10 thủ thuật để bài báo có hình thức hấp dẫn

28/09/2007

Nếu bạn là một phóng viên ít chú ý tới việc trình bày báo và không hứng thú tham gia vào quy trình này thì bạn hãy lưu ý rằng sẽ có nhiều người đọc và nhớ bài báo của bạn nếu nó được trình bày một cách bắt mắt. Dưới đây là 10 lời khuyên dành cho phóng viên muốn có những bài báo có hình thức hấp dẫn và dễ hiểu.

1. Đặt mình vào vị trí của độc giả

Trước khi bắt đầu viết hoặc biên tập, bạn hãy tự hỏi: “Nếu mình là độc giả, điểm nào trong bài viết này mình muốn được nhìn thấy thay vì được kể bằng lời?” Đó có thể là một bức ảnh hoặc hình minh họa, nhưng thông thường thì chỉ cần một đoạn tách riêng khỏi bài với một thông tin hấp dẫn độc giả ngay từ cái nhìn lướt.

2. Sớm và luôn lập kế hoạch

Hầu như mọi tin bài đều có tiềm năng trình bày đồ họa. Nhưng nhiều bài báo không được trình bày bằng hình ảnh do không đủ thời gian. Bí quyết ở đây là cần bàn bạc với những người có liên quan càng sớm càng tốt. Hãy hỏi ý kiến họ ngay từ khi bài viết mới ở giai đoạn manh nha. Có thể họ chưa bắt đầu sáng tạo hình ảnh cho đến khi bạn chính thức bật đèn xanh, nhưng ít nhất thì họ đã có thể bắt đầu nghĩ về nó.

3. Lập nhóm làm việc

Nếu là một bài báo quan trọng, hãy mời phóng viên ảnh hoặc họa sỹ đồ họa tham gia từ đầu. Mục đích không phải là cử họ đi cùng để ghi lại hình ảnh các sự kiện bạn đang đưa tin mà là để tự họ thu thập thông tin bằng hình ảnh có thể phụ trợ và củng cố các thông tin bạn viết thay vì nhắc lại chúng.

4. Luôn nghĩ tới đồ họa

Sự kiện xảy ra ở đâu, diễn biến như thế nào, ai đóng vai trò quan trọng? Đối với bất cứ tin bài nào bạn viết hoặc hiệu đính, hãy tính đến khả năng có thể dùng biểu đồ, đồ thị, bản đồ chỉ dẫn hoặc các hình thức đồ họa khác.

5. Đem tư liệu về cho các họa sỹ thiết kế và mỹ thuật

Tên và số điện thoại của các nguồn tin. Một bản vẽ nháp về địa điểm hoặc quá trình sự kiện xảy ra. Ảnh nguyên liệu (của nguồn tin cho mượn hoặc tặng) có thể sử dụng thành đồ họa trong thiết kế. Thậm chí ngay cả những báo cáo tổng kết năm cũng có thể được các hoạ sỹ thiết kế và mỹ thuật quan tâm.

6. Tìm hiểu cách đưa tin của các tờ báo khác

Khi đang thu thập thông tin, hãy ghi chép lại nếu bạn thấy một tờ báo khác cũng đưa tin về cùng một vấn đề và đăng cả ảnh. Hãy báo cho biên tập viên mỹ thuật hoặc phòng ảnh và gợi ý rằng họ gọi điện cho cơ quan báo chí đó để xin một bản sao của các hình ảnh.

7. Đừng lãng phí thời gian của phóng viên ảnh và họa sỹ

Nếu bạn đang viết một bài báo về một họa sỹ địa phương chuyên vẽ ký họa, hãy hỏi mượn tác phẩm của họ. Có thể dễ dàng quét và số hóa những tác phẩm này. Bạn sẽ tiết kiệm được phim và thời gian, cũng như những phiền nhiễu khi phải yêu cầu một phóng viên ảnh tới chụp lại các tác phẩm này.

8. Quan tâm tới công việc của phóng viên ảnh và họa sỹ

Điều quan trọng là bạn phải sớm biết được liệu hình ảnh và bài viết có ăn nhập không. Đừng để tới phút chót lại buộc bộ phận dàn trang phải thay đổi. Hãy kiểm tra và xem các hình ảnh có phù hợp với bài không và chỉ ra những điểm bạn cho rằng cần phải chỉnh sửa.

9. Đừng can thiệp quá sâu

Bạn có thể hỏi “Cho tôi xem bản bông của bài chân dung ông thị trưởng được không?” và cũng có thể yêu cầu “Có thể chụp ảnh ông thị trưởng ngồi trên chiếc xe đạp một bánh trên nóc tòa nhà văn phòng của ông với mái tóc bay trong gió cho thấy ông là một người vô tư được không?” Nhưng một phóng viên ảnh cần phải có thời gian để biến ý tưởng thành hình ảnh. Đừng coi anh ta như một công nhân sản xuất.

10. Kéo họa sỹ thiết kế hoặc biên tập viên nội dung vào cuộc

Cần phải xây dựng mối quan hệ tốt với các phóng viên ảnh và họa sỹ mỹ thuật. Nhưng mọi nỗ lực phối hợp giữa những người này sẽ vô ích nếu bạn không cho người phụ trách việc dàn trang biết điều gì đang xảy ra. Hãy kéo họ vào cuộc càng sớm càng tốt.


Tin khác