Không nên để DN nước ngoài hình thành chuỗi phân phối lớn

23/10/2007

Đây là ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển xung quanh vấn đề thực hiện các cam kết mở cửa thị trường bán lẻ của Việt Nam.

Là người trực tiếp đàm phán và ký kết các hiệp định gia nhập WTO, ông Tuyển cho biết, phân phối luôn là một lĩnh vực được xem là khá nhạy cảm và đây thường là vấn đề khá căng thẳng trên bàn đàm phán. Nhiều nước đã có một số biện pháp hạn chế các nhà nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào thị trường phân phối. Ví dụ như Thái Lan, Nga… cũng có chủ trương cấm các nhà đầu tư nước ngoài buôn bán ở chợ.

Đối với Việt Nam, đàm phán về mở cửa thị trường phân phối cũng rất căng thẳng. Cam kết dịch vụ nói chung của Việt Nam trong WTO không vượt quá mức cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ mà chúng ta ký cách đây 7 năm. Như vậy, phải sau một lộ trình rất dài, 9 năm kể từ khi ký Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, đến 1/2009 chúng ta mới cho phép các nhà phân phối Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam. Và trong cam kết WTO, cũng thời điểm tháng 1/2009, các nhà phân phối nước ngoài sẽ được vào Việt Nam.

Như thế, chúng ta có một quãng thời gian chuẩn bị. Ông nhận định thể nào về sự chuẩn bị của DN Việt Nam khi thời điểm mở cửa sắp đến gần.

- Thời điểm đã được báo trước và có một lộ trình chuẩn bị. Tuy nhiên, có thể nói các nhà phân phối Việt Nam còn rất nhiều yếu kém. Vì vậy, họ phải có sự năng động hơn, vươn lên mạnh mẽ hơn để cạnh tranh. Muốn vậy, theo tôi DN phải thực hiện mấy vấn đề như: một là, đầu tư để xây dựng các cơ sở phân phối có quy mô hơn, thiết bị hiện đại; thứ hai: đổi mới cách quản lý phân phối; thứ ba: đào tạo đội ngũ nhân viên. Bên cạnh 3 yếu tố đó, thì các nhà phân phối Việt Nam phải liên kết lại, hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng nhau phát triển thị trường thì mới có thể cạnh tranh nổi.

Có ý kiến đề xuất, chúng ta nên hạn chế các nhà phân phối nước ngoài tràn vào Việt Nam, tạo cơ hội cho DN trong nước phát triển. Trong cam kết WTO có nội dung nào mà chúng ta có thể hạn chế tác động của nhà phân phối nước ngoài?

- Cam kết trong lĩnh vực phân phối, có một điều quy định là, các nhà phân phối nước ngoài muốn lập cơ sở phân phối bán lẻ thứ hai thì phải được xin phép để xem. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét tình hình phát triển của DN và nhu cầu thị trường như thế nào mới quyết định mở thêm các cơ sở tiếp theo.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta có thể cho nhiều nhà phân phối vào, nhưng không nên cho họ hình thành những chuỗi lớn. Chúng ta có quyền hạn chế việc mở thêm điểm bán lẻ, không nên cấp phép một cách ào ạt, phân phối lập nên thành chuỗi. Như vậy sẽ gây nên sự cạnh tranh rất khốc liệt. Tất nhiên chúng ta phải đưa ra các tiêu chí để đảm bảo tính minh bạch, không được tùy tiện. Tuỳ tiện rất dễ xảy ra không công bằng và cũng dễ xảy ra tham nhũng.

Vậy làm thế nào để hạn chế nhà đầu tư nước ngoài một cách hợp lý và không phạm luật?

- Về điều này, chúng ta phải xem nhu cầu bán lẻ trên địa bàn DN đề xuất mở địa điểm mới đó có thực sự cần thiết nữa không? Thứ hai là số DN hoạt động ở đó là bao nhiêu để bảo đảm phân phối nguồn lực cho hợp lý. Tránh việc trên một địa điểm có rất nhiều nhà bán lẻ, gây lãng phí, không cần thiết. Chúng ta cần xây dựng một quy hoạch bán lẻ trên cả nước, xác định trên tiêu chí mật độ dân cư, diện tích để xây dựng một vùng dân cư để có thể có một cơ sở bán lẻ...

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, chính tính cạnh tranh tạo nên áp lực cho các nhà bán lẻ để cải tiến chất lượng. Nếu như các nhà bán lẻ có trình độ tổ chức phân phối tốt như thì họ có thể liên kết rất tốt với sản xuất để giúp các nhà nông dân nuôi trồng các rau quả để bảo quản... Chúng ta phải nhìn ở hai mặt. Nếu các nhà phân phối Việt Nam chỉ quen bảo hộ không vươn lên thì đó là lỗi của họ. Cạnh tranh tạo ra áp lực buộc họ phải cải thiện. Chúng ta nhìn cạnh tranh ở hai mặt, chứ không phải chỉ nhìn ở khía cạnh là gây ra áp lực cho các nhà bán lẻ trong nước.

Nguồn: Vietnamnet


Tin khác