KHCN cần chủ động gắn với cuộc sống sôi động của đất nước

22/01/2008

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển- người được các doanh nhân kính trọng, yêu mến không chỉ vì có những đóng góp vào sự đổi mới thể chế, môi trường kinh tế mà còn vì sự thẳng thắn, sâu sắc, khiêm tốn và cởi mở của bà. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với bà về chất lượng tăng trưởng kinh tế và những vấn đề đặt ra đối với KH&CN trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

PV: Với cái tên “Viện nghiên cứu phát triển”, hẳn Viện của bà sẽ quan tâm nghiên cứu tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, khoa học, giáo dục, văn hóa...?

KHCN cần chủ động gắn với cuộc sống sôi động của đất nước
Bà Phạm Chi Lan: Không một Viện nào có thể nghiên cứu quá rộng như vậy. Chúng tôi đặt tên Viện chung chung như vậy là để tránh trùng lặp với tên một số Viện khác như: Viện Kinh tế, Viện Khoa học giáo dục, Viện Văn hóa... Trọng tâm của Viện chúng tôi là nghiên cứu những vấn đề phát triển, lấy kinh tế làm trọng tâm. Phát triển kinh tế phụ thuộc vào yếu tố con người. Do vậy không thể tách rời vấn đề nghiên cứu phát triển kinh tế với các vấn đề khác liên quan đến con người như giáo dục, khoa học, văn hóa, xã hội... Chính vì thế ngoài một số chuyên gia về kinh tế, Viện chúng tôi còn có sự tham gia của GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu, GS Phan Huy Lê... và nhiều nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên quan tâm đến những vấn đề phát triển của đất nước.

Ngày càng có nhiều người cho rằng GDP của chúng ta liên tục tăng nhưng chất lượng tăng trưởng ngày càng thấp. Ý kiến của bà?

Đúng là có những dấu hiệu cho thấy chất lượng tăng trưởng của chúng ta ngày càng thấp: hệ số giữa đầu tư và tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng (nghĩa là muốn tăng 1%GDP thì phải đổ thêm nhiều tiền của hơn. Nếu năm 1995-1996 GDP đạt 9% thì hệ số này là 2,2; hiện nay GDP cũng như vậy nhưng hệ số đó là 4,4); chỉ số năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực; ô nhiễm, tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn bao giờ hết; chỉ số giá cả tăng quá cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư ngày càng tăng nhất là giữa nông thôn và thành thị... Trên cơ sở những kinh nghiệm của nước ngoài và thực tiễn của nước ta, chúng tôi sẽ triển khai nghiên cứu vấn đề này một cách thấu đáo hơn.

Nhưng theo bà, vì sao tại các kỳ họp Quốc hội, các hội nghị của Chính phủ hầu như chỉ thấy bàn đến các giải pháp tăng GDP, ít thấy đề cập đến biện pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng?

Đây là điều đáng tiếc ở nước ta (nếu không muốn nói là đáng buồn). Khái niệm và ý thức quan tâm đến chất lượng phát triển đã được đề cập đến trong Nghị quyết Đại hội 8. Có nghĩa là cách đây 10 năm, chúng ta đã thấy chất lượng tăng trưởng có vấn đề, đã có định hướng không chỉ theo đuổi tốc độ mà phải lo đến cải thiện chất lượng tăng trưởng. Nhưng cho đến nay, chúng ta hầu như chưa làm được điều gì theo định hướng đó. Ngay tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, không ít đại biểu còn đòi đưa tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra (thậm chí có đại biểu muốn GDP của chúng ta đạt tới hai con số). Tuy vậy gần đây trong cuộc họp với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến các việc cần thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả, cải thiện môi trường, đời sống của nhân dân... Nhưng tôi e rằng vì bị sức ép, bị ám ảnh bới tốc độ tăng trưởng, nên trên thực tế những yếu tố liên quan đến chất lượng sẽ vẫn bị sao lãng.

Tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và lượng lớn nhân công
Hẳn các nhà quản lý đều biết “nguy cơ” của tăng trưởng chất lượng thấp, nhưng tại sao họ chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng. Phải chăng đó cũng là biểu hiện của bệnh thành tích?

Đúng vậy. Đó là căn bệnh chung của nhiều bộ phận xã hội chứ không phải của riêng ngành giáo dục. Nó phát sinh nhiều tiêu cực, lây lan nhanh nhưng ít được quan tâm khắc phục. Ngoài ra có thể một số chuyên gia giúp việc cho Chính phủ, Quốc hội cũng chưa có được nhận thức một cách đầy đủ về tư duy phát triển. Tôi cho rằng nếu trong điều hành của Chính phủ còn có những điều chưa ổn, thì không nên chỉ trách những người đứng đầu Chính phủ mà phải thấy trách nhiệm của bộ máy giúp việc.

KHCN được coi là quốc sách hàng đầu, động lực của phát triển, nhưng tại các hội nghị về kinh tế của các cấp chỉ thấy bàn đến thể chế, chính sách. Tại nhiều Kỳ họp Quốc hội chẳng có mấy ý kiến yêu cầu chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN. Đó là ví dụ điển hình về sự thiếu quan tâm đến sự phát triển KHCN. Theo bà vì sao?

Tôi nghĩ, thứ nhất, quá trình phát triển của nước ta là từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phải vượt qua nhiều khó khăn to lớn do mới qua khỏi chiến tranh, do cơ chế quan liêu bao cấp... Vì vậy bước vào đổi mới mọi người cần phải lo nhiều đến hoàn thiện thể chế thì kinh tế mới có thể vượt qua khủng hoảng, vận hành và phát triển. Còn đối với doanh nghiệp thì mối quan tâm hàng đầu của họ là môi trường kinh doanh. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, môi trường kinh doanh vẫn còn quá nhiều bất cập, tranh tối, tranh sáng. Do vậy, đó vẫn là mối quan tâm hàng đầu cần phải tháo gỡ của lãnh đạo và doanh nghiệp. Thứ hai, bản thân trình độ phát triển của chúng ta chủ yếu còn dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... không có mấy yếu tố phát triển do tác động của KH&CN. Từ đó hoạt động KHCN bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Hiện nay, chúng ta đã gia nhập WTO, đã bước vào giai đoạn phát triển mới với những thời cơ lớn cùng không ít thách thức, khó khăn, trong đó KHCN đóng vai trò là yếu tố có tính sống còn của phát triển. Vì vậy tôi tin rằng lãnh đạo và chính quyền các cấp tới đây sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc thúc đẩy phát triển KHCN.

Như vậy phải chăng những yếu kém trong hoạt động khoa học chủ yếu là do chưa được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp?

Tôi nghĩ đó còn thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà khoa học. Được coi là động lực của phát triển, nhưng trong việc giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; khắc phục những sự cố về môi trường, dịch bệnh... còn mờ nhạt, chưa xứng với sự đầu tư của Nhà nước. Nếu chủ động gắn mọi hoạt động của mình vào cuộc sống sôi động của đất nước, đề ra các chương trình nghiên cứu có hiệu quả thiết thực chứ không phải nghiên cứu chỉ để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của bản thân, thì tôi tin là không cần nhà khoa học phải đòi hỏi, xã hội và nhà lãnh đạo cũng sẽ quan tâm đến phát triển KHCN.

Ngoài những điều bà vừa nói ở trên, nhiều nhà khoa học còn cho rằng thực trạng yếu kém trong hoạt động khoa học chủ yếu là do chậm đổi mới cơ chế. Bà có đồng tình với ý kiến này không?

Đúng là cơ chế, chính sách về KH&CN còn phải tiếp tục đổi mới nhất là cơ chế tài chính đang làm “khổ”, thậm chí buộc các nhà khoa học phải “nói dối”. Nhưng tôi cho rằng mấy năm gần đây, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành được một số Luật và nhiều Nghị định, chính sách theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và ưu đãi cho các nhà khoa học. Trong đó Nghị định 115 được chính nhiều nhà khoa học cho là “khoán 10” trong khoa học. Nhưng việc tổ chức thực hiện Nghị định này đã diễn ra hết sức chậm chạp ở chính ngay các Trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện KH&CN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo... với lý do Nghị định còn nhiều điểm chưa hợp lý. Thực tế khi Luật Doanh nghiệp ra đời đã được các doanh nghiệp hết sức hưởng ứng và họ đã cùng các nhà quản lý tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, nên đã mang lại hiệu quả to lớn như chúng ta đã thấy. Nếu các tổ chức khoa học, các nhà khoa học cũng có tinh thần như vậy, dám từ bỏ bao cấp, dấn thân vào cuộc sống sôi động của đất nước thì tôi tin rằng Nghị định 115 sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển KHCN.

Xin cảm ơn Bà!


Tin khác