Thêm một dự án chăn nuôi bò chết yểu

17/10/2007

Những số báo trước, chúng tôi đã đề cập đến sự bất cập của ngành chăn nuôi bò, với những vấn đề "muôn thuở" đã được bàn nhiều nhưng giải quyết chưa triệt để. Trong khi đó, danh sách các dự án đầu tư chăn nuôi kém hiệu quả cứ kéo dài thêm. Tỉnh Điện Biên cũng góp vào danh sách ấy dự án cải tạo đàn bò triển khai từ năm 2003.

Thăng trầm số phận bò nhập ngoại

Dù Sở Nông nghiệp và PTNT không nhất trí với dự án thí điểm nuôi bò nhập ngoại chất lượng cao nhưng có lẽ do UBND tỉnh Lai Châu (cũ) quyết tâm thúc đẩy ngành chăn nuôi nên đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh ký hợp đồng mua bò giống với Công ty Novico (Hà Tây). Và thế là số phận 100 con bò Brahman từ Ôtxtrâylia xa xôi long đong đến tận bây giờ, chưa biết sống chết ra sao, chỉ biết chúng đang ngày càng còm cõi. Người trực tiếp nuôi nó chỉ biết làm công ăn lương, sáng chiều 2 bữa cho ăn, quét dọn 1 lần. Còn chủ trại thì kêu la “rầm trời” vì chi phí thức ăn, thuốc thú y, khấu hao chuồng trại,… lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Thậm chí, chủ trại đã tính chuyện trả bò cho tỉnh từ năm 2004 (tức là chỉ sau một năm triển khai dự án) nhưng bị từ chối vì người “khai sinh” dự án đã chuyển công tác. Những con bò Brahman “danh giá” là thế bây giờ gày mòn, ốm yếu chờ ngày lên “đoạn đầu đài”. Không một ai, dù trong hay ngoài ngành chăn nuôi, không khỏi xót xa khi nhìn đàn bò thuần nhập ngoại đứng nằm uể oải, giơ những chiếc xương to tướng với cái bụng lép kẹp đứng trong chuồng, đau đáu nhìn khách tham quan.

Vì đâu nên nỗi?

Ngày 19/3/2003, Chi cục Thú y ký hợp đồng với Công ty Novico mua 100 con bò giống Brahman thuần chủng. 20 con bò (19 con cái và 1 con đực) được giao cho huyện Phong Thổ (nay thuộc tỉnh Lai Châu). 80 con còn lại "vinh dự" được sống ngay trên mảnh đất anh hùng - Điện Biên. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, 20 con bò ở Phong Thổ biến thành... thịt bò. 80 con còn lại, trong đó có 40 con bò cái đang chửa được tỉnh giao cho Doanh nghiệp Xây dựng số 6 nuôi, 40 con còn lại giao cho ông Bùi Văn Quang. Đến nay, tổng đàn bò của 2 trại (tại C2 Thanh Yên) hiện có 124 con, chỉ tăng 44 con so với lúc ban đầu. Số bê bị chết chủ yếu do nhiễm bệnh ký sinh trùng đường máu.

20 con bò “ra đi” sớm đã đành, 80 con còn lại đang là vấn đề nan giải cho tỉnh, sở và những người liên quan. Tổng kinh phí từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 2 trại thực hiện dự án này là gần 1,65 tỷ đồng. Sau 4 năm triển khai, Sở Nông nghiệp và PTNT Điện Biên nhận định, các trại nhận bò thuần về nuôi đều chưa có đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính để đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của bò. Công ty Xây dựng số 6 tuy có tiềm lực về tài chính song thiếu hiểu biết kỹ thuật, trại ông Quang có kỹ thuật chuyên môn thì lại không có khả năng tài chính nên đàn bò phát triển kém, tỷ lệ sinh sản thấp, tỷ lệ mắc bệnh cao.

Sau nhiều lần họp bàn, UNBD tỉnh Điện Biên đã có công văn số 575/UBND-NN ngày 28/6/2007 và thông báo số 23/TB-UBND ngày 17/8/2007 về việc giải quyết dự án thí điểm chăn nuôi bò nhập ngoại. Theo đó, liên ngành Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường xây dựng tờ trình trình UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý tài chính cho 2 trại bò trên theo hướng: Thu hồi diện tích đất, tài sản, hoa màu, giao cho Trung tâm Phát triển chăn nuôi tiếp quản. Bồi thường hỗ trợ cho 2 trại về san ủi mặt bằng, vật kiến trúc, hoa màu,… (ước khoảng 1,4 tỷ đồng). Số bò hiện có cho 2 trại tự bán theo giá thị trường, tỉnh không thu hồi. Vậy là với số tiền đầu tư gần 2 tỷ đồng, cái tỉnh thu được là, lại “móc hầu bao” bù thêm mỗi trại khoảng hơn tỷ đồng để giải quyết hậu quả.

Thấy gì sau dự án bò đổ bể?

Chủ trương thúc đẩy ngành chăn nuôi của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) là đúng đắn bởi vùng đất này có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc nhai lại. Song tại sao, các dự án dù được đầu tư hoành tráng vẫn bị “chết yểu”? Có lẽ nguyên nhân lớn nhất là do phương thức tổ chức triển khai, thậm chí ngay cả khi bắt đầu lập dự án, tỉnh chưa khảo sát, xem xét kỹ lưỡng, chưa tính toán hết các rủi ro và phương pháp dự phòng. Nhập nuôi thử nghiệm một giống bò thịt cao sản của thế giới với một tỉnh chăn nuôi còn mang nặng tính tự cung tự cấp, giao thông khó khăn, địa hình chia cắt, trình độ kỹ thuật và quản lý giống còn nhiều bất cập như ở Điện Biên có vẻ như là điều “không tưởng”. Nhưng tỉnh vẫn mạnh tay nhập tới 100 con, trong khi đa số các tỉnh nếu nhập nuôi thử nghiệm chỉ “dám” nhập 20 - 50 con là cùng.

Nhập một con nuôi mới thì dễ nhưng để nó có thể tồn tại được lại không phải là điều đơn giản. Bài học về sự phát triển không theo quy hoạch, thiếu tính toán hợp lý, khoa học từ dự án cải tạo đàn bò ở Điện Biên sẽ luôn mới nếu chúng ta không biết thay đổi cách làm.

Đoàn Hạnh (Theo Kinh tế Nông thôn)


Tin khác