống…Giàn nhót trụ được mươi năm rồi thì cũng lụi tàn…
Hồi tưởng lại quá khứ, có thể lúc đầu là chỉ để tâm sự với tôi, nhưng sau đó là chuỗi tự sự độc thoại của bà Liên về những ngày cuối cùng chồng bà nằm ở Bệnh viện Việt Xô. Ông bệnh dạ dày đã mổ hai lần, giờ lại bị tắc đường phân. Mổ cho ông những lần trước là giáo sư Tôn Thất Tùng, nhưng lần thứ ba này giáo sư Tôn Thất Tùng đang công tác ở Pháp, người mổ thay là giáo sư Tôn Thất Lang. Ông Đặng Hữu Khiêm, phó ban Tổ chức T.Ư Đảng, vừa là bạn vừa là cấp trên, nắn nắn những ngón tay khô gầy của bạn, hỏi.
- Anh thấy thế nào? Có sợ không ?
Kim Ngọc cười khô héo.
- Sợ làm sao được. Chuyên môn bảo mổ thì cứ mổ thôi.
Tôi cầm bàn tay chồng mà ruột gan cứ thắt lại vì một linh cảm nặng trĩu lồng ngực. Mắt khép hờ, vẻ mặt bình thản hơn, hơi thở đều đặn. Nghẹn ngào, tôi cúi xuống khẽ hỏi.
- Ông ơi, ông có…có muốn nói gì với tôi và các con cháu không... thì ông nói đi…
Nhưng ông nhà tôi cứ nín lặng thiêm thiếp, bình an, trắng toát nằm trên giường đẩy, đang được các thầy thuốc đưa theo hành lang hun hút tiến vào phòng mổ. Tôi cố giữ bàn tay ông ấy trong tay mình thêm một giây lát.
Trước đó mấy hôm, ông ấy còn nháy ông Lê Dân lén kiếm cọng đu đủ nhét trong vạt áo ngực mồi thuốc lào, hút lén bác sỹ. Mùi thuốc lào nồng lên, tôi định cự nự thì ông ấy hít hà khoan khoái: “Ôi khoái quá, sướng quá đi mất chú Dân ạ. Mai lại nhớ mang cọng đu đủ vào nhé!”.
Thế mà lúc này Lê Dân và Đặng Hữu Khiêm đang thì thào trao đổi vẻ nghiêm trọng. Ông Khiêm, liếc nhìn tôi nói khẽ.
- Lát nữa ông Tôn Thất Lang ra khỏi phòng mổ mà tươi tỉnh thì tình hình còn hy vọng. Còn không, thì hiện trạng là 3 phần hy vọng trên 7 phần đen tối…
Nhưng mổ xong, máu vẫn chảy mãi không cầm được. Hôm ấy là 26 tháng 5 năm 1979. Người ta đặt thi hài Kim Ngọc vào hòm thiếc, đưa sang Bệnh viện Việt Xô. Tôi và các cháu muốn ông Kim Ngọc an táng ở Vĩnh Yên, nhưng Tỉnh ủy không đồng ý, lệnh phải đưa lên Việt Trì.
Khi đưa thi hài Kim Ngọc ngang Vĩnh Yên, thì người ta cho xe nghỉ ở khúc quanh Rừng Lim, trước ngã tư tòa nhà Tỉnh ủy bây giờ, để cho các con cháu tạt qua nhà lấy quần áo và đồ đạc.
Tôi vội vàng về nhà lục tủ, chỉ có mấy bộ quần áo bộ đội, mấy bộ pi-gia-ma, đôi giày da sờn mũi, mấy đôi tất thủng.
Tang lễ được tổ chức trọng thể, trong điều kiện lúc bấy giờ. Phải 5 năm sau, ván thiên mộ của ông ấy sập, nấm sụp xuống, năm lần bảy lượt tôi lên xin các ông tỉnh lúc bấy giờ để sửa mộ cho chồng mà không được. Vì lúc đó còn phải xin ý kiến Trung ương…
Một lần nữa, tôi lại xin đưa Kim Ngọc về quê, nhưng các ông tỉnh nói rằng, Kim Ngọc là Bí thư của cả hai tỉnh, Việt Trì hay Vĩnh Yên thì đều là quê hương cả.
Một ngôi mộ xây bề thế ở vị trí trang trọng ngay bên dưới biểu tượng của nghĩa trang. Người phụ trách xây mộ cho Kim Ngọc đã ghé tai tôi nói nhỏ. “Chúng em đã xây hết gần một tấn xi măng đấy chị ạ”. Chẳng biết thực hư, tôi chỉ biết gật đầu cảm ơn.
Mãi đến khi chuyển ông ấy về nghĩa trang Vĩnh Yên cho tiện bề hương khói, gia đình vẫn lo ngày trước xây nhiều xi măng thế rất khó khăn di dời. Nhưng khi vừa đụng cuốc, xẻng vào thì chỉ mỗi bề mặt là có xi măng loáng nhoáng, bên dưới thì toàn gạch bở bục, xếp chồng lên nhau nên cũng dễ làm lắm…
Cái số ông ấy thế, nó long đong lận đận. Mổ dạ dày ba lần. Chôn xuống đào lên cũng ba lần. Bây giờ thì Kim Ngọc, mộ đã ốp đá granít, đúc tượng đồng rồi. Huân chương Độc Lập hạng Nhất cũng đã trao rồi…nhưng…
|
Chiếc chậu giặt khổng lồ - một sáng kiến tiết kiệm của ông Kim Ngọc |
Bà Lê Thị Liên như vẫn còn điều gì đó bận lòng. Bà đứng dậy thắp cho chồng tuần nhang nữa, sau mới tiếp tục câu chuyện.
- Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác Vĩnh Phúc hoặc đi ngang qua đều vào nhà thắp hương cho Kim Ngọc. Còn các đoàn đại biểu ở các tỉnh, nhất là các tỉnh phía Nam, có nhiều cụ đảng viên lão thành, khi thắp hương cho Kim Ngọc đã ứa nước mắt.
Cách đây mươi năm, tôi ở trong đoàn cán bộ cựu chiến binh về chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Biết tôi là vợ Kim Ngọc, Đại tướng đã kéo tôi ngồi lại gần và nói.
- Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân…
Khi còn đương chức, Chủ tịch nước Trần Đức Lương có vào thăm nhà tôi và tặng một túi quà và một triệu đồng. Tôi cũng đã thành tâm đề nghị Chủ tịch Trần Đức Lương về việc Đảng và Nhà nước cải chính hộ chồng tôi vài ba lời.
Ngày xưa báo N.D đã đăng bài phê phán ông ấy, thì nay cũng nên có đôi lời thưa lại. Cuộc đời đúng, sai là lẽ thường. Ông Kim Ngọc chắc không cần điều ấy, tôi cũng không cần điều ấy. Nhưng tôi nghĩ đến sau này khi tôi mất đi thì cũng nên có một sự rõ ràng minh bạch…
Tiếp lời tôi, ông Chu Văn Rỵ lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tháp tùng Chủ tịch cũng đề nghị là nên phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Kim Ngọc…
4. Chiếc đồng hồ và lời dặn của người cha
Ông Kim Nam, người con trai thứ ngồi trò chuyện cùng tôi đằng sau lưng bức tượng đồng Kim Ngọc, trong căn nhà đang đập phá tu sửa, thì nhớ lại những ngày tháng ấy với sắc thái điềm tĩnh, và lặng lẽ.
- Ngày ấy, tôi đang học lớp 7, hệ phổ thông mười năm. Tôi chỉ cảm nhận được rằng bố tôi rất buồn. Nhiều hôm, tôi đi học về chào bố. Bố tôi yên lặng, mắt mở to, thảng thốt, mênh mông. Rõ ràng là tôi đang ở trước mặt bố mà bố không nhận ra. Nhưng tôi biết làm thế nào giúp được bố đây?
Trong lúc ấy đường đường bố là người có quyền hành to nhất tỉnh Vĩnh Phú. Một tỉnh kéo dài từ sân bay Nội Bài đến giáp thị xã Yên Bái. Chẳng lẽ bố tôi đã quên mất tôi?
Mọi khi, tôi đi học về, bao giờ bố cũng bảo tôi mở cặp, cho bố xem bài vở. Tôi đã ra đầu hè ngồi nhìn mãi màu hoàng hôn, nghe muỗi bay. Trong bếp tiếng bát đũa, xoong nồi lách cách. Tiếng mẹ và em gái tôi se sẽ thì thào.
Dường như dòng chảy hồi ức trong người con trai thứ, bỗng tràn dâng. Tôi rụt rè hỏi:
- Bí thư Kim Ngọc có định hướng cho các con mình phải làm gì không? Ví như là kỹ sư nông nghiệp hay kinh tế chẳng hạn…
- Với các con, ông cụ không bao giờ áp đặt. Anh cả Kim Sơn thích máy móc, thì cụ cho đi học cơ khí. Tôi thích súng đạn, giày đinh, quân phục, nên đã tình nguyện đi bộ đội. Tướng Đồng Sĩ Nguyên là chỗ quen biết, nhưng khi tôi vào Trường Sơn ông cụ cũng chẳng một lời thông báo cho bạn, tôi đang là lính của ông. Hôm tôi nhận quyết định nhập ngũ, bố gọi tôi lên ngồi đối diện bàn làm việc trên Văn phòng, hỏi.
- Có chắc chắn là con thích làm bộ đội, trực tiếp chiến đấu?
- Vâng. Con thích ạ.
- Vậy thì con phải chịu trách nhiệm với bản thân con. Và phải hoàn thành nhiệm vụ người lính một cách tốt nhất. Đạo đức của con người và giá trị của con người, chính là nằm ở chỗ phải hoàn thành bổn phận, vai trò, công việc được giao phó, hay tự nguyện gánh vác.
Con có thể thương tật, con có thể hy sinh, nhưng phải trung thực. Một khi con rèn được phẩm cách trung thực, thì con mới có lòng dũng cảm…Đó là cả một hành trình... một hành trình làm người con trai ạ…
Nhìn tôi hồi lâu, rồi ông lặng lẽ tháo chiếc đồng hồ Rô-lếch, quà tặng của Quân khu Việt Bắc, năm ông rời chức vụ Phó Chính ủy Quân khu về làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đeo vào cườm tay tôi.
- Nó sẽ giúp con trong những phiên gác, những lần hiệp đồng chiến đấu… Hôm nay con thích ăn gì bảo mẹ nấu cho. Ngày mai con đi tập trung, mẹ sẽ đưa. Bố bận đi xuống huyện…
Tôi lặng lẽ quay đi. Tôi cảm giác cái nhìn của bố mãi sau lưng, trước khi bố cúi xuống đọc chồng tài liệu. Suốt những tháng ngày chiến trường, tôi cũng chỉ là anh lính như bao anh lính khác. Cứ mỗi lần nhìn chiếc đồng hồ, là tôi lại nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Tôi hình dung ra ánh mắt của bố đang nhìn. Bao nhiêu năm, tôi gần như đứt liên lạc với gia đình.
Mãi sau, tôi biết, ở nhà dù không nói ra, nhưng cả bố và mẹ đều nghĩ tôi đã hy sinh. Bố đã làm rất nhiều thơ tặng tôi. Nhưng bố chỉ đọc cho mẹ nghe. Đến khi tôi về, thì mẹ mới đưa những bản thảo đó cho tôi đọc. Bố đã gọi tôi thảng thốt là bông hoa thương nhớ của cả nhà. Một bông hoa đi vắng. Một bông hoa chờ ngày đậu quả.
Thật tiếc, không hiểu sao những bài thơ đó lại không còn. Tôi đã làm thất lạc chúng, năm bố tôi ốm đau. Bố làm bài thơ, nhân ngày nhận được lá thư duy nhất tôi gửi từ B2, mẹ tôi thi thoảng bây giờ vẫn đọc: Hôm nay nhận được thư con/Khác nào nắng hạn gặp cơn mưa rào/Bao mùa chinh chiến gian lao/Nhưng con đã lớn đã cao với đời/Mênh mông trái đất vòm trời/ Vừa qua mới chỉ bước đời phải đi/khuyên con giữ trí kiên trì/ta đi đâu phải chỉ vì mình ta/tin vui ta viết vài câu/ gửi người đồng chí bấy lâu xa nhà.…
Nhìn nơi cổ tay ông Kim Nam trống trơn, tôi bỗng chạnh lòng.
- Thế cái đồng hồ hiện nay ở đâu mà không thấy anh đeo?
Kim Nam nhìn lên bức tượng đồng Kim Ngọc, giọng nhỏ khàn.
- Tôi vẫn giữ được chiếc đồng hồ bố cho và mang trở về cùng ngày chiến thắng. Đã mấy lần rơi xuống suối sâu, mấy lần tôi đều lặn xuống tìm lại. Tôi thấy được nó bởi ánh dạ quang le lói trong làn nước đục.
Sau này, chú em tôi thích, tôi đã đưa cho em dùng. Chú ấy ở Sài Gòn, mấy năm đầu chưa quen công việc, chắc là quá khó khăn nên đã không giữ lại được. Tôi biết, nhắn vào tìm cách chuộc lại nhưng không được…