Cam kết ODA đạt kỷ lục hơn 5 tỷ USD

11/12/2007

Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam đã bế mạc tại Hà Nội ngày 7/12/2007 bằng việc công bố mức cam kết tài trợ vốn ODA năm 2008 đạt hơn 5,4 tỷ USD.

So với năm ngoái, tổng mức cam kết năm 2008 cao hơn khoảng 1 tỷ USD. Trong đó, các nhà tài trợ song phương cam kết viện trợ cho Việt Nam 2,626 tỷ USD, đa phương 2,550 tỷ USD và từ các tổ chức phi chính phủ 250 triệu USD.

ADB tiếp tục là nhà tài trợ dẫn đầu với mức cam kết ODA lên tới 1,350 tỷ USD, so với con số 1,14 tỷ USD mà đối tác này tài trợ năm 2007. Năm nay, Nhật Bản vượt EU, trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai của Việt Nam với 1,111 tỷ USD, trong khi năm ngoái chỉ là 890 triệu USD.

Liên minh châu Âu (EU) tụt xuống vị trí thứ 3, với 962 triệu USD, so với mức 948,2 triệu USD năm 2007.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ajay Chhibber tại buổi họp báo sau khi bế mạc hội nghị CG 2007. Ảnh: Kiều Giang.

Thận trọng với bẫy thu nhập trung bình

Phát biểu tại hội nghị CG năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, vào năm 2010, bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ đạt trên 1.000 USD và Việt Nam sẽ vượt qua ngưỡng của một nước đói nghèo để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Từ nay tới thời điểm đó không còn xa và các nhà tài trợ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh, sự chuyển đổi từ một quốc giá có mức thu nhập thấp sang trung bình sẽ mang lại một số thách thức mới, đòi hỏi phải có một nhóm giải pháp khác.

Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam Ayumi Konishi, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng để tránh những cái bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nước khác trên thế giới đã gặp phải sau khi họ thoát khỏi vị thế nước thu nhập thấp. Ông Konishi khuyến cáo, Việt Nam nên tập trung vào việc thực hiện những cải tố chính và chất lượng tăng trưởng.

"Sự hấp dẫn đầu tư của một nước phụ thuộc vào môi trường pháp lý và hành chính thuận lợi. Lợi ích của hội nhập toàn cầu chỉ có đến với các nền kinh tế mà tính cạnh tranh không bị mất đi vì chi phí giao dịch cao, tệ quan liêu và một nền hành chính không hiệu quả", ông Konishi nhấn mạnh.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Hervé Bolot cũng chỉ ra một số thách thức mà Việt Nam tiếp tục phải đối mặt như nguy cơ có thể bị tái nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vốn dễ bị thương tổn bởi những cú sốc môi trường và kinh tế.

Đối với vấn đề tham nhũng, mặc dù các đại biểu hoan nghênh những sáng kiến mà Chính phủ Việt Nam đưa ra trong năm qua nhằm hạn chế vấn nạn này, đây vẫn là lĩnh vực mà Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman, cải cách hành chính công và sự tham gia mạnh hơn của khu vực xã hội dân sự có thể mang lại những tiến triển nhanh hơn trong lĩnh vực này.

"Trong tương lai dài hạn, điều quan trọng là phải tạo ra một thế hệ trẻ có kiến thức và không nhân nhượng với tham nhũng. Thế hệ này cần nhận thức được ảnh hưởng của tham nhũng đối với phát triển quốc gia nói chung và với mỗi cá nhân nói riêng. Cần khuyến khích và khen thưởng những cá nhân không khoan nhượng với tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào và nói ‘không’ với tham nhũng", ông Rolf Bergman nhấn mạnh.

Giải ngân năm 2008 sẽ tốt hơn

Mặc dù giải ngân năm nay vượt 5% dự kiến và tăng trên 10% so với năm ngoái, các nhà tài trợ cho rằng con số này còn khiêm tốn và VN vẫn chưa tận dụng thật tốt cơ hội mới để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Tại hội nghị năm nay, theo các nhà tài trợ, để tăng tốc độ giải ngân đòi hỏi phải có sự hài hòa thủ tục giữa các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam.

Trao đổi với báo giới về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, thời gian qua nhóm 6 ngân hàng, gồm ADB, AFD, WB, JBIC, Ngân hàng tái thiết Đức và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc đã cùng Chính phủ Việt Nam thống nhất được những thủ tục để thực hiện các dự án vốn vay. Do đó, ông Phúc khằng định chương trình giải ngân năm 2008 sẽ tốt hơn.


Tin khác