Cuối tuần đó chúng tôi đi khảo sát vùng đồng bào dân tộc. Tôi ý tứ hỏi trước Bí thư, rằng hôm nay bữa trưa “sinh hoạt” kiểu gì để còn chuẩn bị bánh mỳ hoặc cơm nắm đi theo.
Nhà cải cách Kim Ngọc - cha đẻ khoán 10 (phần 2)Nhà cải cách Kim Ngọc - cha đẻ khoán 10 (phần 1)
|
Ông Kim Ngọc tháp tùng Bác Hồ đi thăm và trò chuyện với bà con nông dân |
Kim Ngọc đứng trên hè lau khẩu súng săn hai nòng, mặt kín bưng bảo, đến trưa hãy hay, chưa lo làm đã lo ăn là thế nào.
Cũng phải nói thêm rằng Kim Ngọc vốn đã từng là thượng tá, cục trưởng cục dân quân tự vệ, nên việc ông mê súng và sử dụng thành thạo các loại súng là chuyện chẳng có gì ngạc nhiên.
Ông thường mượn cớ đi săn bắn để kiểm tra đồng ruộng một cách khách quan nhất… Vâng, đi từ sáng tinh, mà loanh quanh tạt chỗ này chỗ kia, mấy chục lần dừng xe cho Bí thư xuống xem xét ngắm nghía ruộng đồng.
Gần trưa thì chúng tôi cũng đến chân núi Thanh Lanh. Một bản người Sán Dìu. Bản này một dạo đã từng kéo nhau già trẻ gần trăm con người, tất tật bỏ lại ruộng vườn nhà cửa lên vùng núi Tuyên Quang để ở.
Họ bỏ đi chỉ vì quyết định sai lầm của một quan chức tỉnh ủy cấm không cho họ làm lễ Lập Tĩnh (Lễ trưởng thành của con trai khi 17 tuổi ) vì cho đó là mê tín dị đoan. Ông Kim Ngọc đi họp ở Hà Nội về nghe chuyện, giậm chân giữa sân cơ quan, than thở.
- Là cán bộ mà không hiểu hết các phong tục tập quán của dân thì làm sao lãnh đạo được họ. Các tướng giết tôi rồi…Hễ cứ thắp hương lên bàn thờ là mê tín dị đoan hết cả hay sao?
Thế là ông phải dẫn cán bộ tổ chức, cán bộ tuyên huấn lên ở với dân hơn nửa tháng trời họ mới đồng ý theo Kim Ngọc về bản cũ. Hóa ra không giản đơn tẹo nào, may mà ông trưởng bản đã cùng cảnh làm tá điền với Kim Ngọc cho địa chủ Đỗ Đình Đạo dưới chân núi Tam Đảo.
Ngày xưa, ông già đó chăn trâu, Kim Ngọc thì trông nom đồng áng. Và, ông Vũ Tuân từng làm bộ trưởng Nội thương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng thì phụ trách giấy tờ sổ sách chi tiêu của đồn điền.…
Đến gần Thanh Lanh, Bí thư bảo tất cả xuống xe, đi bộ vào. Ông xách súng lom khom hướng nòng về phía đàn chim ri, lẫn chim ngói bay kín khoảng ruộng đang xà xuống phá lúa.
Tiếng súng đơn độc chát chúa vang động lòng núi. Chúng tôi chưa xong cái giật mình thì đã thấy Bí thư hớt hải chạy theo con chim ngói bị thương vào bụi tre gần bờ ruộng đậu tương phía trước mặt.
Ông lão Sán Dìu vạm vỡ, đội chiếc mũ rách, quần lá tọa, áo chàm, mở phanh ngực đang nhổ đậu tương chín. Hình như hai người đang trao đổi với nhau.
- Mày làm Bí thư thì thiếu gì thịt mà phải bắn chim.
- Tao đau dạ dày có ăn được thịt đâu, nhưng lũ chim phá lúa quá thể. Mà lúa thì bọn mày ở đây, ruộng thượng đẳng điền mà cũng để chó con chạy hở đuôi là thế nào.
Ông lão Sán Dìu hất hàm:
- Được, trưa nay mày vào tao ăn cơm chó cơm gà thì tao mới nói cho mày biết.
- Được, bọn tao và mấy thằng này nữa về nhà mày ăn cơm. Nhưng không mổ chó mổ gà làm gì cho vất vả. Mày vẫn nghèo lắm mà…
- Tao nghèo là vì mày một phần đấy? Cứ về nhà tao ăn cơm, thì mày sẽ biết mà…
Trưa ấy, chúng tôi theo Kim Ngọc về nhà ông lão trưởng bản Sán Dìu. Ngôi nhà xây đá vữa đất lụp xụp. Mấy đứa trẻ mắt nhử nhèm, mũi thò lò như dây bấc, lốc nhốc trần truồng đang tranh nhau ngồi bóc đậu tương luộc trong cái nồi đồng méo, trên bờ hè lồi lõm.
Ông Kim Ngọc chống cây súng săn nhìn bọn trẻ hồi lâu, lắc đầu.
Ông lão nhất quyết bắt phải ăn cơm gà. Ông bảo lâu lắm mới được gặp lại bạn cùng làm tá điền không ăn cơm chó thì phải ăn cơm gà mới đúng cách. Bữa ấy, ông lão đãi thịt gà rang gừng non, đậu phụ kho, đậu phụ rán dầu sở, và nước đậu ngâm giếng mát lạnh.
Có mươi chén rượu ngâm thuốc rễ cây rừng, ông lão mới bật nói.
- Tao không nói thì mày vẫn biết Nguộc à. Ngày xưa chúng mình làm cho Đỗ Đình Đạo thì nó giao tất cả ruộng cho mình, tuỳ mình cấy, mình cày, mình gieo mạ giống gì, thẳng hàng hay không thẳng hàng, nó chẳng thèm biết, đến vụ nó lấy phần nó, mình lấy phần mình.
Thế mà bọn mình vẫn đủ ăn cho tới vụ sau. Thế mà nó còn làm ngơ cho mình, trồng thêm nếm ít đỗ, ít hành, ít cà vào những chân ruộng không cấy được hoặc trồng xen vào ruộng ngô lúc còn bé không thu tô.
Bây giờ cũng trên đất Đỗ Đình Đạo, lại có độc lập tự do rồi mà sao tao làm không đủ ăn hả Nguộc? Mày làm quan to nhất cái tỉnh này thì mày phải biết chứ. Mày biết mà mày không làm cho tao đủ ăn là lỗi của mày chứ còn gì nữa. Tao nói một lần đúng luôn đấy.
Mày phải nghĩ xem có cách gì không? Cứ bắt tao đi làm theo trống theo kẻng vỏ bom. Làm ruộng làm theo kẻng thì sâu lúa, cỏ lúa nó có chờ kẻng nó mới phá hại đâu.
Cho tao làm mỗi năm một vụ thì tao cũng trả sản lượng đủ cả một năm cho mày. Tết tao sẽ biếu gà biếu rượu. Nếu sai thì mày cứ cầm dao đâm, tao không xin…
Người Bí thư nghe bạn cũ mà lặng ngắt. Bất ngờ trong mắt con người tưởng là sắt đá ấy bỗng hoen ướt. Chúng tôi bối rối đặt bát cơm xuống không nuốt nổi. Phó Ban Tổ chức tỉnh ủy Lê Dân an ủi.
- Bây giờ cả nước đang bận dồn sức đánh đuổi thằng giặc Mỹ. Sau này thắng nó, ta mới tính tiếp được…
Cụ già Sán Dìu lắc đầu.
- Thì cứ làm thử đi xem sao. Dân chỉ có no nê thôi. Dân no thì đánh thằng nào mà chẳng được. Tao nói vậy, Nguộc nó cũng biết là đúng đấy. Tao nói giữa bụng đấy.
Tôi biết Bí thư đã trù liệu trước cuộc gặp gỡ với người bạn tá điền. Vậy mà sự thể xảy ra vẫn khiến ông bất ngờ. Kết thúc bữa ăn trưa trong ngậm ngùi. Bí thư ôm mãi người bạn già vỗ vỗ hoài vào lưng rồi mới bước lên xe.
Ông Nguyễn Thành Tô đứng dậy đi lại trong phòng, tay lúc chắp sau lưng, lúc giơ lên chém chém không khí như đang thuyết giảng trước đám đông về chủ trương khoán quản của người thủ trưởng Kim Ngọc.
- Khi nhìn nhận ra vấn đề cần phải thay đổi về công tác nông nghiệp, thì Kim Ngọc đã hình dung ra mô hình sản xuất trang trại ở những vùng có điều kiện tích tụ đất đai, trong đó vai trò của nhà nước là người làm dịch vụ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho họ.
Mặc dù thời gian đó hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành Vĩnh Phú, ông đã bị kiểm điểm vì đã khoán chui, giấu Trung ương.
Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, ông Đinh Đức Thiện phụ trách đường ống dẫn dầu vào Nam, ra Bắc có lên thăm Vĩnh Phú. Ông Kim Ngọc dẫn ông Thiện lên thăm vùng đồi chuyên canh chè Thanh Ba.
Kim Ngọc chỉ tay lên những sườn đồi chè khô cằn, nói: Sau này đánh Mỹ xong, toàn bộ hệ thống đường ống dẫn dầu vào Nam, nếu có thể anh bố trí cho bà con nơi đây một vài chục cây số. Nhờ các kỹ sư của anh thiết kế vận hành luôn hệ thống tưới chè trên đồi cho bà con. Chúng tôi sẽ trả công các anh xứng đáng…
Tôi hỏi:
- Thế còn chuyện khoán chui, giấu thế mà làm sao Trung ương lại biết ạ?
- Nó là thế này, mùa hè năm 1967 đồng chí Trường Chinh đi nghỉ ở Tam Đảo, muốn nắm tình hình nông nghiệp nên đã cử thư ký xuống núi hỏi han bà con.
Thấy người của Trung ương, bà con nông dân phấn khởi kể tông tốc không giấu, nào no nê lắm, không đi làm theo kẻng vỏ bom nữa, ruộng đất ai có người ấy làm không phải chung chạ tị nạnh nhau mất đoàn kết, mất việc.
Người thư ký đó nghe chuyện mà vã mồ hôi, vội về báo cáo thượng cấp. Dường như chưa tin, đồng chí Trường Chinh lại phái tiếp người thư ký thứ hai đi nắm tình hình ở các vùng khác trong tỉnh Vĩnh Phúc. Việc vẫn y hệt.
|
Xuống cơ sở (Kim Ngọc mặc áo trắng, đi giữa) |
Đồng chí Trường Chinh xuống núi gặp Kim Ngọc. Là người thận trọng, uống nước cũng uống sau người khác, nghe đi nghe lại nhiều lần mới nói, người khác đọc văn bản của mình viết ra thì đồng chí Trường Chinh cầm bút dò từng chữ. Thế nhưng lần này, sau khi hàn huyên đồng chí Trường Chinh hỏi Kim Ngọc việc hệ trọng kia.
Kim Ngọc thẳng thắn thừa nhận. Và đồng chí Trường Chinh khẳng định Kim Ngọc mắc phải khuyết điểm nghiêm trọng, trong đó có “phá hoại quan hệ sản xuất”, “đẩy lùi cách mạng về văn hóa tư tưởng”.
Nhưng Kim Ngọc bình tĩnh đưa ra những kiến giải mà chính ông đã chiêm nghiệm qua thực tiễn ở cơ sở. Ông cho rằng, chưa thể xây dựng qui mô sản xuất tập trung, khi nông thôn thừa lao động, thiếu xăng dầu, chi phí sản xuất cao nông dân không chịu được, không thể áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa khi trình độ người dân mới thoát mù chữ, đồng thời không thể có mô hình văn hóa chung cho tất cả các làng xã, khi đình chùa bị phá hủy, mà cơ cấu mới chưa ổn định.
Nông thôn cần phải có thời gian để chuẩn bị. Người nông dân cần được tích lũy tiềm lực kinh tế, một khi có kinh tế thì hãy nói đến học hành và xây dựng thiết chế văn hóa mới. Chúng ta hiện đang cần nông dân phát huy hết kinh nghiệm và nội lực của mỗi cá nhân để tạo dựng nền tảng.
Chúng tôi mới thử làm thí điểm, mà đời sống của bà con đã nâng cao hơn hẳn. Mọi nghĩa vụ với nhà nước, không còn hộ nào không hoàn thành. Chính Lênin đã từng nói phải để cho người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ từ mười đến hai mươi năm đó sao.
Ở nông thôn, người dân đã đặt câu vè: Mỗi người làm việc bằng hai/để cho chủ nhiệm mua đài mua xe. Mỗi người làm việc bằng ba/để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân hoặc trâu đen ăn cỏ,/trâu đỏ ăn gà... Công nông đi không về rồi/lấy gì mà đổ vào nồi công nông...…
Từ trước đến nay, một khi ca vè đã xuất hiện trong dân gian về các hiện tượng xã hội, thì đó là những lúc các mối quan hệ trong xã hội đó đã căng thẳng đỉnh điểm. Chúng ta cần phải điều chỉnh cách quản lý xã hội của chúng ta thông qua xử lý các mối quan hệ xã hội ở nông thôn.
Ông Nguyễn Thành Tô vào buồng mang ra sấp ảnh đen trắng, ngón trỏ lần lần trên mớ hình ảnh quá vãng.
- Đâu là tấm ảnh tôi chụp Bí thư Kim Ngọc thời kỳ đó nhỉ…
Người đàn ông khô gầy, cương nghị trong bộ quân phục cũ. Đôi mắt sáng, nhưng trầm mà vẫn ánh lên sự cô đơn.
- Sau đó thì hợp nhất hai tỉnh, Kim Ngọc vẫn là Bí thư tỉnh mới, nhưng ông phải làm kiểm điểm tự đọc trước tỉnh ủy. Không khí căng thẳng, ngột ngạt bao trùm. Quần chúng lẫn đảng viên lúc thì tin Kim Ngọc đúng lúc thì tin chủ trương trên là đúng.
Trong những lúc rời hội nghị ông vẫn điềm tĩnh nói với những người thân. Rồi các anh sẽ chứng kiến, chân lý của chúng ta sẽ đúng. Đại hội Đảng hợp nhất hai tỉnh, tuy mất 30 phiếu trên tổng số 200 đại biểu, nhưng ông vẫn trúng cử với số phiếu rất cao.
Phong trào xây dựng HTX theo lối tập trung vẫn thu được những kết quả khả quan, nhờ sự lãnh đạo sâu sát của Bí thư cũng như tập thể. Vĩnh Phú đã có những điển hình tiên tiến, Kim Ngọc mời đồng chí Trường Chinh về thăm những gương điển hình đó. Và thi sĩ Sóng Hồng đã có thơ tặng Kim Ngọc.
Phù Lập làm phân thật khác thường / Phương Trù thủy lợi đáng nêu gương/ Chăn nuôi tập thể Hòa Loan giỏi/ Cây rợp bên đường bóng Lạc Trung.
Sau này việc khoán hộ của Kim Ngọc đã được một số những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và xem xét nghiêm túc. Trên thực tế là chưa có một văn bản nào coi Kim Ngọc là một người đã đi lại ngược đường lối Đảng.
Tại hội nghị về nông nghiệp ở Thái Bình năm đó, tôi tháp tùng Bí thư Kim Ngọc đi dự. Tôi nhớ mãi hình ảnh Kim Ngọc trong sự quan tâm của đồng chí Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng trong giờ giải lao. Kim Ngọc đứng giữa chụp ảnh với hai đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng.
Mấy tháng sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi cho Kim Ngọc chiếc xe ô tô Môtxcôvich đỏ, để đi lại cho đỡ vất vả. Đó là chiếc Môtxcôvich duy nhất của các Bí thư tỉnh ủy lúc bấy giờ.
Kim Ngọc đã có thể thanh thản.
- Cơn sóng gió nhất đã qua rồi. Ông Võ Chí Công phụ trách công tác nghiên cứu chính sách nông nghiệp đang cho tiếp tục làm thí điểm khoán quản. Ông Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng cũng đang hẹn lên trao đổi...
Gấp lại những tấm ảnh cũ, ông Nguyễn Thành Tô tiếc nuối.
- Đáng lẽ ra thì mọi việc đã sáng tỏ đâu vào đấy rồi. Nhưng Đại hội Đảng toàn quốc chưa họp được vì ta chưa giải phóng miền Nam. Nên vấn đề của Kim Ngọc cứ để treo đấy. Nguyên tắc Đảng thì vẫn phải chờ đến Đại hội…
Ông Tô kết luận: “Bí thư Kim Ngọc coi đất như một con người”.
6. Thay lời kết
Có lẽ hiện tượng Kim Ngọc sẽ còn được các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách kinh tế đề cập đến, đặc biệt là những vấn đề vận dụng giữa thực tiễn và lý thuyết mà Kim Ngọc đặt ra.
Cách làm của Kim Ngọc được áp ngay vào thực tiễn và đã nở hoa ngay trong đời sống nông dân. Sự trắc trở công cuộc cải cách ấy chỉ gián đoạn nhất thời rồi bùng lên như sức trai Phù Đổng mang lại sinh lực góp phần đưa chúng ta vượt qua khủng hoảng để phát triển.
Cái hạnh phúc của Kim Ngọc, là ngay khi còn sống, ông đã biết chắc công việc của mình cùng các cộng sự sẽ được chứng nghiệm một ngày không xa.
Tôi bỗng nhớ tới câu nói của nhà triết học Trần Đức Thảo, người sinh cùng năm với Kim Ngọc (1917). Vì có lẽ trong chừng mực nào đó, số phận Trần Đức Thảo cũng hao hao số phận Kim Ngọc:
“Khi tự đối diện với chính mình ý thức đòi hỏi cái Thiện trong hành động, cái Chân trong tri - thức và cái Mĩ trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh, qua đó ý - thức biến thế giới tự nhiên thành một nhân giới, xứng đáng với con người”.
(Trần Đức Thảo - Một hành trình - 1996)
Hôm trở lại nhà Kim Ngọc, tôi nhờ ông Kim Nam xem lại bản thảo. Ngớt chuyện bỗng ông Kim Nam đứng dậy nheo mắt nhấn thêm rằng: Lịch sử đã chọn Kim Ngọc vào thời điểm ấy, để thực hiện những nhiệm vụ của nó.
Nếu không có một Kim Ngọc này thì sẽ có một Kim Ngọc khác lên tiếng. Một mình Kim Ngọc thì cũng không thể có được sự phát hiện lớn lao ấy. Bởi đằng sau ông là cả truyền thống văn minh nông nghiệp lúa nước mấy nghìn năm, và đội ngũ đông đảo, đồng chí, bạn bè, trợ lý giúp việc chân thành, đắc lực. Tất cả họ cũng đều một tâm nguyện như Kim Ngọc, những mong dân giàu nước mạnh.
Hình như ông Kim Nam vẫn đang nói về bố ông là người luôn tin ở các con, và dạy dỗ các con bằng chính sự nêu gương đến khắc khổ của bản thân. Ông là một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, mỗi lời nói, hành động ở vị thế của ông đều ảnh hưởng đến lợi ích tinh thần của nhiều người.
Ngoài tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm dám nói lên chân lý, Kim Ngọc đã hoàn toàn ý thức được điều mình hành động và tuyệt đối tin tưởng vào sự sáng suốt của lịch sử.
***
Giờ thì tôi ngồi bên ngôi nhà mới của ông Kim Ngọc đang lắp ráp rui mè, chuẩn bị ngói lợp. Loại ngói, ép nung bằng công nghệ cao, dẫu còn xe trâu nông dân chở lúa chèn qua cũng không vỡ dập.
Có tiếng kim loại siết trên mặt gạch lổn nhổn sạn cát. Người thợ xây đang kéo chiếc chậu tắm bằng thùng xăng máy bay Mỹ để trộn vữa trát tường. Ông Kim Nam định kêu lên ngăn lại. Nhưng người thợ cũng vừa đổ ụp nửa bao xi-măng vào chiếc chậu dị hình làm cho bụi cát bốc lên mù mịt.
Tháng 11 năm 2007
Nguyễn Tham Thiện Kế