Cân bằng cán cân thương mại hậu WTO

15/10/2007

(AGROINFO) - Ngày 26 tháng 9 năm 2007, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế đã tổ chức hội thảo về thực hiện “Chương trình hành động của Bộ Công thương” nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 16/2007/NQ-CP về “Một số chủ trương, chính sách để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO”.

Đến tham dự hội thảo có Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương; Ông Lương Văn Tự, Nguyên thứ trưởng Bộ thương mại – Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế; Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ chiến lược Ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chiến lược Công nghiệp – Bộ Công Thương cùng các chuyên gia kinh tế đại diện cho các Bộ, ngành.

Tổng hợp ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, đại diện của các Bộ, ngành nhằm bổ sung và hoàn thiện bản dự thảo chương trình hành động tại bao gồm các điểm chính như sau:

• Cần lưu ý phạm vi của chương trình, phải tuân thủ theo 3 tiêu chí khi lên chương trình hành động tránh dàn trải, bao gồm: (i) là chủ trương, chính sách lớn; (ii) nhằm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững; và (iii) sau khi gia nhập WTO.

• Các chính sách công nghiệp phải nhằm mục tiêu tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn cho sản phẩm công nghiệp. Cạnh tranh sản phẩm công nghiệp gắn với sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp và của quốc gia. Xây dựng các tập đoàn vững mạnh cũng như xây dựng các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết lao động nông thôn.

• Phát triển xuất khẩu: đưa mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao hơn so với bản dự thảo (17,5%/năm giai đoạn 2006 - 2010) lên mức 19-20%/năm. Muốn vậy, ban soạn thảo cần phải xây dựng lại cơ cấu xuất khẩu, nhằm mục tiêu phấn đầu đến năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu 80 tỷ USD.

• Nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại: cần phải thay đổi phương thức phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

• Phấn đấu thu hẹp khoảng cách xuất khẩu – nhập khẩu tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2010. Cần xem xét các biện pháp giảm nhập khẩu mà WTO không cấm như áp dụng các biện pháp kiểm tra chất lượng, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để tăng cường sản xuất hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu.

• Xây dựng thương mại trong nước văn minh hiện đại, tiến tới phát triển thương mại trong nước đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Trong giai đoạn tới cần ưu tiên phát triển lĩnh vực dịch vụ, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 15 tỷ USD vào năm 2010.


Tin khác