Công chức ra đi rồi sẽ trở về

22/01/2008

Tình trạng công chức nhà nước chuyển ra làm việc cho khu vực tư nhân là một qui luật của cuộc sống. Nhưng rồi sẽ đến lúc chất xám từ khu vực tư chảy ngược về khu vực công. GS.TS Phạm Hồng Thái, trưởng khoa nhà nước và pháp luật (Học viện Hành chính), nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

GS.TS Phạm Hồng Thái (ảnh) cho biết:

- Nếu với chính sách, chế độ tiền lương, điều kiện làm việc như hiện nay thì những người có năng lực thật sự sẽ không vào khu vực nhà nước làm việc mà sẽ chọn khu vực tư nhân để có thu nhập cao hơn. Đấy là một xu hướng. Lý do là làm trong khu vực nhà nước đồng lương không bảo đảm.

Lương không bảo đảm sẽ xuất hiện hai xu hướng: có những người làm ít cho Nhà nước để dành thời gian đi làm ngoài với mong muốn có thu nhập thêm; có những người đảm bảo kinh tế rồi thì làm lớt phớt. Những người khác thì sẵn sàng từ bỏ khu vực nhà nước sang khu vực khác. Ở các khu vực ngoài nhà nước họ có đầy đủ hơn về điều kiện, khả năng để phát huy trí tuệ, sáng tạo.

* Ông nghĩ sao về những chính sách mà chúng ta đang xây dựng để thu hút, giữ chân người tài làm việc trong các cơ quan nhà nước?

- Chúng ta có nhưng vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ. Một số địa phương dùng vật chất, ưu đãi người có bằng cấp nhưng chỉ là ban đầu và khi người ta về làm việc lại không được tạo đầy đủ điều kiện. Họ không cần vài chục triệu đồng hỗ trợ ban đầu mà cần môi trường làm việc.

Nhiều quốc gia trên thế giới trả lương cho công chức cao, tạo mọi điều kiện cho họ làm việc. Có những nước áp dụng mô hình quản lý của một doanh nghiệp tư nhân vào bộ máy nhà nước, chuyển từ chế độ công chức chức nghiệp sang chế độ việc làm và trả lương theo việc làm. Họ không quan tâm nhiều đến bằng cấp mà quan tâm đến hiệu quả lao động.

Có những nước như Singapore, Hàn Quốc chấp nhận đi vay tiền trả lương cao cho công chức nhằm huy động người tài vào làm việc trong khu vực nhà nước. Nhiều nước đặt qui tắc tuyển dụng công chức phải có một tỉ lệ người nhất định đã làm việc ở khu vực sản xuất, kinh doanh để họ mang tinh thần doanh nghiệp vào nhà nước để cải cách, đổi mới.

Chúng ta đang luẩn quẩn với vấn đề lương bổng. Nói là cải cách tiền lương nhưng không có đột phá trong khi đồng tiền mất giá, giá cả gia tăng. Tăng lương của chúng ta thực chất chỉ là tăng số đếm chứ chưa phải tăng chất của lương. Đấy là chưa nói đến vấn đề lợi ích tinh thần. Ai làm việc trong một tổ chức cũng muốn tổ chức đó phát triển và mình phát triển cùng với tổ chức đấy.

* Vậy VN nên giải bài toán này như thế nào?

- Có lẽ ở VN không ai nghĩ đến câu chuyện đi vay tiền trả lương cao cho công chức. Tất nhiên Đảng, Nhà nước luôn có chính sách nâng cao đời sống người lao động nói chung, trong đó có cán bộ, công chức. Nhưng từ việc nói đến hiện thực luôn có khoảng cách và thực tế người công chức thấy lương vẫn chưa bảo đảm.

Thế nên quay đi quay lại cũng chỉ là giải quyết đời sống kinh tế cho công chức. Các vấn đề đạo đức, bổn phận của công chức là câu chuyện thứ hai. Người ta có thể tốt nhưng cuộc sống rất khó khăn thì bắt buộc người ta phải tư duy khác.

Nhà nước thu thuế trước hết phải nuôi dưỡng bộ máy nhà nước, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội... Vậy nuôi dưỡng như thế nào để công chức sống thật xứng đáng? Trong một đề tài cấp nhà nước mà tôi tham gia, tôi cũng nói nuôi công chức cho xứng đáng là người công chức, đừng để công chức phải chạy vạy đi làm việc này việc khác, nghĩ đến tính toán kinh tế rồi lạm dụng quyền lực để tham nhũng.

Hiện nay khu vực nhà nước có những chi phí rất lớn. Các nước khoán hành chính bằng cách nhà nước cấp cho mỗi cơ quan một khoản ngân sách nhất định và công chức cùng nhau ngồi bàn xem mua sắm trang thiết bị thế nào để đảm bảo cho hoạt động của họ. Nếu họ sắm máy tính sang trọng thì lương họ thấp đi, còn sắm máy tính đảm bảo công việc thì tiền thừa họ được hưởng.

VN có dám làm như thế không? Nâng đời sống công chức bằng cách khoán chi trong hành chính là cách làm tốt. Hiện nay một số nơi đã làm nhưng vẫn nửa vời. Nếu tiết kiệm được chi phí hành chính thì chúng ta sẽ có tiền nâng cao đời sống công chức.

* Ông có tính đến thực tế rằng bộ máy hành chính hiện rất cồng kềnh nên việc khoán chi chưa chắc đã hiệu quả?

- Đúng là chúng ta cũng phải tính đến việc giảm biên chế. Không giảm biên chế thì không có lương cao được. Muốn giảm biên chế khách quan thì chỉ bằng cách trả tiền cho các cơ quan và tự cơ quan đó định ra lượng người làm việc, tự họ ngồi xếp lương của họ. Nếu họ tài năng thì cần ít người, lương sẽ cao. Nếu không tài năng, cần đông người thì lương thấp.

Ngược lại, nếu vẫn cơ chế xin - cho biên chế để có quĩ lương thì đồng lương thấp là đúng. Nếu vẫn chế độ 2-3 năm lên lương một lần thì chẳng ai cần làm tốt hơn. Trong lĩnh vực giáo dục, một số trường đã chuyển sang hạch toán như doanh nghiệp. Nhà nước cũng phải làm thế. Không còn cách nào khác.

* Nhiều người lý giải rằng làm ở khu vực nào cũng tốt, miễn là đóng góp được cho đất nước?

- Trước hết phải nói đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Cán bộ, công chức không trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội nhưng họ có vai trò tổ chức các lao động khác trong xã hội.

Vì thế, nếu họ tổ chức, quản lý không tốt thì khu vực khác sẽ không tốt. Chẳng hạn tôi đi đăng ký kinh doanh mà không được giải quyết kịp thời sẽ mất cơ hội kinh doanh. Vì vậy, không vực được khu vực nhà nước lên sẽ làm ách tắc toàn bộ khu vực khác. Thế nên không phải vô cớ mà nhiều nước trả lương rất cao cho công chức.

* Ông dự báo thế nào về xu hướng chảy máu chất xám hiện nay?

- Đấy là một xu hướng bình thường để Nhà nước có được những chính sách hợp lý thu hút người tài vào các cơ quan nhà nước. Khi đó sẽ xuất hiện hiện tượng ngược lại, chảy máu chất xám từ khu vực tư sang khu vực công. Khi đời sống cao thì nhu cầu về tinh thần sẽ lớn. Sẽ rất nhiều người cảm thấy tự hào khi là công chức nhà nước.

Nản vì không công khai

* Tôi là một cán bộ công chức trẻ, đang làm việc tại cơ quan nhà nước ở TP.HCM. Tuy nhiên, điều làm tôi nản nhất khi làm việc là các cán bộ trẻ chúng tôi luôn phấn đấu hết mình nhưng vì một lý do nào đó mà không được cử đi học chuyên môn, trong khi có những người không có chuyên môn cao vẫn được cử đi học theo kiểu sống lâu lên lão làng.

Cơ quan cũng có tổ chức lấy ý kiến qui hoạch cán bộ nhưng qui hoạch kiểu dân chủ giả tạo, còn lãnh đạo thích ai thì cứ ưu tiên cho người đó chứ không đả động gì đến các qui hoạch kia. Những việc làm như vậy khiến cán bộ trẻ rất nản, vì ra ngoài làm thì có thể họ đã giữ một vị trí quan trọng nào đó trong doanh nghiệp, được cống hiến đúng chuyên môn.

Hoàng Hà

* Tình trạng bỏ việc nhà nước hiện nay không chỉ xảy ra ở những lĩnh vực như ngân hàng, cơ quan hành chính nhà nước mà còn xảy ra ở những cơ sở y tế. Ngay tại nơi tôi làm việc, nhiều nhân viên đã nghỉ vì nhiều lý do khác nhau.

Trong đó ngoài lương thấp, chế độ đề bạt cán bộ lại "có vấn đề”, không công khai minh bạch, có nhiều người năng lực và tư cách không được mọi người nể trọng mà vẫn được bổ nhiệm vào cán bộ chủ chốt.

Một Bác sĩ ở TP.HCM


Tin khác