Nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập: Một câu hỏi lớn đang đặt ra

18/12/2007

(ĐCSVN) - Hôm nay 18/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Báo Nông thôn ngày nay đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập”. Tham dự buổi hội thảo có đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu kinh tế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng chủ trì buổi hội thảo.

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)đang đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách nhiều vấn đề ở khu vực nông nghiệp và nông thôn cần phải giải quyết. Vào WTO của chúng ta là để phát triển, hội nhập, hoàn thiện và tự khẳng định chính mình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn 70% là nông dân sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, vấn đề cốt lõi nhất là làm sao khi gia nhập WTO, chúng ta phải giúp cho bằng được 70% nông dân Việt Nam khá lên. Trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở hạ tầng, mỗi năm cả nước có gần 200.000 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, tương ứng mỗi hộ có khoảng 1,5 lao động mất việc làm. Làm thế nào để tạo việc làm cho nông dân là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra bàn thảo. Giải pháp được đưa ra đó là tập trung đào tạo nghề cho lực lượng trẻ. và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó một giải pháp đang được nhiều nơi triển khai là xuất khẩu lao động. hỗ trợ học phí cho người học nghề, học giáo dục định hướng để đi lao động ở nước ngoài.

Đối với nguời nông dân, đất canh tác là tư liệu quan trọng nhất, do đó việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển đô thị, KCN, giao thông...đồng nghĩa với việc nguời nông dân bị mất tư liệu sản xuất và hậu quả là nạn thất nghiệp gia tăng, tệ nạn xã hội phát triển...đặc biệt bức xúc ở khu vực ven đô các thành phố lớn gây ra những bất ổn tiềm tàng nếu không có giải pháp kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khôn luờng về an ninh và trật tự xã hội.

Việt Nam là một xã hội nông nghiệp sản xuất lúa gạo. Song làm giàu từ nông nghiệp, đi lên từ nông thôn từ lâu đã là một bài toán khó cho người nông dân, thậm chí quá khó đến gần như nan giải. Thoát ly khỏi ruộng đồng, đi tìm kế sinh nhai là không phải là hiện tượng mới mẻ đối với nông thôn Việt Nam. Số liệu điều tra mới nhất năm 2006 cho thấy trong tống số 486.500 người di cư giai đoạn 5 năm trước cuộc điều tra, số người đến khu vực thành thị chiếm 57%, tiếp đến là luồng di cư nông thôn 30%. Luồng di cư yếu nhất là di cư thành thị - nông thôn 13%. ở khu vực nông thôn, nữ giới chiếm tỷ trong cao hơn nam giới ở cả hai luồng di cư nông thôn-thành thị 21% so với 18% và nông thôn-nông thôn 16% so với 14%. Điều này chủ yếu do sự phát triển của thị trường lao động tại các thành phố/khu đô thị đã thu hút một lực lượng lớn lao động từ nông thôn ra thành thị.

Mức tăng trưởng nhanh và đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong những năm qua đã thu hút khá hiệu quả lực lượng lao động nhập cư. Hôm nay ở bất cứ địa phương nào cũng đều có người di cư, nhà nhà ra đi, ngưòi người ra đi với những lý do khác nhau, tất cả đều mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và bản thân.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế, cũng chỉ ra rằng nếu như nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản nhỏ lẻ, sản xuất manh nhúm chưa có động thái nào chuẩn bị để hội nhập thì yếu tố rủi ro xảy ra là rất cao, trong đó nhiều nông dân sẽ “chết” do không đủ sức cạnh tranh. Vì vậy, việc hỗ trợ, phổ biến thông tin cho nông dân Việt Nam cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng là cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là nông dân ở vùng sâu, miền núi, hải đảo.


Báo Điện tử ĐCS

Tin khác