Mặc dù trước Adam Smith đã có nhiều người viết về các vấn đề và nguyên lý kinh tế , nhưng hầu hết mọi người đều coi ông là cha đẻ của kinh tế học. Ông là người đầu tiên nhìn thấy lợi ích từ việc cạnh trạnh và lập luận ủng hộ các chính sách thúc đẩy cạnh tranh bằng cách giảm sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế và tránh độc quyền.
Adam Smith (1723 - 1790 ) là người Scotland. Ông tốt nghiệp ĐH Glasgow (đáng kinh ngạc ở tuổi 17!) Ông sang nghiên cứu ở Oxford rồi quay về Scotland dạy tại ĐH Edinburgh và ĐH Glasgow. Ông dạy Triết học Đạo đức. Phải 10 năm sau khi rời ghế chủ nhiệm bộ môn, ông mới viết sách khiến tên tuổi trở nên lỗi lạc. Khi thôi dạy Glasgow, ông đi du ngoạn để gặp gỡ các nhà tư tưởng lớn thời đó. Thời kỳ này giúp ông định hình các tư tưởng và khi về Scotland ông bắt đầu viết sách. Tác phẩm lớn nhất của ông là 'The Wealth of Nations', xuất bản 1776. Trong tác phẩm, ông nhấn mạnh lợi ích của chuyên môn hoá và nhu cầu sinh ra hệ thống cơ chế thị trường, phản hồi qua hệ thống giá.
Có lẽ tư tưởng gắn liền với ông là 'bàn tay vô hình', đề cập tới hoạt động của các lực lượng thị trường. Ông lập luận rằng thị trường sẽ định hướng hoạt động kinh tế, và như một bàn tay vô hình nắn quá trình phân phối tài nguyên. Giá cả là phương tiện chính thực hiện nhiệm vụ này. Giá sẽ tăng khi khan hiếm và giảm khi dư thừa.
Adam Smith cho rằng thị trường quyết định loại và số lượng hàng hoá-dịch vụ hợp lý. Đó là vì nhà sản xuất muốn có lợi nhuận. Trong điều kiện laissez-faire tức là chính phủ không can thiệp, phúc lợi công cộng sẽ tăng lên nhờ cạnh tranh để đáp ứng đám đông. Đó là nền tảng của kinh tế thị trường tự do. Cạnh tranh đồng nghĩa với nhà sản xuất phải tìm cách bán hơn đối thủ bằng cách hạ giá xuống mức thấp nhất có thể. Nếu cạnh tranh yếu, nhà sản xuất sẽ trục lợi tốt hơn. Khi này, các công ty khác sẽ lao vào, kéo giá xuống. Tác động qua lại này có lợi cho người tiêu dùng, không cần đến sự can thiệp. Tuy vậy, cần có 2 điều kiện. (1) Chính phủ phải không can thiệp; (2) Phải tồn tại cạnh tranh. Ông sớm nhận ra sự nguy hiểm của độc quyền và viết:
"Độc quyền cho một người hay một công ty đều có cùng một hiệu ứng giống như bí mật trong thương mại hay sản xuất. Kẻ độc quyền, bằng cách giữ cho thị trường luôn thiếu hàng thông qua việc không bao giờ cung cấp đủ hàng, sẽ bán hàng với giá cao hơn nhiều so với mức tự nhiên, tăng lợi ích của họ cao hơn nhiều lần so với tự nhiên."
Các tư tưởng này rất căn bản và nằm khắp nơi trong hệ thống lý thuyết kinh tế ngày nay.