Tình hình thực hiện nghị định 115 tại các địa phương

24/12/2007

Để khoa học và công nghệ (KH&CN) đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, ngày 5.9.2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP (Nghị định 115) quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH &CN công lập. Nội dung chủ đạo của Nghị định là giao quyền tự chủ cao về tổ chức, biên chế, tài chính cho các tổ chức KH &CN (kể cả sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp), đổi mới phương thức cấp kinh phí của Nhà nước cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (theo nhiệm vụ, không bao cấp theo số lượng biên chế) và nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn kết tốt nghiên cứu với đào tạo và sản xuất.

Qua hai năm thực hiện Nghị định, các địa phương trong cả nước đã đạt được những kết quả ban đầu, nhưng nhìn chung tốc độ triển khai còn chậm, số lượng tổ chức KH &CN có đề án chuyển đổi được phê duyệt còn ít. Tình hình này đang đòi hỏi các địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa và đặc biệt là Nhà nước, các cơ quan hữu quan cần có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức KH &CN, các địa phương trong quá trình thực hiện Nghị định.

Tình hình chuyển đổi các tổ chức KH &CN tại địa phương

Nghị định 115 đã được nhiều địa phương đón nhận và đánh giá cao. Bước đầu đã có chuyển biến về nhận thức, xác định được sự cần thiết thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH &CN, coi đây là bước đi tất yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH &CN. Với tinh thần đó, các địa phương đã tích cực chủ động tổ chức hướng dẫn, quán triệt nội dung Nghị định đến các tổ chức KH &CN trực thuộc. Một số địa phương đã chỉ đạo sát sao các tổ chức KH &CN xây dựng đề án chuyển đổi. Các địa phương bước đầu cũng đã rà soát, sắp xếp lại các tổ chức KH &CN trực thuộc và phân loại các tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách, nghiên cứu khoa học phục vụ các dịch vụ công ích của Nhà nước để đề nghị tiếp tục được hỗ trợ kinh phí thường xuyên.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai Nghị định 115 ở các địa phương còn chậm, số lượng các đề án chuyển đổi được phê duyệt còn thấp (tính đến ngày 30.9.2007 mới có 14 đề án được phê duyệt, chiếm khoảng 10,8% tổng số tổ chức KH &CN cần chuyển đổi). Số lượng các tổ chức KH &CN đã chuẩn bị xong đề án chờ phê duyệt cũng chưa cao (72 đề án, chiếm khoảng 55,8%). Nhiều tổ chức KH &CN lo ngại thời gian chuẩn bị chuyển đổi được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên đến cuối năm 2009 là quá ngắn. Các địa phương còn lúng túng trong việc phân loại tổ chức KH &CN nghiên cứu cơ bản, chiến lược chính sách, dịch vụ công và đối tượng mà tổ chức KH &CN phải chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí. Các tổ chức KH &CN gặp khó khăn trong việc thành lập hội đồng định giá tài sản, xác định giá trị tài sản, giao tài sản cố định cho tổ chức KH &CN chuyển đổi; gặp khó khăn trong việc tách các nội dung nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phục vụ công ích và nghiên cứu ứng dụng làm căn cứ để đề nghị cấp mức kinh phí hoạt động thường xuyên trong giai đoạn 2007 đến 2009. Đa số các địa phương còn chỉ đạo tổ chức KH &CN hoạt động theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP (Nghị định 43) của Chính phủ “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập” mặc dù tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 43 đã quy định rõ: “Các tổ chức KH &CN thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115”. Tại phần lớn các địa phương, chủ yếu là các địa phương nhỏ và thuộc vùng sâu, vùng xa, chưa có thị trường công nghệ, tổ chức KH &CN có nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp (như Trung tâm Giống thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Khuyến ngư…) sẽ rất khó khăn khi chuyển đổi sang cơ chế tự trang trải. Năng lực cán bộ của một số tổ chức KH &CN ở địa phương còn hạn chế cũng là những cản trở cho việc chuyển đổi theo Nghị định 115.

Qua thực tế làm việc với các địa phương, có thể nhận thấy các nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chuyển đổi theo Nghị định 115 như sau:

Một là, nhận thức chưa đúng về tinh thần của Nghị định 115, đặc biệt còn lúng túng trong việc xác định là đối tượng điều chỉnh của Nghị định 115 hay Nghị định 43.

Hai là, chưa có sự chỉ đạo quyết liệt và thống nhất của lãnh đạo các địa phương, đồng thời chưa mạnh dạn phân cấp và quyết tâm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH &CN trực thuộc. Quan niệm tiếp tục duy trì sự bao cấp của Nhà nước đối với các tổ chức KH &CN theo tư duy cũ vẫn tồn tại.

Ba là, việc phối hợp giữa các sở KH &CN, Nội vụ, Tài chính và các sở khác không được lãnh đạo các địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao, do vậy các tổ chức KH &CN xây dưng đề án chuyển đổi tổ chức và hoạt động chủ yếu mới chỉ là các tổ chức KH &CN trực thuộc Sở KH &CN.

Bốn là, tiềm lực KH &CN của các tổ chức KH &CN ở các địa phương còn yếu, thị trường công nghệ chưa phát triển cũng như nhu cầu ứng dụng KH &CN chưa cao.

Năm là, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 còn chậm và không đồng bộ; việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 và Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV chưa được thông suốt đến từng đơn vị.

Một số hướng dẫn cho việc chuyển đổi tổ chức KH &CN ở địa phương

Để giúp các tổ chức KH &CN, các địa phương hiểu đúng và thực hiện chuyển đổi tổ chức KH &CN theo Nghị định 115 có hiệu quả, chúng tôi xin hướng dẫn thêm một số vấn đề cụ thể sau:

Về phân loại tổ chức KH &CN: Đây là bước quan trọng, giúp nhận dạng được các tổ chức KH &CN có trong diện chuyển đổi theo Nghị định 115 hay không.

Tổ chức KH &CN thuộc diện chuyển đổi là tổ chức do UBND tỉnh ra quyết định thành lập; trong quyết định thành lập (hoặc điều lệ tổ chức và hoạt động) có ghi rõ là tổ chức nghiên cứu ứng dụng hoặc dịch vụ KH &CN; có đăng ký hoạt động KH &CN tại Bộ KH &CN hoặc Sở KH &CN địa phương.

Còn các tổ chức nghiên cứu cơ bản, chiến lược chính sách và tổ chức dịch vụ công ích phục vụ quản lý nhà nước thì theo Quyết định số 08/2007/QĐ-BKHCN ngày 6.4.2007 của Bộ trưởng Bộ KH &CN đã quy định: Những tổ chức này trong quyết định thành lập, điều lệ tổ chức và hoạt động, đăng ký hoạt động KH &CN có ghi rõ chức năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách, nghiên cứu định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành, nghiên cứu phục vụ dịch vụ công ích của Nhà nước và trong 3 năm gần đây, nguồn thu của tổ chức KH &CN chủ yếu (trên 70%) do ngân sách nhà nước cấp (bao gồm kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí đề tài, dự án nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ công…).

Về xác định giá trị tài sản và giao tài sản: Hội đồng xác định giá trị tài sản do cơ quan có thẩm quyền (UBND tỉnh, thành phố) thành lập với thành phần gồm Sở Tài chính, Văn phòng UBND, Sở Nội vụ, cơ quan chủ quản và lãnh đạo tổ chức KH &CN. Giá trị tài sản là giá trị ban đầu trừ đi giá trị hao mòn. Từ đó thực hiện việc giao tài sản: Lập danh mục tài sản riêng (nếu có nhu cầu sản xuất); danh mục tài sản tiếp tục sử dụng cho nghiên cứu khoa học thì phải có phương án tính hao mòn như tài sản của đơn vị sự nghiệp; tài sản dùng để sản xuất kinh doanh và dịch vụ có phương án tính khấu hao như tài sản của doanh nghiệp nhà nước (phần trích khấu hao sẽ được tính vào giá thành sản phẩm, có thế được tính khấu hao nhanh và được giữ lại đơn vị để tái đầu tư).

Giải quyết chế độ dôi dư: Tổ chức KH &CN lập danh sách cán bộ thuộc diện phải tinh giản biên chế, gồm 3 nhóm: Những cán bộ đủ tuổi về hưu trước ngày 31.12.2009 thì giải quyết chế độ hưu theo quy định của Nhà nước; cán bộ có nguyện vọng chuyển công tác đi cơ quan khác (cần tạo điều kiện thuận lợi); những cán bộ cần phải tinh giản biên chế thì lập danh sách (tạm tính chế độ theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế) và chờ chính sách của Nhà nước.

Xây dựng đề án chuyển đổi tổ chức KH &CN (hoặc đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức và hoạt động - đối với các tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu nghiên cứu chiến lược chính sách, tổ chức dịch vụ công ích) theo Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV.

Từ những khó khăn và tiếp thu kiến nghị của các tổ chức KH &CN, thời gian tới Ban công tác liên Bộ sẽ khẩn trương phối hợp với các Bộ liên quan kịp thời xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn; báo cáo Chính phủ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị định 115 và đề nghị điều chỉnh, bổ sung các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, trình Chính phủ cho phép kéo dài thời gian chuyển đổi đối với tổ chức KH &CN thuộc các địa phương ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, cũng như các tổ chức KH &CN mới thành lập, tiềm lực KH &CN còn yếu. Xây dựng và trình Chính phủ chính sách đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ KH &CN cho tổ chức KH &CN chuyển đổi (nhất là đối với tổ chức KH &CN có đội ngũ cán bộ KH &CN còn yếu và thiếu kinh nghiệm).

Ban công tác cũng sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn tổ chức KH &CN lập đề án chuyển đổi sao cho kịp thời và đúng lộ trình. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển để hỗ trợ cho tổ chức KH &CN trong giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi cơ chế hoạt động.


Tin khác