Chính sách quản lý khoa học công nghệ - Kinh nghiệm từ Trung Quốc (Phần cuối)

15/11/2007

Trong tiến trình cải cách và mở cửa, Trung Quốc bắt đầu tiến hành đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ từ đầu những năm 1980s. Cùng với việc chuyển dần từ cơ chế làm việc kế hoạch hoá tập trung, cứng nhắc và khép kín, các nhà cải cách ở Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt các chính sách đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ với mục đích thay đổi tư duy làm việc và sản phẩm của các tổ chức khoa học công nghệ.

6. Chính sách phát triển công nghệ sinh học?

Trung Quốc xác định công nghệ sinh học nông nghiệp là một trong những giải pháp hàng đầu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tăng năng suất nông nghiệp và tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường nông sản thế giới. Để đạt được các mục tiêu này, Trung Quốc đã tích cực cải thiện năng lực đổi mới công nghệ của các chương trình công nghệ sinh học quốc gia từ đầu những năm 1980s. Trái ngược với xu hứơng giảm hoặc không tăng số lượng cán bộ nghiên cứu và mức đầu tư công cho nghiên cứu nông nghiệp những năm 1985-1995, số lượng cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học trồng trọt đã tăng hơn 3 lần trong vòng hơn 2 thập kỷ vừa qua. Tại thời điểm năm 2003, ước tính có khoảng hơn 2.700 cán bộ nghiên cứu (bao gồm cả các cán bộ hỗ trợ nghiên cứu) đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học trồng trọt. Nếu như bao gồm cả ngành chăn nuôi, tổng số cán bộ nghiên cứu công nghệ sinh học của Trung Quốc có thể lên đến 4000 - có thể là đứng đầu thế giới về số lượng cán bộ nghiên cứu công nghệ sinh học.

Bên cạnh sự tăng trưởng về số lượng cán bộ nghiên cứu, tăng trưởng đầu tư công cho lĩnh vực này có sự nhảy vọt qua các thời kỳ. Khi Trung Quốc chính thức bắt đầu kế hoạch 863 về công nghệ sinh học năm 1986, đầu tư cho công nghệ sinh học mới chỉ là 4,2 triệu USD; 04 năm sau mức đầu tư tăng lên gấp đôi, đạt 10,2 triệu USD năm 1995 và tăng vọt lên mức 39 triệu USD năm 2000. Giai đoạn 1995-2000 mức tăng trưởng đầu tư bình quân là 30% và tiếp tục tăng trong những năm sau thế kỷ 21 đạt mức 56 triệu USD năm 2003.

Bông công nghệ sinh học là một trong những ví dụ điển hình về thành tựư công nghệ sinh học của nông nghiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số cây trồng biến đổi gen khác có đặc tính chống chịu với sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật hoặc một số sản phẩm với chất lượng tốt hơn đã được xem xét cho phép thử nghiệm và một số sản phẩm khác đã gần đến giai đoạn có thể tung ra thị trường. Một số sản phẩm tiêu biểu là:

1. Bông công nghệ sinh học có khả năng chống chịu với sâu bệnh

2. Lúa công nghệ sinh học có khả năng chống chịu sâu bệnh

3. Lúa mạch có khả năng chống chịu với bệnh vàng lụn xoắn lá

4. Ngô có khả năng chống chịu với côn trùng và chất lượng được cải thiện

5. Đậu tương có khả năng chống chịu với cỏ dại

6. Khoai tây có khả năng chống chịu với bệnh

Từ năm 1997 đến năm 2003, Uỷ ban an toàn công nghệ sinh học nông nghiệp Trung Quốc tiếp nhận tổng số 1044 trường hợp công nghệ biến đổi gen trong đó có 821 trường hợp đối với cây trồng để cho khảo nghiệm, kiếm tra môi trường, sản xuất thử và thương mại hoá trong đó có 777 (tổng số) và 585 (cây trồng) đã được phê duyệt.

Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các chính sách để khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học. Các chính sách chủ yếu bao gồm:

1. Miễn thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp (3 năm đầu) đối với công ty công nghệ sinh học

2. Các công ty công nghệ sinh học được nhà nước tạo điều kiện cho hợp tác với nước ngoài: Nhà nước giới thiệu, hỗ trợ, tác động hợp tác với đối tác nước ngoài

3. Chế độ vay vốn ưu đãi ngân hàng

4. Tạo điều kiện hỗ trợ để công ty công nghệ sinh học bước ra thị trường

5. Vinh danh uy tín của doanh nghiệp công nghệ sinh học

6. Khuyến khích công ty công nghệ sinh học đầu tư ra nước ngoài

7. Các chính sách khác như: rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, giấy phép đăng ký kinh doanh với thời hạn dài hơn. hỗ trợ phìng trỳư dịch bệnh,...

Nhìn chung, khuôn khổ chính sách và thể chế cho chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học tương đối phức tạp ở cả cấp trung ương và địa phương. Tuy nhiên, có thể thấy rằng sự điều phối giữa các tổ chức KHCN và sự liên kết giữa các chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp là nhân tố cực kỳ quan trọng để có được một hệ thống nghiên cứu công nghệ sinh học mạnh của Trung Quốc. Bên cạnh đó, mạnh dạn đầu tư lớn cho công nghệ sinh học cũng là nhân tố quan trọng hàng đầu. Theo tư liệu ghi chép được, giai đoạn 2007-2012 Trung quốc sẽ đầu tư với số tiền rất lớn để triển khai chương trình biến đổi gen công nghệ sinh học và nâng cao chất lượng giống cho cây trồng (lúa, bông, hoa, cây cảnh, rau quả,..) vật nuôi (gà, bò, dê, cá...) và vi sinh vật (thuốc trừ sâu, phòng dịch, nguyên liệu, phế liệu, phân bón...). Ví dụ với lúa gạo, chương trình sẽ tập trung nghiên cứu chọn tạo giống lúa có sản lượng cao, cải tạo chất lượng gạo, phòng chống các loại sâu bệnh, chống muối, chống kiềm, chống độ chua, chịu nước và tăng khả năng đề kháng. Chương trình công nghệ sinh học sẽ tập trung vào công tác nghiên cứu biến đổi gen tạo tiến bộ KHCN. Trung Quốc xác định, sản phẩm biến đổi gen tất yếu sẽ đi vào đời sống của người dân Trung Quốc.

7. Nội dung đổi mới chính sách khuyến nông?

Khuyến nông được Trung Quốc xem là có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống khuyến nông của Trung Quốc được hình thành sớm và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và với quy mô rất lớn (với tổng số cán bộ khoảng gần 1 triệu người). Mặc dù điều kiện kinh tế- xã hội đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên hệ thống khuyến nông của Trung Quốc hầu như không có bất kỳ sự đổi mới nào, vẫn là hệ thống hoạt động theo cơ chế cũ, không hiệu quả. Hai vấn đề nổi cộm trong hệ thống khuyến nông của Trung Quốc là có quá nhiều cán bộ khuyến nông, phần lớn làm việc ở cấp cơ sở nhưng số cán bộ này lại không gần dân, không sâu sát nắm tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của dân về các tiến bộ KHCN mới. Nguyên nhân chủ yếu là do: phương thức đầu tư không hiệu quả- đầu tư cho khuyến nông tập trung chủ yếu ở cấp trung ương, trong khi đó có đến 94% số cán bộ khuyến nông cơ sở làm việc tại các địa phương lại nhận được sự đầu tư rất thấp và cán bộ làm công tác khuyến nông - đặc biệt ở cấp cơ sở không có động lực làm việc.

Các nhà hoạch định chính sách nhận thấy việc cải cách hệ thống khuyến nông là công việc cực kỳ khó khăn và đến nay vẫn chưa có ý tưởng rõ rệt làm thế nào để cải thiện hoạt động của hệ thống khuyến nông. Có một vài sáng kiến đã được đưa ra và hiện đang làm thí điểm để cải tổ hệ thống khuyến nông bao gồm:

- Thí điểm cải cách thể chế: Các tiếp cận khuyến nông thay vì là kênh chuyển tải tiến bộ KHCN đến người dân thì nay phải là tổ chức trung gian tìm kiếm tiến bộ KHCN mới theo yêu cầu của người dân. Dịch vụ khuyến nông để tồn tại được và thực sự mang lại hiệu quả cao phải bám sát nhu cầu, đòi hỏi của người dân.

- Thí điểm hệ thống quản lý mới: Có cơ chế để người dân giám sát hoạt động của các cán bộ kỹ thuật làm công tác khuyến nông, thực sự là người làm dịch vụ cho dân. Khuyến nông phải xác định rõ: Khách hàng của họ là nông dân và nông dân sẽ là người chi trả dịch vụ cho họ dựa trên kết quả sản phẩm. Cán bộ khuyến nông phải là người có độ nhạy rất cao với nhu cầu của người dân

- Thí điểm chính sách mang lại động lực nhiều hơn cho cán bộ nghiên cứu: Trung tâm nghiên cứu chính sách nông nghiệp Trung Quốc đã và đang thí điểm mô hình chính sách này tại 2 tỉnh.

Ý tưởng là: Hiện tại, Trung quốc có khoảng 01 triệu cán bộ khuyến nông với 640.000 thôn/bản - mỗi thôn/bản có khoảng 500 nông dân. Nếu một cán bộ khuyến nông được giao chuyên trách cung cấp dịch vụ cho một thôn/bản thì số cán bộ đã có thể giảm xuống được 1/3. Nếu mỗi cán bộ được giao phụ trách 2-3 thôn thì số cán bộ cơ sở có thể còn giảm được hơn thế nữa. Như vậy, có thể giảm một số lượng lớn cán bộ khuyến nông, chuyên môn hoá để họ thực sự cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng. Với 3 nhân tố: tăng vốn đầu tư của nhà nước cho khuyến nông, kinh phí tiết kiệm được do giảm biên chế và phí dịch vụ do người dân chi trả, chắc chắn hệ thống khuyến nông của Trung Quốc sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Hiện nay, Trung tâm nghiên cứu chính sách nông nghiệp Trung quốc đang thí điểm thực hiện mô hình này.

Tại tỉnh Hồ Bắc, cũng có một sáng kiến chính sách khác nhằm cải tổ hệ thống khuyến nông. Các tổ chức khuyến nông được tách ra, độc lập với các cơ quan chính phủ và hoạt động như loại hình doanh nghiệp và như vậy sẽ không có kinh phí thường xuyên cấp cho hoạt động của đơn vị. Các doanh nghiệp khuyến nông này buộc phải tái cơ cấu lại tổ chức, lựa chọn những cán bộ tốt, đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu công việc tiếp tục ở lại làm việc, còn lại sa thải những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu. Chính quyền thiết lập Quỹ khuyến nông mà ở đó các công ty khuyến nông đấu thầu các chương trình khuyến nông trọng điểm đồng thời với việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ khuyến nông với người dân và thu phí từ hoạt động dịch vụ đó.

Nói tóm lại: hệ thống khuyến nông của Trung Quốc khá đồng bộ, cồng kềnh, hoạt động không hiệu quả và đến nay vẫn chưa có sự đổi mới đáng kể nào. Đổi mới là quá trình khó khăn, đầy thử thách và có một số sáng kiến đổi mới đang được triến khai thực hiện và bước đầu đem lại hiệu quả tốt.

Từ một số quan sát bước đầu, xin nêu một số kiến nghị để tiếp tục trao đổi, nghiên cứu như sau:

1. Thương mại hoá các sản phẩm KHCN, gắn nghiên cứu với nhu cầu của khách hàng trên thị trường là chủ trương đúng đắn, giúp các tổ chức KHCN mạnh dần lên, đứng vững trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, chính sách thương mại hoá sản phẩm KHCN có thể không thành công nếu các chính sách đổi mới khác (đổi mới phát triển thị trường KHCN, cơ chế luật pháp cho chuyển giao tiến bộ KHCN, chính sách cán bộ,...) không được tiến hành đồng thời. Điều cực kỳ quan trọng là Không phải tất cả các tổ chức KHCN đặc biệt trong ngành nông nghiệp và PTNT đều có thể tiến hành thương mại hoá được. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quá trình đổi mới sắp xếp lại hệ thống các tổ chức KHCN ngành nông nghiệp và PTNT Việt Nam. Trước tiên, chúng ta cần phân loại tổ chức KHCN và tiến hành đánh giá xem viện/trung tâm nào có thể chuyển đổi thành viện nghiên cứu thương mại.

2. Tính chất thương mại đòi hỏi các tổ chức KHCN cần được bố trí và được quản lý theo cơ chế thị trường - lúc này các viện cần hoạt động như một loại hình doanh nghiệp đặc biệt. Các Học viện cũng như các viện nên được trang bị kiến thức và kỹ năng quản trị cũng như kỹ năng marketing để có thể hoạt động thành công, có hiệu quả trong cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, với các tổ chức KHCN chuyển đổi sang thành viện thương mại Nhà nước cũng nên có các chính sách để nâng đỡ, hỗ trợ họ trong giai đoạn đầu mới gia nhập thị trường.

KHCN trong ngành nông nghiệp với sản phẩm phần lớn mang tính hàng hoá công, phục vụ công tác xoá đói giảm nghèo, liên quan nhiều đến vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường,...Tính chất hàng hoá công đòi hỏi sự can thiệp của nhà nước và do vậy đầu tư của Nhà nước phải được đảm bảo. Vì vậy, trông đợi quá nhiều vào thương mại hoá sản phẩm KHCN có thể tạo ra những khoảng trống nghiên cứu rất nguy hiểm mà sẽ không có tổ chức, cá nhân nào tham gia nghiên cứu.

3. Cơ chế phân bổ vốn thông qua đấu thầu cạnh tranh và đầu tư theo chương trình trọng điểm là hoàn toàn đúng đắn đảm bảo lựa chọn được những nghiên cứu tốt nhất và có được những chương trình nghiên cứu bài bản- trong điều kiện nguồn lực khan hiếm. Tuy nhiên, phương pháp nào cũng có những mặt trái của nó và ở đây không có ngoại lệ. Cơ chế cạnh tranh buộc các nhà khoa học đầu đàn chú trọng, dành thời gian nhiều hơn cho việc chuẩn bị đề xuất đấu thầu - hết cái này đến cái khác- mà không còn thời gian cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc xây dựng vấn đề nghiên cứu cũng phải được tiến hành công phu đảm bảo đề bài ra là chính xác và vấn đề nghiên cứu là cấp thiết.

Bên cạnh hình thức cấp vốn thông qua đấu thầu cạnh tranh, Nhà nước cũng nên có ngồn vốn với tỷ lệ cố định cấp chi cho hoạt động thường xuyên của các tổ chức KHCN và dành cho các nghiên cứu trọng điểm theo đơn đặt hàng. Hiện nay, tỷ lệ đầu tư cho KHCN thông qua đấu thầu cạnh tranh là 60% phần còn lại là kinh phí phân bổ. Nghiên cứu của GS HU cho thấy tỷ lệ này là bất hợp lý và kinh phí phân bổ cần phải được nâng lên cao hơn nữa.

4. Do đặc điểm lịch sử, chính trị, kinh tế, và xã hội tương đồng, cả Trung Quốc và Việt Nam còn rất nhiều cán bộ dôi dư, là gánh nặng đối với các tổ chức KHCN. Hiện tại, Trung Quốc cũng đang vướng mắc, chưa có chính sách trực tiếp giải quyết đối tượng này. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Trung Quốc đối với vấn đề này cũng rất thú vị: Không buộc phải sa thải những cán bộ cũ nằm trong biên chế này mà (1) không yêu cầu họ đến cơ quan, (2) đề nghị họ tự ra thị trường tìm kiếm việc làm mới và (3) cho họ một mức lương rất thấp (thực chất là trợ cấp xã hội - chỉ đủ 3 bữa cơm và quần áo tối thiểu) cho đến khi họ tìm được việc làm mới. Đây có thể coi là giải pháp gián tiếp, hết sức quyết liệt để Trung Quốc giải quyết vấn đề cán bộ dôi dư.

Bên cạnh đó, Trung quốc cũng có hàng loạt các chính sách để thu hút nhân tài vào làm trong các tổ chức KHCN như chính sách ưu đãi về nhà ở, về trường học tốt cho con em nghiên cứu viên, về quỹ bắt đầu nghiên cứu cho các nghiên cứu viên trẻ, cơ chế phân bổ lợi ích đối với các sáng kiến KHCN,...

5. Về xắp xếp lại Bộ máy: Trung Quốc đã rất nỗ lực trong việc hợp nhất các trường đại học, cao đẳng nhỏ lẻ thành các trường đạị học lớn. Các học viện đã tồn tại nhiều năm và hấu như ít biến động. Một số học viện thành lập thêm các viện nghiên cứu chuyên ngành mới. Trong những năm qua, các học viện ở Trung Quốc chủ yếu làm nhiệm vụ phân loại, sắp xếp các viện thành viên để chuyển đổi thành các viện thương mại nếu đủ điều kiện.

6. Học viện ở Trung Quốc đã tồn tại từ khá sớm và đóng vai trò tích cực đối với sự phát triển của các viện thành viên và của ngành. Học viện là đầu mối nghiên cứu các vấn đề KHCN của Bộ, làm nhiệm vụ tiếp nhận những nhiệm vụ trọng yếu, tổ chức nghiên cứu và phân bổ vốn cho các viện thành viên. Các Viện thành viên có vị trí độc lập tương đối và tuân thủ quy chế chung của Học viện. Nhìn chung mối quan hệ này là tương đối mềm dẻo và cộng sinh.

7. Trung Quốc đã có sự đầu tư thích đáng cho công nghệ sinh học ngay từ những năm 1980s và bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Cả cấp trung ương và các cấp địa phương đều đã và đang tham gia tích cực vào chương trình này. Giống bông công nghệ sinh học có thể được xem là biểu tượng thành công của công nghệ sinh học Trung Quốc. Trong những năm tới, chính phủ Trung Quốc sẽ dành khoản đầu tư rất lớn tiếp tục chương trình công nghệ sinh học.

8. Đổi mới công tác khuyến nông theo hướng bám sát nhu cầu của người dân là đòi hỏi bức xúc hiện nay ở Trung Quốc. Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách vẫn đang lúng túng, chưa tìml được lời giải cho bài toán hóc búa này. Có một vài sáng kiến chính sách đổi mới thể chế và hoạt động của khuyến nông đã và đang được triển khai thực hiện ở Trung Quốc. Việt Nam nên tìm kiểu kỹ hơn các mô hình đổi mới này để vận dụng cho đổi mới chính sách khuyến nông ở Việt Nam.


Tin khác