Sau một năm vào WTO: Bài học là... công tác chuẩn bị!

18/12/2007

Việt Nam chưa thực sự chuẩn bị tốt các điều kiện để gia nhập tốt ngay từ đầu. Vì vậy, VN đã để tuột mất nhiều cơ hội.

Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp tại cuộc hội thảo với chủ đề “Việt Nam sau một năm gia nhập WTO” do Viện Kinh tế TP.HCM và Báo Doanh Nhân Sài Gòn đồng tổ chức sáng 17/12.

Những chuyển biến tích cực

Hạ tầng ngổn ngang, khó mời gọi đầu tư, trong khi vốn ODA giải ngân không hết. (Nguồn: Vietnamnet)
Vị thế của VN trên trường quốc tế được nâng lên, đầu tư trực tiếp đổ vào ồ ạt, dự kiến sẽ đạt 16-17 tỷ USD; vốn đầu tư tài chính chảy vào các quỹ quản lý tài sản để mua cổ phần, đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng mạnh… đó là những dấu hiệu tốt của Việt Nam sau khi gia nhập, được các đại biểu khẳng định.

Xuất khẩu cũng đã tăng mạnh, ước đạt kim ngạch 48,5 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006. Các lĩnh vực dệt may, da giày, gỗ, điện tử… chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn và hứa hẹn tiếp tục khai thác được nhiều cơ hội.

Lĩnh vực kinh tế tư nhân có đóng góp đáng kể, trong 9 tháng đầu năm đã có thêm 38.550 DN mới đăng ký với số vốn 303 tỷ, tăng 320% so với năm 2006. Đầu tư từ khu vực kinh tế dân doanh trong năm 2007 tăng 28%, đạt 17% GDP và trở thành nguồn động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế quốc dân.

Theo các đại biểu, điều quan trọng nhất là gia nhập đã tạo điều kiện cho VN chuyển mình. Chính phủ và Nhà nước đã đặc biệt chú trọng đến việc sửa luật để phù hợp với thông lệ quốc tế, cải cách hành chính, hoàn thiện thủ tục pháp lý, cải tạo cơ sở hạ tầng để kêu gọi đầu tư nước ngoài. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cho rằng Việt Nam đã có phản ứng trước tác động hội nhập, nền kinh tế đã tránh được điều đáng sợ nhất là sự “trơ lì” hay “thiểu năng phản ứng hội nhập”. Ông cho rằng đây là cơ hội, là tiền đề tốt để VN sẽ tiếp tục đi sâu vào hội nhập những năm tiếp theo.

Lúng túng và bị động: Đánh mất nhiều cơ hội

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cảnh báo, không nên quá lạc quan với kết quả đạt được, bởi năm qua VN cũng đã để mất nhiều. “Bài học sâu sắc nhất là VN đã không chuẩn bị tốt cho hoạt động này, nên khi bước vào hội nhập cũng là lúc bộc lộ rõ những khuyết điểm, yếu kém” - ông nói.

Lủng củng, lúng túng, đó là nhận định chung của các ý kiến tại buổi rút kinh nghiệm. Đó là hệ quả của một công tác chuẩn bị không được chu đáo và thiếu tầm nhìn.

Điển hình là các điều kiện phục vụ phát triển, đến nay vẫn chưa đáp ứng nổi. Nhà đầu tư nước ngoài ca cẩm rất nhiều về hạ tầng giao thông, điện, nước, cầu cảng, hàng không... Trong khi việc này lẽ ra phải hoàn thành trước khi bước vào công cuộc mời gọi đầu tư. Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng đây là một lần đánh mất cơ hội bởi nếu các điều kiện trên đáp ứng tốt, có khả năng đầu tư nước ngoài còn tiến xa hơn con số 17 tỷ USD trong năm nay.

Điều đó đã là đáng tiếc, nhưng đáng tiếc hơn nữa là Việt Nam không thiếu vốn đầu tư hạ tầng, khi những năm qua chưa bao giờ giải ngân hết nguồn vốn ODA. Nếu năm 2000, thực hiện được 2,4/2,6 tỷ USD, đạt 92,3%, năm 2006 đạt 4,1/10,1 đạt 40,59% thì năm 2007 thực hiện 4,7/19 tỷ cam kết, chỉ còn 24,7%.

Sự chuẩn bị không chu đáo khiến Việt Nam mất nhiều cơ hội khai thác trong năm hội nhập 2007. (Nguồn: Vietnamnet)
Nhìn lại một năm gia nhập, ngoài việc thu hút nguồn vốn có tăng, ngoài ra trong thị trường chung này, Việt Nam chưa khai thác được nhiều ở bên ngoài. Xuất khẩu của nước ngoài vào vẫn lớn hơn hàng trong nước đi ra, trong khi đàm phán gia nhập là để đạt được quyền quan trọng nhất này.

Sự thiếu chuẩn bị đã khiến chúng ta lúng túng, bị động và vì vậy đã để tuột mất đi nhiều cơ hội” - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Chất lượng tăng trưởng, phát triển chưa cao

WTO có tác động đến Việt Nam nhưng chưa nhiều” - Thứ trưởng Lương Văn Tự, nguyên trưởng đoàn đàm phán VN gia nhập WTO, nhận định như trên khiến mọi người có phần bị sốc.

Thực ra, ý nghĩa câu nói này là chỉ cho sự chậm trễ của Việt Nam trong việc trở mình để đón bắt cơ hội.

Nhìn lại, chính trong năm gia nhập lại là năm nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn nhất. Kinh tế tăng trưởng 8,5% nhưng lạm phát tăng hai con số, cộng với thị trường bất động sản tăng nóng là biểu hiện của sự bất ổn. Nhập siêu đến 11 tỷ USD cũng là kỷ lục cao nhất trong những năm qua, có nghĩa là Việt Nam vẫn là thì trường khai thác của các nước chứ chưa đảo ngược được tình thế.

Lĩnh vực kinh tế tư nhân và tài chính ngân hàng đóng góp lớn cho nền kinh tế năm 2007. (Nguồn: Vietnamnet)
Ngay chính những lĩnh vực thuộc về thế mạnh, song Việt Nam vẫn phải “cầu viện” tới nước ngoài. Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn phải nhập ngô và đậu tương, có quặng sắt nhưng vẫn phải nhập phôi, nhập clanh-ke trong khi nguồn nguyên liệu này trong nước không thiếu, thiếu xăng nhưng lại đặt mục tiêu mãi đến năm 2010 mới điều chỉnh tỷ lệ ethanol, thiếu điện nhưng không đẩy mạnh giải pháp sản xuất mà lại nhập từ Trung Quốc…

Trong lĩnh vực hành chính, nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn ta thán nhiều về sự chưa đáp ứng đầy đủ của luật pháp, thủ tục hành chính còn rườm rà phức tạp. Sự chậm trễ trong việc cấp phép các dự án đã làm nản lòng các nhà đầu tư. Bộ máy hành chính Nhà nước vẫn chưa có ý thức đầy đủ về một nền hành chính dịch vụ mà đâu đó vẫn còn mang tư tưởng ban phát, xin cho.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng những điều ấy thể hiện Việt Nam vẫn còn thiếu một tầm nhìn và một năng lực đủ tầm để đáp ứng những đòi hỏi sự thay đổi nhanh và kịp thời những yêu cầu của nền kinh tế hội nhập.

2008: Cẩn thận với bão WTO

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn chỉ ra rằng đến giờ này, Việt Nam vẫn chưa đạt được nền kinh tế chi phí thấp, và cảnh báo rằng đây là nguy cơ. “Nếu không sớm đạt được điều này sẽ thấy ngay cơn bão WTO, chứ không chỉ đơn giản là cơn bão giá” - ông Sơn cảnh báo.

Đây cũng chính là lời cảnh báo cho công việc của năm tiếp theo. Theo nhận định, 2008 là một năm gia nhập sâu và khó khăn thử thách sẽ còn nhiều hơn. Đó là năm Việt Nam thực hiện lộ trình mở cửa sâu hơn với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ở nhiều lĩnh vực, mở cửa rộng hơn ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, buộc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách nền tư pháp để phù hợp thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, còn nhiều lĩnh vực của Việt Nam vẫn còn hoạt động trầy trật, chông chênh.

Hệ thống bán lẻ dẫu đã có hình thành, nhưng vẫn chưa thấy một bản sắc để người tiêu dùng phân biệt, ngoai trự CoopMart nhưng cũng chỉ với đặc điểm là “rẻ, dễ mua”.

Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực tiếp tục bị đe dọa khi vẫn với tình trạng kết cấu hạ tầng yếu, dân trí thấp, trong khi Việt Nam vẫn là đất nông nghiệp chiếm đến 75%.

Nền kinh tế Hoa Kỳ suy thoái sẽ là một khó khăn không thể đánh giá thấp, đồng đô-la giảm giá đòi hỏi phải có một giải pháp điều chỉnh thị trường, ngoại tệ…

Và hơn hết, là một nguồn nhân lực cũng chưa có gì thay đổi, chưa đủ để đáp ứng. Dù có nguồn nhân lực dồi dào nhưng lại thiếu tay nghề, thiếu kỹ thuật, thì chính lực lượng đông đảo này trở thành áp lực giải quyết việc làm của đất nước, hoặc là nguồn lực rẻ để nước ngoài khai thác, giảm giá thành, càng tăng sức mạnh cạnh tranh chính trên sân nhà Việt Nam.

Năm 2007, Việt Nam đã vào đường băng, nhưng cất cánh được hay không, hay loạng choạng để rồi trở về vị trí cũ, là tùy thuộc vào nỗ lực của chính chúng ta” - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

WTO là một sân chơi chung, trong đó nếu biết phát huy thì kết quả sẽ là win-win, mọi người đều thắng. Nếu thụ động, kém thế, thì đất nước này sẽ trở thành thị trường cho đất nước kia khai thác.


Tin khác