Phẩm chất của phóng viên giỏi

04/10/2007

Nhiều phóng viên tự cảm thấy họ đứng trên xã hội. Tôi từng chứng kiến một "quan nhà báo" lớn tiếng trên một chuyến bay khi tiếp viên đến nhắc nhở chuyện ông này cư xử hơi quá đà do ma men. "Cô có biết tôi là ai không? Tôi là nhà báo," ông này lên giọng. Tôi ngồi cách đó mấy hàng ghế, và lúc ấy nếu có ai hỏi thì chắc không dám nhận mình làm nghề gì. Không ít đồng nghiệp của tôi cũng luôn tự huyễn hoặc rằng cái nghề báo cho phép họ "thét ra lửa." Một người bạn còn tâm sự rất chân thành rằng tôi nên học theo một số "hình mẫu" là "biết đánh ai và nương ai" để... tăng uy tín cho tòa soạn và nâng cao đời sống cho phóng viên, biên tập viên của tôi (?!).

 

Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nhà báo cũng là một nghề như bao nghề trong xã hội. Việc lợi dụng nghề nghiệp của mình để ra oai hoặc tìm kiếm lợi ích kinh tế thì đương nhiên là không nên, nhưng điều đầu tiên cần thiết là hãy nhìn nhận nó một cách hết sức bình thường nhưng phải ý thức được cái trách nhiệm xã hội hơi đặc biệt của nghề này.

 

Vai trò của phóng viên 

 

Phóng viên là những người giữ một trong những công việc quan trọng nhất trong bất cứ một xã hội nào. Hoàn cảnh làm việc của các phóng viên khác nhau tùy từng quốc gia. Tại một vài nước, chính phủ hay các chính đảng kiểm soát ngành truyền thông. Tại một số nước khác, các cá nhân hay công ty làm chủ. Tại nhiều nước, ngành truyền thông gồm cả hai loại.

 

Nhưng theo hai tác giả Peter Eng và Jeff Hodson trong cuốn "Cẩm nang viết tin" (Quỹ Tưởng niệm Báo chí Đông Dương phát hành) cho dù hoàn cảnh ra sao đi nữa, thì tất cả các nhà báo giỏi đều có cùng chung một mục đích cơ bản. Họ cung cấp cho người đọc những tin tức cần thiết để hiểu về thế giới chung quanh và để đi đến các quyết định trong đời. Người đọc dựa vào các phóng viên để biết tin tức về cộng đồng của họ, về chính phủ, hoạt động kinh doanh, thể thao, sức khỏe v,v... Với các tin tức đó, người đọc quyết định nên xem những gì trên truyền hình, ăn uống những gì, mua xe gắn máy loại gì, cho con cái đi học ở đâu, bỏ phiếu cho ai trong cuộc tuyển cử sắp tới, và hơn thế nữa.

 

Thỉnh thoảng, những tin này mang tính chất sống còn. Một chính trị gia Thái Lan cho rằng cơ quan dự báo thời tiết đã không kịp thời thông báo cho dân làng ở một tỉnh miền Bắc biết rằng sắp có bão, khiến cho 30 người bỏ mạng vì lụt. Theo ông, cơ quan dự báo thời tiết cần đến các phương tiện truyền thông để loan đi những tin tức của họ một cách nhanh chóng và hữu hiệu cho mọi người cùng biết. Vì nhiều người thường đọc hay nghe các tin của họ cho nên các phóng viên cần phải tỏ ra có trách nhiệm. Trách nhiệm đầu tiên của một phóng viên giỏi là trách nhiêm đối với người đọc.

 

Trong một cuộc hội thảo về tin tức, khi được hỏi: ‘vai trò của phóng viên là gì?’, các phóng viên Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào và Myanmar đã nêu những điểm chính sau:

- Tường thuật sự thật.

- Bắc cầu giữa chính phủ và người dân

- Thông báo cho người dân biết về các vấn đề mới

- Giáo dục, giải trí, giải thích

- Bảo vệ quyền lợi của người dân

 

Các phóng viên này đồng ý rằng công việc của họ là cho người dân biết tin tức chính xác và kịp thời. Họ cũng nói họ viết tin cho người đọc. 

 

Tầm quan trọng của độc giả

 

Rất nhiều phóng viên quên mất độc giả. Thay vào đó, họ viết bài để làm vừa lòng chủ biên hay nguồn cung cấp tin của họ, những người họ dựa vào để lấy tin viết bài, kể cả các viên chức chính phủ.

 

Nhiều phóng viên có hành động như vậy vì họ gặp chủ biên và những người cung cấp tin cho họ hàng ngày. Họ muốn làm vừa lòng những người này. Nhưng khi các phóng viên viết bài cho chủ biên và những người cung cấp tin, họ hay có thói quen đưa những chi tiết mà chỉ những giới này quan tâm đến. Nhiều độc giả không hiểu nổi bài của họ. Hoặc các bài viết của các phóng viên đó không có nghĩa lý gì đối với đời sống của bạn đọc.

 

Các phóng viên giỏi không bao giờ quên rằng họ viết cho ai. Một nhật báo có số phát hành lớn – chẳng hạn như báo Thai Rath tại Thái Lan – có nhiều loại độc giả, đó là các viên chức hàng đầu trong chính phủ, các thương gia giầu có, tài xế taxi, người bán hàng rong. Báo Thai Rath tường thuật về nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau. Các phóng viên của báo này cố gắng viết một cách rõ ràng và đơn giản để tất cả độc giả đều hiểu câu chuyện.

 

Mặt khác, các phóng viên của những tạp chí văn hóa phổ thông và giải trí – chẳng hạn như tờ Tuosanavadei Pracheaprey tại Campuchia – biết rằng nhiều độc giả của họ còn trẻ và để ý nhiều đến thời trang, âm nhạc và các ngôi sao màn ảnh. Vì thế họ chú trọng đến các đề tài này, và viết về các đề tài đó một cách dí dỏm. Họ không chú trọng đến chính trị hay chính phủ.

 

Các phóng viên giỏi biết rằng họ phải biết kể chuyện khéo. Nếu họ không trình bày các tin tức của họ một cách khéo léo thì người đọc sẽ không đọc bài của họ và có thể sẽ mua báo khác.

 

Phẩm chất của phóng viên giỏi

 

Theo các ý kiến tại cuộc hội thảo kể trên, một phóng viên giỏi cần có những phẩm chất sau:

- Đặt nhiều câu hỏi

- Biết cân đối và công bằng

- Đáng tin cậy và có trách nhiệm với độc giả

- Lấy tin từ nhiều nguồn tin và kiểm chứng các tin của họ

- Chân thật và không đánh cắp tin của các phương tiện truyền thông khác

 

Tất cả các ý kiến này đều đúng.

 

Các phóng viên giỏi cũng đều có tính tò mò. Họ luôn luôn muốn biết sự việc xoay vần ra sao, và lúc nào cũng theo dõi tin tức. Họ để ý quan sát. Họ nhận ra những điểm khác thường trên đường phố mà những người khác không để ý. Họ biết lắng nghe, nhưng nghe một cách thận trọng. Họ không chấp nhận một điều gì đó là đúng chỉ vì giới chức chính quyền nói là đúng. Họ độc lập. Họ không để cho những người khác lợi dụng họ vào lợi ích riêng. Họ tìm biết cả hai mặt của vấn đề và kiểm tra lại xem tin của họ có thực sự chính xác hay không.

 

Các phóng viên giỏi rất có kỷ luật: Họ không để cho mình bị mất tập trung để có thể viết xong bài kịp với kỳ hạn. Khi gặp khó khăn, họ không bỏ cuộc mà tìm cách khác để biết sự thật. Họ chỉ viết về sự thật vì đó là điều độc giả của họ muốn biết và cần biết; họ không đưa ý kiến riêng vào trong bài.

 

Nhiều phóng viên giỏi cũng rất có lòng thương người. Họ khó chịu khi thấy người này áp bức người kia. Họ cảm nhận những thống khổ của những người khác và hiểu những vấn đề của người khác. Họ muốn viết về những vấn đề đó để thế giới biết đến và có biện pháp giải quyết./.

Tin khác