“Gánh”... cùng nông dân

28/11/2007

Trong khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: “Phải hỗ trợ để nông dân sống được với đồng ruộng”. Vậy phải hỗ trợ thế nào, phương thức nào để nông dân thoát nghèo và làm giàu ngay chính trên mảnh đất của mình. Xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Mạnh Hùng - Liên minh Hợp tác xã VN như một trong những ý kiến đóng góp giúp người dân làm nông nghiệp sống được với đồng ruộng.

Sau khi công luận lên tiếng về việc hạt thóc “cõng” quá nhiều khoản phí, lệ phí, hiện nay, thực hiện Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg còn 285 loại phí quy định tại Nghị định 24/2006/NĐ-CP mà cá nhân, tổ chức phải đóng góp khi có quan hệ quyền lợi, trách nhiệm với tổ chức, cá nhân được phép thu. Chỉ thị yêu cầu bộ, ngành, địa phương rà soát loại bỏ các khoản thu ngoài danh mục, đề xuất miễn, giảm các khoản thu trong danh mục...

Phân định rõ khoản thu bắt buộc và tự nguyện

Tuy nhiên, hiện nay, một số tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí theo quy định hoạt động phi lợi nhuận. Một số loại phí thu từ dịch vụ không do Nhà nước đầu tư, hoặc Nhà nước đầu tư giao tổ chức cá nhân thu phải nộp thuế, có thể xảy ra thiếu minh bạch như lạm thu, lạm chi và không chi được thì treo. Nhưng điều này đồng thời với việc tái sinh, biến tướng của một số "giấy phép con" của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với cá nhân tổ chức kinh doanh, sách nhiễu của một số công chức thừa hành công vụ khiến, DN, nhân dân tốn kém về tiền, mất thời gian, bực mình.

Trong hai năm 2005-2006 Cục đường bộ đã sử dụng phí sai quy định từ ngân sách là 354 tỷ đồng đầu tư xây nhà thu phí, cầu dẫn, xe chở tiền không chuyên dụng; (dư luận về nhà thu phí ở cầu Chương Dương đạt suất đầu tư kỷ lục trên các cấu kiện và thiết bị vẫn có nguy cơ tái hiện); có 370 tỷ đồng thuỷ lợi phí chưa có kế hoạch sử dụng, hoặc 940 tỷ đồng viện phí, trên 700 tỷ đồng học phí chưa được ghi thu, ghi chi kịp thời vào ngân sách?

Nhưng cũng cần phải khẳng định rằng: Dịch vụ phí ngày càng tăng là đúng xu hướng. Dấu hiệu của nền kinh tế hội nhập là GDP khu vực dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao, tỷ trọng phí dịch vụ tăng nhằm hỗ trợ các hoạt động sản xuất hàng hoá và tạo điều kiện sống tốt cho người dân, tăng tính chuyên nghiệp trong quá trình sản xuất, tiêu dùng hiện đại.

Dịch vụ phí là khoản thu của tổ chức, cá nhân thoả thuận với người sử dụng dịch vụ theo cơ chế thị trường. Các HTX nông nghiệp kiểu mới của những xã viên có sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, quyền sử dụng đất và quyền quyết định lựa đối tượng sản xuất. Hiện nay HTX vừa tổ chức sản xuất tập trung đối với những công việc làm riêng rẽ không có hiệu quả, đa phần là HTX tổ chức hoạt động dịch vụ để giảm chi phí cho các hộ xã viên. Bình quân các HTX tổ chức làm từ 7- 10 dịch vụ : thuỷ lợi, làm đất, thú y và bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng, giống, phân bón, các vật tư kỹ thuật, dịch vụ điện năng, khuyến nông, tín dụng nội bộ; sơ chế, chế biến sâu, bảo quản và tiêu thụ nông sản; các dịch vụ khác như nước sạch và vệ sinh môi trường, ma chay và các nhu cầu thường xuyên theo yêu cầu của nhân dân và khả năng của HTX.

Với tư duy và hành động tích cực là giảm chi phí và làm tốt so với tổ chức cá nhân khác trên thị trường, thực tế có rất nhiều HTX đã giảm phí các dịch vụ trên từ 7- trên 10% so với thị trường, giảm thời gian và công sức của xã viên, nhân dân trong vùng. Ngoài ra, HTX kinh doanh có lãi đã dùng lãi đó tiếp tục giảm phí dịch vụ hoặc không thu tiền đối với một số dịch vụ như thú y, bảo vệ thực vật, một số giống mới, lắp và sửa chữa đường dây điện đến từng hộ... Có thể đơn cử như HTX dịch vụ nông nghiệp Trung Văn, Hà Nội có lãi gần 1 tỷ đồng về điện đã dùng lãi đó hỗ trợ xã viên rất hiệu quả, đầu tư các công trình tạo việc làm, chống lại những bất lợi của đô thị hoá... Đó là những dịch vụ tích cực mà cả hệ thống Liên minh HTX đang hướng tới. HTX nào không làm tốt sẽ không có khách hàng. Có một số ít HTX do can thiệp quá sâu của chính quyền địa phương đã thu hộ một số khoản phí và các khoản đóng góp tự nguyện và sử dụng các khoản đó không hiệu quả, cần được kiểm tra và tách bạch.

Hiện nay chúng ta có khoảng trên 300 các tổ chức đoàn thể, hội. Nhiều tổ chức có hệ thống từ trung ương đến địa phương cấp xã là biểu hiện tích cực của xã hội dân sự, giải quyết tốt những nhu cầu của hội viên; cùng chính quyền cơ sở, các HTX, DN phát triển kinh tế - xã hội, tham gia các chương trình cộng đồng, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống thân thiện, hạnh phúc. Người dân tham gia các tổ chức này là tự nguyện và khi là thành viên phải thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi. Nếu các tổ chức này thiếu công khai, minh bạch, thiếu kiểm tra nội bộ sẽ bị cá nhân lạm dụng tài chính từ hội phí và các nguồn thu hợp pháp, lợi dụng pháp nhân làm ăn riêng, gây dư luận xấu. Cũng cần thiết phải xem lại việc sử dụng hoa hồng khi tổ chức này thực hiện các dịch vụ thu phí, thu các khoản đóng góp tự nguyện, hoặc bán hàng hộ các tổ chức kinh doanh!

Xã hội hoá là quan điểm tích cực, những năm qua nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, công trình dân sinh của cộng đồng,..."của đau, con xót" đa phần nhân dân tự quản phần đóng góp, ưu tiên chi nguồn đóng góp đó sử dụng lao động địa phương xây dựng công trình, chi tiêu tiết kiệm, minh bạch, chăm chút duy tu, bảo quản các thành quả. Từ năm 2002 - 2005 cả nước huy động gần 4.000 tỷ đồng do nhân dân tự nguyện đóng góp, xây dựng hàng vạn mét đường giao thông nông thôn, kênh máng thuỷ lợi nội đồng được bê tông hoá, xây dựng nhiều công trình công cộng, trợ giúp gián tiếp những đối tượng khó khăn là thành quả tự hào của cộng đồng. Rất nhiều quỹ được sử dụng có hiệu quả, chủ động trong sinh hoạt và đời sống, làm chất kết dính của khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, một vài nơi huy động quá mức, không phân chia vào các năm, đổ đồng cho các đối tượng, tạo gánh nặng. Đặc biệt là thiếu minh bạch tài chính gây bức xúc trong nhân dân, Nhà nước đã ban hành Quyết định 80/2005/QĐ-TTg về quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng; Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT KH-ĐT -UBTƯ MTTQ VN - TC hướng dẫn thực hiện, cần chuyển thành công cụ giám sát của cộng đồng. Vậy làm sao để cân đối giữa khoản thu bắt buộc và khoản thu thu tự nguyện?

Giải quyết theo hướng nào?

Thứ nhất, các địa phương chỉ được thu trong danh mục Nghị định 24/2005/NĐ-CP, các xã, phường phải niêm yết, công khai danh mục này (hiện mới chỉ công khai 10-15 khoản trong hơn 100 khoản đang thu ở nông thôn), cùng với quy định của cơ quan có thẩm quyền. Bộ Tài chính cần triển khai nhanh việc điều tra, thống kê ở các xã về hiện trạng thu phí, lệ phí, dịch vụ phí, hội phí, các khoản đóng góp tự nguyện và kiến nghị của dân theo một mẫu thống nhất để giúp Quốc hội, HĐND kiểm soát, ra quyết định sửa đổi. Những khoản thu chỉ đủ chi phí hành chính, giấy tờ, trả công cho người không hưởng lương ngân sách nên bãi bỏ, tiến tới xây dựng Luật phí, lệ phí.

Thứ hai, không đưa vào Nghị quyết HĐND, quyết định của UBND các cấp, giao chỉ tiêu kế hoạch đối với khoản thu tự nguyện. HĐND tăng cường kiểm tra, giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thu phí, lệ phí và có chức năng thu dịch vụ phí, mở đường dây nóng và hộp thư tiếp thu ý kiến người dân. Kiên quyết loại bỏ việc dùng các khoản đóng góp tự nguyện làm điều kiện để thực hiện các dịch vụ hành chính công đối với người dân, các khoản phí, lệ phí không bị ràng buộc vào nhau khi thực hiện dịch vụ được thu. Ngoài ra, các dự án huy động đóng góp của dân cần công khai quá trình đầu tư và sử dụng theo quy định của Chính phủ về việc giám sát đầu tư của cộng đồng.

Thứ ba, nghiên cứu cơ chế đấu thầu chọn tổ chức độc lập thực hiện một số khoản thu phí, lệ phí, dịch vụ phí nhằm tách việc thi hành công vụ với việc thu phí, lệ phí dẫn đến lạm thu hoặc lạm chi, sách nhiễu. Người dân có thể chỉ đến cơ quan hành chính một lần để hoàn tất thủ tục, còn lại tổ chức dịch vụ đó trợ giúp, người dân chỉ phải trả phí cho tổ chức được giao, tổng chi phí thấp hơn lệ phí hiện hành.

Thứ tư, miễn thủy lợi phí, giảm và miễn toàn bộ dịch vụ phí bảo vệ thực vật. Theo thông số về chi phí sản xuất nông nghiệp cho thấy thủy lợi phí và chi mua thuốc, dịch vụ bảo vệ thực vật ở đồng bằng Bắc Bộ chiếm 22%, mỗi loại đều chiếm 11% trong chi sản xuất lúa. Nếu miễn, giảm thủy lợi phí trên cả nước, thì mỗi năm Nhà nước giảm thu khoảng gần 1.000 tỷ đồng (số hiện nay đang thu đạt 800 tỷ đồng) và hỗ trợ cũng gần 1.000 tỷ đồng thuốc và dịch vụ bảo vệ thực vật. Hai khoản được miễn giảm sẽ chuyển gần 2.000 tỷ đồng vào thu nhập của nông dân và xã hội do giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp tiêu dùng nội địa. Tôi cho rằng thủy lợi, dịch vụ bảo vệ thực vật... nên xem xét việc miễn, giảm trong năm 2008.

Thứ năm, các đoàn thể, hiệp hội, cộng đồng dân cư tiếp tục thực hiện việc xã hội hóa các công việc phục vụ cộng đồng, nhân rộng mô hình một số tổ chức đoàn thể của phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, các nhóm hội nghề, gia tộc, bạn bè trợ giúp nhau trong hoạt động kinh tế, đời sống tinh thần. Tuy nhiên đã là nơi có thu chi tài chính cần thực hiện công khai hóa, minh bạch hóa; cần nghiên cứu áp dụng hợp lý một số nội dung về quản lý quỹ tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện đưa vào Điều lệ (quy chế) của tổ chức. Ở đâu không có quy tắc, không minh bạch thì ở đó có xu hướng lạm dụng.

(Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)


Tin khác