Việt Nam đang diễn ra xu thế tích tụ ruộng đất. Cùng với quá trình đô thị hoá và phát triển các KCN, lao động nông thôn dôi dư và cuộc sống vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nông nghiệp. VietNamNet đã phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Văn Bộ, Phó GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp VN nhân dịp Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo phát triển thế giới năm 2008 với tựa đề “Tăng cường nông nghiệp cho phát triển".
- Thưa ông, xu hướng tích tụ ruộng đất đang diễn ra ở nước ta. Song song đó là tình trạng dôi dư lao động ở nông thôn nhưng Việt Nam dường như chưa giải quyết tốt vấn đề này?
- Cái đích của phát triển nông nghiệp cũng là vì dân giàu nước mạnh. Tất nhiên, đi đôi với tích tụ ruộng đất phải giải quyết các vấn đề xã hội. Kịch bản tích tụ như thế nào, tốc độ tích tụ như thế nào là rất quan trọng. Mỹ có 2% dân số làm nông nghiệp. Ở Việt Nam con số này lên tới 70% và số người sống dựa vào nông nghiệp là 78%.
Xu thế của một xã hội phát triển là giảm cơ cấu về mặt tương đối của nông nghiệp trong nền kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Muốn như vậy, phải có sự dịch chuyển lao động. Sự dịch chuyển này bằng hai cách: hoặc là dịch chuyển tuyệt đối, tức là đưa về các KCN, đưa đi xuất khẩu lao động, đưa về thành phố - quy luật không thể tránh khỏi; thứ hai, dịch chuyển tại chỗ, nghĩa là đưa công nghiệp về nông thôn, phát triển làng nghề...
Có một vấn đề Việt Nam chưa quan tâm nhiều chính là đối phó với sự dịch chuyển này như thế nào. Đây là một xu thế không thể nào đảo ngược được. Nhà nước cần đầu tư cho đào tạo nghề trước khi diễn ra sự dịch chuyển đó. Bài học của chúng ta về việc cử người đi lao động ở Hàn Quốc, Malaysia... hoàn toàn là lao động thô, chưa qua đào tạo một chút nào về kỹ năng. Từ đó có hai bất lợi: lao động Việt Nam vất vả về chân tay đồng thời thu nhập lại thấp.
Trong nước, sau khi đất đai nông nghiệp bị thu hồi làm KCN, điển hình như ở Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hải Dương... nông dân có được một ít tiền bán đất là mua sắm rồi không còn gì để sống nữa. Lúc đó họ lại nghĩ rằng giá như mình còn một tý đất để trồng cái rau, cây lúa mà ăn thì không chết đói.
Rõ ràng là hiện nay chúng ta chưa làm tốt khâu đào tạo lao động. Dĩ nhiên, các KCN không thể nhận hết chừng đó người dân được, nhưng về mặt xã hội vĩ mô phải thấy được điều đó.
- Phát triển nông nghiệp ở Việt Nam khác với các nước. Ở các nước, phát triển công nghiệp gắn với dịch chuyển lao động. Ở Việt Nam, cùng với quá trình CNH-HĐH thì quá trình dịch chuyển lại quá chậm và dồn về nông thôn nhiều. Điều này có đúng không?
- Nghị quyết của Đảng đến năm 2020, Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp hoá. Tiêu chí của nước công nghiệp là gì? Rõ ràng là lao động nông thôn dưới 20%. Bây giờ thực hiện nghị quyết như thế nào, trong khi chỉ còn 13 năm nữa? Tiêu chuẩn của một nước công nghiệp là giá trị đóng góp của công nghiệp phải chiếm tuyệt đại đa số và lao động nông thôn giảm đi, tất nhiên giá trị tuyệt đối phải tăng.
Trong xu thế phát triển của một đất nước, không thể nào phủ hết được lợi ích của tất cả tầng lớp, nhưng ở Việt Nam phải tính đến lợi ích của tuyệt đại đa số người dân.
- Có một thực trạng là tỷ trọng GDP nông nghiệp giảm rõ rệt trong tổng GDP của cả nước (từ 26,2% năm 1995 còn 20,4% năm 2006), trong khi số lao động trong nông nghiệp giảm không đáng kể. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Bởi vì chúng ta chưa chuyển dịch được cơ cấu lao động. Bản thân nền kinh tế cũng chưa chuyển dịch được và đáp ứng được như cầu chuyển dịch lao động. Nền công nghiệp hiện nay của Việt Nam phát triển nhỏ lẻ; lao động lại chưa được đào tạo.
- Gia nhập WTO, Việt Nam phải xoá bỏ chính sách trợ giá. Tuy nhiên, những ưu đãi được WTO cho phép chúng ta vẫn chưa tận dụng được nhiều và sự hỗ trợ đó gần như chưa đến với người dân nông thôn?
- Đúng là chúng ta đương nhiên được hỗ trợ những gì mà WTO công nhận trong "hộp xanh", khoảng trên 10% trong tổng số GDP nông nghiệp. Việt Nam đang triển khai hỗ trợ cho thuỷ lợi, hệ thống tưới tiêu, cải tạo đất đai... Về nghiên cứu khoa học, sự đầu tư này bao gồm 2 mảng: nghiên cứu để tạo ra kỹ thuật mới và nghiên cứu để nhập nội công nghệ mới đồng thời tăng cường hệ thống khuyến nông để chuyển tiến bộ kỹ thuật đó cho người dân hưởng lợi.
Hiện đầu tư cho thuỷ lợi rất tốn kém. Trước đây, đầu tư thuỷ lợi hầu như chỉ phục vụ nông nghiệp là chính. Hiện giờ, đầu tư thuỷ lợi với nghĩa rộng rất nhiều, không chỉ cho nông nghiệp mà hệ thống kênh mương ấy còn dùng cho công nghiệp, dân sinh.
Ví dụ một hệ thống đập phục vụ giữ nước, ngăn lũ, phát điện, điều chỉnh môi trường... và nông nghiệp chỉ là một phần trong hệ thống thuỷ lợi. Ở ven biển, hệ thống thuỷ lợi trước để ngăn mặn trữ ngọt nay để điều tiết nước mặn để nuôi trồng thuỷ sản. Chưa kể, đầu tư thuỷ lợi cũng là để góp phần phát triển giao thông nông thôn.
- Xin cảm ơn ông!