Thử nghiệm liên kết sản xuất lúa xuất khẩu thành công ở Thái Bình

08/09/2007

Vốn là tỉnh trọng điểm về sản xuất lúa gạo của vùng đồng bằng sông Hồng, với những thuận lợi về đặc điểm đất đai, khí hậu, địa hình, trong những năm qua, sản xuất lúa ở Thái Bình tiếp tục duy trì về sản lượng, nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng và thử nghiệm thành công mô hình sản xuất lúa hàng hoá, bước đầu tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Từ năm 2001 đến nay, mặc dù diện tích gieo trồng lúa cả năm giảm từ 168.000 ha năm 2001 xuống còn 163.000 ha năm 2006, song nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học trong sản xuất đã giúp ổn định năng suất lúa đạt bình quân 120 tạ/ha/năm. Riêng năm 2006 năng suất lúa đạt 130 tạ/ha, sản lượng lúa cả năm đạt ổn định ở mức 1 triệu tấn thóc, tương đương với khoảng 750.000 tấn gạo chế biến.

Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 cơ sở xay xát lúa gạo, trên 5000 cơ sở chế biến gạo chủ yếu ở quy mô hộ, phần lớn là phục vụ cho nhu cầu tại chỗ cho nông dân. Trong tổng sản lượng lương thực sản xuất, trên 400.000 tấn được sử dụng cho nhu cầu lương thực hàng ngày, chăn nuôi nông hộ, giống, gối vụ cho 1,8 triệu dân của Thái Bình.

Ngoài ra, Thái Bình mới có 1 số cơ sở có quy mô chế biến tương đối lớn, như Công ty cổ phần lương thực Thái Đan với công suất 27000 tấn/năm, Công ty cổ phần lương thực Lam Sơn với công suất 50-60000 tấn/năm, Công ty cổ phần lương thực sông Hồng và một số cơ sở tư nhân có công suất trên dưới 10000 tấn/năm. Đây là lực lượng nòng cốt có thể giúp cải thiện sản xuất, nâng cao phẩm chất gạo Thái Bình, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gạo của các khu đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc đang có xu hướng yêu cầu ngày một cao về chất lượng.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thái Bình, sản xuất và tiêu thụ xuất khẩu gạo sang Đài Loan, Trung Quốc chủ yếu do doanh nghiệp chủ động ký kết hợp đồng với nông dân, sản xuất lúa Indica (một giống lúa hạt bầu tròn), với quy mô từ 100-150 ha/năm với mỗi loại giống lúa. Mặc dù quy mô xuất khẩu chưa lớn, nhưng đây là bước đi rất mới, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp lương thực Thái Bình, trong bối cảnh sản xuất lúa hàng hoá xuất khẩu chưa phát triển ở đồng bằng Sông Hồng nói chung.

Năm 2005, với thế mạnh sở hữu dây chuyền sản xuất chế biến hiện đại, Công ty cổ phần lương thực Thái Đan đã nhận được yêu cầu hợp tác sản xuất lúa nếp với một đối tác của Đài Loan. Đến thời điểm tháng 8 năm 2007, là vụ thứ tư liên tiếp Công ty cổ phần lương thực Thái Đan ký hợp đồng với nông dân thông qua Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Tân-Đông Hưng cấy lúa nếp xuất khẩu cho Đài Loan. Năm 2007, kết quả thu hoạch đạt hiệu quả cao, từ 100-150 hạt/bông, năng suất đạt 200 kg/sào (1 sào=360m2), sản lượng thu hoạch khoảng 60 tấn/năm. Gạo nguyên liệu được đưa vào xay xát, lau bóng, sàng lọc tách hạt, tách màu, nên gạo thành phẩm xuất khẩu đã đạt đồng đều về màu, kích cỡ hạt, đạt 5% tấm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của phía Đài Loan. Bên cạnh đó, công ty cũng đã ký kết được các hợp đồng xuất khẩu gạo lứt với số lượng 1 vạn tấn sang Đài Loan qua cảng Hải Phòng.

Tuy nhiên, công ty cũng gặp không ít khó khăn từ khâu nguyên liệu đầu vào, diện tích đất canh tác lúa của hộ còn manh mún, quy mô dự trữ gạo thấp, thiếu vốn… Liên tục trong hai năm vừa qua 2006-2007, vụ thu hoạch rộ đúng vào thời điểm Việt Nam đã ký đủ hợp đồng xuất khẩu gạo theo chỉ tiêu xuất khẩu gạo cả năm, vì vậy không có cơ hội xuất khẩu. Trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lúa gạo Việt Nam đang có cơ hội tiếp cận thị trường Đài Loan một cách chính thức. Việc triển khai tốt mô hình liên kết sản xuất lúa xuất khẩu của Thái Đan được xem như hoạt động tìm hiểu và nghiên cứu thị trường để tạo uy tín, lòng tin từ khía khách hàng.

Trong thời gian tới, để mở rộng thị trường xuất khẩu lúa gạo sang Đài Loan, doanh nghiệp lương thực Thái Bình phát triển mô hình liên kết sản xuất dọc, kết nối chặt chẽ từ nông dân-khâu sản xuất- đến doanh nghiệp- khâu chế biến và gắn với thị trườngmạnh hơn mô hình tổ chức sản xuất lúa gạo công ty Thái Đan nói riêng, và chắc chắn sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu để sản xuất cũng như chính sách khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu giống gạo nếp đặc sản này.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp &PTNT Thái Bình,  năm 2007, Thái Bình đã xây dựng quy hoạch vùng lúa chất lượng cao trên tổng diện tích 2 vụ khoảng 44.000 ha, với sản lượng dự kiến 253.000 ha, tập trung  tại huyện Tiền Hải với diện tích 11.000 ha và huyện Đông Hưng với 10.000 ha. Để bắt đầu triển khai dự án đầu tư vùng lúa chất lượng cao, từ vụ lúa xuân năm 2008, tỉnh Thái Bình đã chọn vùng thí điểm ở huyện Tiền Hải chọn 1-3 xã liền kề với diện tích 800-1.000 ha, huyện Đông Hưng chọn 1-3 xã liện kề với diện tích 600-700 ha.

Tổng quan sản xuất lúa gạo Thái Bình

Thái Bình là 1 tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, có khí hậu nhiệt đới ẩm. Nhiệt độ trung bình từ 22-23 độ C. Một năm tỉnh Thái Bình trồng 2 vụ lúa chính: vụ đông xuân từ 20/1 – 15/6; vụ mùa từ 21/6 – 30/9

Diện tích: khoảng 1.536 km2

Dân số: 1,8 triệu người (năm 2006). Mật độ dân số: 1000 người/km2. 90% dân số sống ở nông thôn.

Diện tích đất nông nghiệp: 103.700 ha, đất trồng cây hàng năm 91.424 ha

Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người 500m2/người

GDP nông nghiệp chiếm 50% tổng GDP tỉnh

Diện tích lúa năm 2001 là 168.000 ha. Năm 2007: 163.000 ha.

Năng suất lúa bình quân đạt 123 tạ/ha. Năm 2007, năng suất bình quân đạt 130 tạ/hecta/năm.

Sản lượng lương thực: xấp xỉ 1 triệu tấn/năm.Số lao động ra ngoài tỉnh làm: khoảng 150.000 người (năm 2007, tăng 20% so với 2006). Giá thuê lao động làm nông nghiệp trong tỉnh: trung bình 50.000 VND/1 sào (360m2).

Cơ giới hoá: 90% trong khâu làm đất; 100% trong khâu xay xát, tuốt lúa

Toàn tỉnh có khoảng 7.500 cơ sở chế biến lúa gạo

Một số doanh nghiệp quy mô lớn trong ngành hàng lúa gạo Thái Bình

Công ty cổ phần lương thực sông Hồng, đơn vị thành viên Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc

Công ty cổ phần lương thực Thái Đan

Công ty  cổ phần lương thực Lam Sơn

Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình

(Một phần bài viết đã được đăng tải trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản)


Phạm Hoàng Ngân (Agroinfo/Ipsard)

Tin khác