Đời sống nông dân "nóng" trên bàn nghị sự

24/10/2007

Ngày 23.10, các ĐBQH thảo luận ở tổ về các vấn đề: Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008; phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 và phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008. Tại ngày làm việc này, các chính sách phát triển kinh tế- xã hội và đặc biệt là đời sống người nông dân đã được rất nhiều đại biểu quan tâm phát biểu ý kiến. Đầu tư cho nông thôn chưa tương xứng

Tại phiên thảo luận, các đoàn đại biểu QH đều ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong công tác điều hành đất nước để đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế cũng cần hết sức lưu ý đến người nông dân vì đây là tầng lớp dễ bị tổn thương nhất.

Bằng chứng là tình trạng khiếu kiện kéo dài xảy ra nhiều nơi, nguyên nhân vẫn là do người nông dân mất đất để làm các khu công nghiệp, khu đô thị nhưng chính sách đền bù lại chưa nhất quán. ĐB Nguyễn Thị Hoa thì cho rằng, muốn xoá đói giảm nghèo cho người nông dân thì cần phải làm cho nông sản trở thành hàng hoá xuất khẩu. Mà muốn xuất khẩu được nông sản thì cần phải tích tụ được ruộng đất, cần phải có kiến thức khoa học chăm bón, thế nhưng có một lớp người rất vất vả lo lắng cho việc đó là các chủ nhiệm HTX thì lại không được đầu tư, quan tâm đúng mức.

ĐB Phạm Minh Toản khẳng định: Đến thời điểm này, chúng ta cần phải đầu tư tích cực hơn nữa vào nông thôn vì hiện nay khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị đang ngày càng lớn, không kiềm chế được khoảng cách này thì sự phân tầng xã hội sẽ ngày càng trở nên sâu sắc...

Y tế dự phòng, giao thông đô thị cần được cải thiện

Theo nhiều đại biểu, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, công tác y tế dự phòng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đầu tư thiếu đồng bộ từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực ở các tuyến bệnh viện, trung tâm y tế. Đại biểu Trần Đông A cho rằng, chất lượng khám - chữa bệnh ở tuyến cơ sở là rất kém nên dẫn đến bệnh nhân tập trung về tuyến trên, gây ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở các tỉnh, thành phố, bệnh viện tuyến trung ương.

Vấn đề tai nạn và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như HN và TPHCM cũng được các ĐB hết sức quan tâm, ĐB Nguyễn Đăng Trừng bày tỏ: Thời cơ thuận lợi để đất nước phát triển, hội nhập sâu vào khu vực và thế giới đã có, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa có tầm nhìn chiến lược, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước.

Phát triển kinh tế mũi nhọn

Đóng góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế năm 2008, ĐB Phạm Thị Loan đề nghị Chính phủ cần đưa ra những chính sách để xác định kinh tế mũi nhọn của quốc gia, lợi thế của quốc gia chứ không nên đầu tư theo kiểu nước ngoài làm cái gì ta cũng làm theo cái đó. ĐB Phạm Thị Loan cũng đề nghị, rất cần phải có quy hoạch kinh tế tổng thể quốc gia về ngành kinh tế, không nên để xảy ra tình trạng là tỉnh nào ven biển cũng đầu tư cảng nước sâu, tỉnh nào cũng có khu công nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Ngọc Đào khẳng định, cần phải xác định ngành kinh tế nào là lợi thế của chúng ta để tập trung đầu tư lớn vào ngành đó và cũng cần xoá bớt chính sách bảo hộ như bảo hộ ngành sản xuất ôtô hơn 10 năm qua mới nội địa hoá được 2%, trong khi giá bán như ở trên trời.

(Nguồn: Lao Động)

Tin khác