...Chúng ta đừng nghĩ chỉ vào WTO là chỉ có buôn bán mà còn cần nâng cao giáo dục, nghiên cứu. Chúng ta cần cố gắng gấp bội về giáo dục - đào tạo, cần cung cấp và tạo điều kiện cho nước ngoài vào mở trường đại học ở VN. Hội nhập rồi, đất nước cần những công dân có năng lực phát hiện, có sáng tạo chứ không phải những con người gọi dạ bảo vâng. …
Phóng viên (PV): Thưa TS, Việt Nam đã gia nhập WTO được một năm. Theo nhận định của ông, nền kinh tế Việt Nam sau một năm giành “ghế thành viên chính thức” có thực sự đạt được những kỳ vọng và mong muốn đặt ra?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (LĐD): Theo tôi, năm 2007- năm đầu tiên chúng ta có tư cách thành viên WTO đã thực sự khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Với việc gia nhập WTO hàng hóa Việt Nam đã có quyền tiếp cận sâu rộng hơn tới thị trường thế giới với mức giá giảm đi rất nhiều, đóng góp vào thành tích xuất khẩu trên 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm trước. Quan trọng là tỷ trọng xuất khẩu dầu thô, than đá đã giảm đi trong khi tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế tác như dệt may, da giày, điện tử, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ… đã tăng lên đáng kể cho thấy những lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng đã tăng cao hơn.
Hình ảnh Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế cũng được cải thiện rõ rệt. Cam kết vốn FDI năm 2007 lên đến trên 20 tỷ USD là dấu hiệu tích cực từ WTO. Các nhà đầu tư muốn chọn Việt Nam không chỉ vì những lợi thế về nguồn nhân công, sự ổn định của kinh tế, xã hội và chính trị mà còn vì tin tưởng vào những cam kết tiếp tục cải cách của Chính phủ sau khi chúng ta gia nhập WTO. Lượng vốn ngoại chảy vào Việt Nam, điển hình là sự sôi động trên thị trường chứng khoán cũng là kết quả của niềm tin này.
Về mặt pháp lý, các doanh nghiệp Việt Nam đã có quyền bình đẳng với 149 thành viên khác. Do đó các vụ thưa kiện thương mại đã và sẽ được xử lý theo thông lệ của WTO, chứ không phụ thuộc vào luật lệ của nước sở tại nên sẽ công bằng hơn.
Vị thế là thành viên WTO cũng đem lại thuận lợi hơn cho việc Việt Nam đạt được những thành tựu trong đối ngoại. Từ ngoại giao đa phương với việc trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 hay song phương như trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam –Ấn Độ…
Tuy nhiên, thành tựu quan trọng nhất mà WTO đem lại là thúc đẩy những cải cách lớn cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Nhờ tuân theo các cam kết WTO mà năm qua những chính sách liên quan đến thuế, hành chính, dịch vụ….đã được cải thiện nhiều. Chính phủ cũng có nhiều nỗ lực hơn trong việc chống tham nhũng, cải cách giáo dục - đào tạo…
Cộng tất cả những yếu tố trên đã khiến nền kinh tế Việt Nam đã tiếp tục tăng trưởng ở mức cao đạt 8,5% trong năm 2007.
PV: Chúng ta mới nhìn ở khía cạnh “màu hồng”, thế còn mặt kia của “đồng xu” thì sao, nhất là khi nền kinh tế năm 2007 cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề, thưa TS?
LĐD: Đúng là còn những vấn đề khác đặt ra cho nền kinh tế sau một năm vào WTO. Như nhập siêu quá cao, rồi Việt Nam chưa chuẩn bị đầy đủ để tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài. Sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, nhân công nhất là nhân công chất lượng cao, rồi vấn đề môi trường cũng đặt ra gay gắt.
Những mặt đáng chú ý khác là lạm phát tăng cao. Lạm phát của Việt Nam thuộc loại cao nhất khu vực, cao hơn hơn nhiều so với Singapore, Thái Lan, Đài Loan… Thậm chí, ngay cả nền kinh tế nóng như Trung Quốc khi lạm phát mới có 6,5% mà họ đã cuống lên. Trong khi ta lạm phát xấp xỉ 10%, cao hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Dĩ nhiên lạm phát tăng có nguồn gốc từ giá dầu thô và các yếu tố khác như giá lương thực thực phẩm nhưng đây đều là những yếu tố mà các nước khác cũng phải chịu nhưng họ không lạm phát cao như ta. Tôi nghĩ, một trong những lý do là mình in ra quá nhiều tiền đồng để đổi lấy ngoại tệ nên lạm phát tăng cao như thế. Lượng tiền tăng thì giá cả đương nhiên tăng lên rồi.
|
Lạm phát cao nguyên nhân có phải do tung ra quá nhiều tiền mặt để đổi lấy ngoại tệ? |
Việc lúng túng của nền kinh tế khi có một luồng vốn ngoại lớn đổ vào đã cho thấy khả năng xử lý những vấn đề vĩ mô chưa tốt. Trong khi đó, những nền kinh tế bên cạnh chúng ta như Hongkong, Đài Loan họ tiếp nhận một lúc 9-10 tỷ USD chỉ trong vòng một vài tuần mà vẫn xử lý êm đẹp.
Ngoài ra, IMF còn cảnh báo VN nên xem xét kỹ một điểm nữa trong chỉ số giá cả là thị trường bất động sản. Ở một đất nước mà đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà bất động sản lại đắt đỏ như vậy là thế nào. Vậy lợi nhuận siêu ngạch từ bất động sản sẽ được xử lý như thế nào…
Chính phủ: “Hội chứng” bất ngờ và ngạc nhiên
PV: Từ những vấn đề mà TS vừa nêu, có thể thấy sự lúng túng trong quản lý, điều hành vĩ mô của Chính phủ, dù trước khi gia nhập WTO đã có rất nhiều hội thảo, hội nghị dự báo trước các tình huống…
LĐD: Đúng là vào WTO rồi mới thấy lộ ra một loạt các vấn đề trong công tác điều hành của Chính phủ, ngoài những cái nêu ở trên còn có ba điểm đáng lưu ý sau:
Thứ nhất: khả năng dự báo và tầm nhìn dài hạn của chúng ta còn yếu kém. Chúng ta luôn cảm thấy bất ngờ trước các diễn biến của nền kinh tế. Bất ngờ vì sao FDI nhiều thế, vì sao lạm phát cao, vì sao nhập siêu tăng … Thực ra, tất cả những điều đó đều dự báo được, có gì phải bất ngờ đâu? Ví dụ, khi tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính chỉ dự báo các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến xăng dầu tăng giá như vận tải trong khi ai cũng biết từ xăng dầu tất cả sẽ lên giá theo hết. Những điều nhãn tiền như vậy mà khi họp báo tăng giá xăng dầu người ta không dự báo việc này.
Thứ hai: là khả năng điều hòa phối hợp của chúng ta kém. Ví dụ khi phân cấp quyền cấp phép đầu tư FDI về cho các tỉnh thì các tỉnh quyết nhưng các vấn đề liên quan như giao thông, điện nước, đường sá…thì bản thân địa phương không sao tự giải quyết được. Cần phải tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành và địa phương với nhau.
Thứ ba: là phải phát huy vai trò của xã hội dân sự tức là để cho các Hiệp hội tự quản lý lấy các vấn đề trong ngành họ. Chẳng hạn Nhà nước không thể tự mình kiểm tra hết 3 triệu hộ kinh doanh xem họ có tuân thủ luật Sở hữu trí tuệ hay không nhưng nếu có Hiệp hội thì sẽ làm được. Hay bây giờ kinh tế ngày càng phát triển thì những vấn đề như y tế, giáo dục… lại trở thành vấn đề mà người dân bức xúc cả về chất lượng, số lượng…. Để giải quyết vấn đề đó nên có các Hiệp hội như Hiệp hội các trường đại học, Hiệp hội các bác sĩ… để họ tự cấp chứng chỉ và kiểm tra.
PV: Ngoài những nhược điểm về quản lý, điều hành, theo TS trong thời gian tới đâu là thách thức khi muốn duy trì mức tăng trưởng cao của nền kinh tế?
LĐD: Đầu tư nước ngoài cam kết nhiều nhưng cần thực hiện được mới đem lại hiệu quả cho nền kinh tế. Thời gian qua tỷ lệ giải ngân lại đi xuống rõ rệt dù con số tuyệt đối vẫn tăng lên hàng năm. Năm 2000, các nhà đầu tư đã đổ vào Việt Nam 4,6 tỷ USD, mình thực hiện 4,2 tỷ, tức là đạt 92%. Đến năm 2006, họ cam kết giải ngân 10 tỷ USD nhưng mình thực hiện 4,1 tỷ USD, chỉ đạt 40%. Năm 2007, vốn cam kết trên 20 tỷ USD nhưng thực hiện có 4,6 tỷ, chỉ đạt mức 28%.
Một tỷ lệ quá thấp mà nếu cứ tiếp tục giải ngân chậm chạp như vậy thì ai sẽ đủ kiên nhẫn để đầu tư vào Việt Nam. Như vậy, chúng ta có nguy cơ lỡ mất đợt công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Trong các báo cáo trước Quốc hội chúng ta toàn nêu mục tiêu mơ ước trong khi vấn đề là làm sao đạt được mục tiêu đó như thế nào, biện pháp ra sao…thì lại không thực hiện không đến nơi đến chốn.
PV: Vậy theo ông, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân Chính phủ nên có những biện pháp gì?
LĐD: Quan trọng nhất là Chính phủ cần đổi mới tư duy. Đầu tư nước ngoài giải ngân chậm chủ yếu do vấn đề mặt bằng, kết cấu hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng đủ và kịp. Thế nhưng từ trước đến nay, kết cấu hạ tầng chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước làm. Có điều họ làm không xuể, không kịp. Vậy Nhà nước cần thay đổi tư duy, cái gì Nhà nước không đủ khả năng hoặc không kịp làm thì phải mở ra cho tư nhân và các nguồn lực bên ngoài làm. Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không muốn làm như bảo vệ môi trường hay xây dựng cầu cống.… Mà để làm được điều đó thì phải xây dựng khung pháp luật rõ ràng, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia.
Chứ như bây giờ, Nhà nước bảo hộ nhiều quá, nhiều ngành hàng không cần bảo hộ thì lại bảo hộ như rượu bia, nước ngọt, ô tô…. trong khi những cái cần bảo hộ như hệ thống phân phối lại không bảo hộ. Tôi đi các nước có thấy những siêu thị của nước ngoài được nằm ở trung tâm thành phố như ta đâu, vì Chính phủ của họ đã đặt ra các điều kiện cấp phép chặt chẽ. Đấy nên tôi nói là Chính phủ cần đổi mới tư duy quản lý. Nếu ta không có giải pháp nhìn xa toàn diện thì mãi vẫn cứ ngạc nhiên và bất ngờ trước tất cả mọi thứ, rồi không ứng phó kịp như với luồng vốn FDI năm nay.
Doanh nghiệp: Tư nhân khởi sắc
PV: Về phía Chính phủ thì là như vậy, còn khối doanh nghiêp – lực lượng chủ công của hội nhập kinh tế - thì năm sau ngày gia nhập WTO, theo TS đã có những chuyển biến thế nào?
LĐD: Trong năm 2007 có thể thấy rõ nhất những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp thuộc có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp lớn là có tiến bộ còn khối doanh nghiệp nhỏ trong nước thì tốc độ còn chậm.
Tôi thấy đáng chú ý nhất là hai nhóm doanh nghiệp sau. Thứ nhất là các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Họ đã thích ứng nhanh và có chuyển biến tích cực, biết tận dụng lợi thế do WTO đem lại như các doanh nghiệp trong ngành dệt may, điện tử, đồ gỗ…
Thứ hai là những doanh nghiệp thuộc nhóm chuẩn bị cạnh tranh do áp lực mở cửa thị trường, điển hình là các doanh nghiệp trong ngành ngân hàng. Họ đã có nhiều nỗ lực tự cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh.
Đó là những tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, một số ngành hàng khác còn tốc độ phát triển còn chậm, đặc biệt là các doanh nghiệp nông sản còn nhiều lúng túng.
PV: Vậy là theo TS, WTO hầu như mới chỉ tác động mạnh đến những doanh nghiệp thuộc nhóm phải “cọ xát”, cạnh tranh nhiều?
LĐD: Theo tôi, điểm đáng lưu ý nhất về tác động của WTO lên khối doanh nghiệp là sự tăng trưởng ấn tượng của khu vực kinh tế tư nhân. Tính đến tháng 9 năm 2007 đã có 38.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký mới. Các doanh nghiệp tư nhân đã tỏ ra hào hứng đón nhận những cải cách, thuận lợi do WTO. Sở dĩ số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh và nhiều vì họ đã nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh từ tác động của WTO.
PV: Đây là một tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế nhưng nhìn một cách khách quan, tuy khối doanh nghiệp Việt Nam năm qua tăng về số lượng nhưng quy mô các doanh nghiệp vẫn rất nhỏ?
|
Công nghiệp vẫn là lĩnh vực được FDI quan tâm hơn cả. |
LĐD: Không nên coi thường các doanh nghiệp nhỏ. Nhiều doanh nghiệp FDI làm các dự án lớn. Nhưng để vận hành cần nhiều nhà cung cấp các dịch vụ kèm theo. Ví dụ, ai nấu ăn cho nó, ai vận tải cho nó, ai cung cấp nguồn hàng cho nó…. đều cần các doanh nghiệp nội địa làm việc này. Thế mà nhiều người chưa thấy được tầm quan trọng của khu vực doanh nghiệp này, ngay báo chí cũng chỉ thấy nói nhiều về FDI. Do đó, cần đánh giá cao sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân một năm qua.
PV: Theo TS các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để nâng cao cạnh tranh?
LĐD: Để nâng cao sức cạnh tranh cần tăng cường liên kết và tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng đã có nhiều cố gắng liên kết như ý tưởng thành lập chuỗi siêu thị Việt Nam nhưng có lẽ do tính chuyên nghiệp còn thấp nên hiện chưa đem lại kết quả tích cực.
Về việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì thực tế trừ khu vực FDI, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn còn tự làm ăn với nhau là chính. Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc đã chịu khó tham gia chuỗi toàn cầu từ lâu. Dù tham gia làm “mắt xích” thì phải chấp nhận các tiêu chuẩn toàn cầu, sự giám sát toàn cầu. Đó là quá trình đau đớn và khắt khe nhưng là bắt buộc để vươn ra thế giới. Đó cũng là cách tận dụng lợi thế là thành viên WTO.
Nông dân: Thách thức nghiêm trọng
PV: Trong phần lớn những dự báo lạc quan “hậu WTO” thì điều băn khoăn nhất là vấn đề nông nghiệp và quyền lợi của người nông dân. Chúng ta đã vào WTO được một năm, đủ để nhìn nhận về những sự được - mất của người nông dân. Đánh giá của TS về vấn đề này thế nào?
LĐD: Thời gian vừa qua, nông nghiệp đã tăng trưởng ấn tượng, đóng góp vào tăng trưởng chung và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc gia nhập WTO đã khiến nền nông nghiệp Việt Nam đứng trước những thách thức hết sức nghiêm trọng. Không phải vô tình mà tôi dùng từ “nghiêm trọng” đâu. Bởi đó chính là sự thực về nền nông nghiệp Việt Nam hiện tại. Nhìn mà xem, chúng ta có một nền nông nghiệp yếu kém và manh mún, xuất phát từ việc phân tán đất đai. Có những mảnh ruộng chỉ 20m2, con trâu đi cày còn không có chỗ quay đầu thì làm sao mà thâm canh, chuyên canh được. Chưa kể, đất đai manh mún không thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và các giống mới vào vì quá nhỏ và dễ ảnh hưởng đến ruộng hàng xóm. Đồng bằng sông Cửu Long nhìn xanh tươi bát ngát thế nhưng trong vườn chỗ này 2-3 cây xoài, chỗ kia 3-4 cây bưởi.
Tất cả những yếu tố đó khiến chúng ta khó mà có được một nền nông nghiệp thương phẩm, không tạo ra được các sản phẩm chuyên canh, thâm canh hay các nông phẩm trong thời gian ngắn, một lượng hàng có tính thương mại. Như vậy thì làm sao mà cạnh tranh được trong nền kinh tế hàng hóa của WTO.
PV: Theo TS đâu là biện pháp giúp nông dân tránh được những “thách thức nghiêm trọng” như ông vừa nói?
LĐD: Thứ nhất là phải khắc phục tính manh mún trong sản xuất nông nghiệp. Sản xuất không ra tấm ra món thì không phát triển được. Việc cần làm ngay là tiến hành dồn điền đổi thửa. Chẳng hạn mô hình mà An Giang đang làm thử rất là tốt. Một mảnh ruộng liền rộng 800ha, thuỷ lợi dễ dàng, áp dụng khoa học công nghệ, giống mới…Nhờ thế gạo của An Giang sản xuất ra bao nhiêu Nhật mua hết bấy nhiêu. Ta có thể áp dụng mô hình đó cho cây chè, hoa Đà Lạt…
Thứ hai là công tác dự báo, phân tích thị trường. Việc cứ được mùa mất giá là của thị trường tự phát, chỉ phù hợp với nền sản xuất nhỏ. Nhưng việc phân tích, dự báo đòi hỏi Nhà nước phải có chiến lược, hỗ trợ nông dân.
Thứ ba là cần kéo ½ nông dân khỏi khu vực sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho những nông dân còn lại trở thành doanh nghiệp. Có như vậy, khu vực nông nghiệp mới khởi sắc lên được.
PV: Nhưng làm sao để ½ nông dân thoát khỏi ruộng đồng, thưa TS?
LĐD: Nên thúc đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân, vì đây là khu vực hút nông dân ra khỏi đồng ruộng. Theo tôi, ngân hàng tạo điều kiện cho người dân vay vốn, tăng cường đào tạo thì lớp trẻ ở nông thôn họ sẽ làm được hết. Đừng coi thường họ, có vốn, có hỗ trợ kỹ thuật thì họ sẽ làm được. Vấn đề là phải thay đổi tư duy và chính sách, tạo điều kiện nhiều hơn cho người nông dân phát triển các ngành nghề và thêm cơ hội việc làm.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là gia nhập WTO chỉ là bước dài của quá trình phát triển. Chúng ta đừng nghĩ chỉ vào WTO là chỉ có buôn bán mà còn cần nâng cao giáo dục, nghiên cứu. Chúng ta cần cố gắng gấp bội về giáo dục - đào tạo, cần cung cấp và tạo điều kiện cho nước ngoài vào mở trường ĐH ở VN. Hội nhập rồi, đất nước cần những công dân có năng lực phát hiện, có sáng tạo chứ không phải những con người gọi dạ bảo vâng. Chúng ta cần tuân theo các tiêu chuẩn giáo dục toàn cầu, hiện thế giới không công nhận bằng của của VN. Chúng ta không chỉ cần được công nhận về kinh tế mà còn phải được công nhận về giáo dục nữa.
PV: Xin cám ơn TS!