Duy trì quy mô sản xuất nhỏ hay chuyển sang sản xuất lớn? – Ý kiến của một chuyên gia Trung Quốc

12/10/2007

Trong buổi trao đổi tại Hội nghị đoàn kết Nam – Nam về vấn đề nông nghiệp trong WTO, Giáo sư Wen Tiejun, Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Nhân dân, Bắc Kinh, đã có bài trình bày về vấn đề toàn cầu hóa, thương mại, và nông nghiệp, đặc biệt là đối với nước Trung Quốc. Kể từ khi đổi mới và mở cửa, nông nghiệp nông thôn Trung Quốc gặp phải nhiều vấn đề nan giải, trong đó có việc tích tụ ruộng đất. Việc tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa lớn, theo ông, là hướng đi không thành công. Bởi vì, việc tích tụ ruộng đất tại các nước Châu Âu diễn ra vào thời kỳ tiền công nghiệp, đó là hiện tượng cướp đất của nông dân. Sự kiện đã xảy ra trong thế kỷ 19. Còn hiện nay, điều đó khó có thể xảy ra đối với Việt Nam hay Trung Quốc dưới cơ chế thị trường. Việc duy trì sản xuất ở quy mô lớn chưa chắc đã thành công. Ví dụ như Braxin đã thực hiện mô hình trang trại quy mô lớn, 600 ha hoặc 800ha, nhưng vẫn phải đối mặt với vấn đề an ninh lương thực và bất bình đẳng. Còn tại các nước đang phát triển, đã có những thay đổi chính sách như giao đất cho các hộ gia đình, nên xuất hiện các hộ gia đình quy mô sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, nhờ có mô hình này mà các nước này lại tránh được nạn đói, không có nạn đói ở cấp quốc gia. Tại Thái Lan, khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, nhiều chủ trang trại lớn phải tự sát, nhưng những hộ nông dân quy mô nhỏ thì lại không bị ảnh hưởng. Do đó, hệ thống hộ gia đình quy mô nhỏ được coi là nền tảng tạo nên sự bền vững phục vụ sinh kế của người dân.

Ông cũng khuyến nghị rằng, nếu duy trì quy mô sản xuất nhỏ của hộ có thể giữ vững được an ninh lương thực thì chúng ta cần phải lựa chọn nên tích tụ ruộng đất hay duy trì các hộ nông dân quy mô nhỏ. Và chúng ta cũng đừng hy vọng các chuỗi siêu thị hay các công ty đa quốc gia có thể giải quyết được các vấn đề hiện tại đang nảy sinh. Tôi cho rằng chiến lược thích hợp cho phát triển nông thôn là xây dựng các Hợp tác xã quy tụ hộ nông dân thành lực lượng có vị thế mặc cả với Doanh nghiệp cung ứng vật tư hoặc Doanh nghiệp mua nông sản của nông dân để nông dân có thể thu được lợi ích và gia tăng được giá trị.

Từ đó, ông đưa ra một thông điệp rằng “trong thế kỷ 21, chúng ta phải có những giải pháp thay thế để có thể duy trì mà không làm phá hủy xã hội nông thôn, tận dụng các lao động nông thôn, hệ thống nông nghiệp truyền thống để tránh sự bất ổn. Do đó, chúng ta đừng cố gắng phá hủy hệ thống nông nghiệp truyền thống, hãy bảo vệ làng nghề truyền thống bằng nguồn lực hiện có để tránh vấn đề vốn hóa toàn cầu”.


Tin khác