CAS: Học viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc
CCAP: Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc
ASS: Học viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc
NHỮNG NGÀY ĐẦU KHÓ KHĂN
Tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Nông lâm UPI, Philipin năm 1990, trở về nước Huang công tác ở Viện Kinh tế Nông nghiệp thuộc Học Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp (CAAS) , thuộc Bộ Nông nghiệp. Giai đoạn 1992-95, Huang sang làm nghiên cứu cho Viện lúa Quốc tế IRRI, Philippin, trường đại học Stanford, Mỹ và Viện Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) ở Washington DC. Tham gia các hoạt động nghiên cứu ở các Viện và trường danh tiếng đã giúp Huang học hỏi rất nhiều về cơ chế quản lý hiệu quả, những phương pháp phân tích hiện đại, công cụ hữu hiệu hỗ trợ ra quyết định chính sách. Huang nhận thấy những mô hình kinh tế với nhiều kịch bản, lựa chọn chính sách và dự báo sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách có cơ sở khoa học để đưa ra các lựa chọn sát với thực tiễn và có cơ sở khoa học.
Là một người đã nhiều năm làm việc trong hệ thống nghiên cứu trong nước và quốc tế Huang thấu hiểu một khoảng cách về nghiên cứu giữa trong nước và quốc tế. Một điều có vẻ nghịch lý là những chuyên gia nước ngoài đến làm nghiên cứu về Trung Quốc mang theo những kỹ năng phân tích hiện đại thường đưa ra những gợi ý chính sách hợp lý hơn cả những chuyên gia trong nước. Tuy nhiên các chuyên gia này chỉ đến theo thời vụ, theo những đơn đặt hàng của các tổ chức quốc tế hay các chương trình. Hết thời hạn họ lại rời Trung Quốc và trở về nước. Rõ ràng những nghiên cứu như vậy không hẳn xuất phát từ bản thân yêu cầu của thực tiễn, của nhu cầu phát triển, hay đáp ứng những bức xúc mà Chính phủ đang đặt ra. Ý tưởng về xây dựng một mô hình nghiên cứu quy chuẩn quốc tế ngay trên đất Trung Quốc, do chính người Trung Quốc thực hiện bắt đầu nhen nhóm trong Huang.
Năm 1995, được sự chấp thuận của Học viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc (CAS), Huang đã thành lập và trở thành giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc (CCAP). Trong thời gian này nhờ có cuộc hội ngộ với Linxiu Zhang, phó giám đốc CCAP, ý tưởng của Huang về phát triển một viện nghiên cứu độc lập ngày càng được nung nấu. Huang đến từ Hàng Châu và Linxiu Bắc Kinh. Một người tu nghiệp từ Mỹ về và một người từ Anh về đều có chung quyết tâm muốn tập hợp lực lượng xây dựng một cách thức làm khoa học kiểu mới, một mô hình nghiên cứu khác với những gì đã và đang hoạt động ở Trung Quốc.
!!
Tuy nhiên cả hai nhận thấy dưới cơ chế cứng nhắc, bó buộc của CAS những ý tưởng về một mô hình nghiên cứu mới không thể trở thành hiện thực. Có 3 lý do cơ bản ngăn cản CCAP phát triển:
• Ở các viện thuộc CAS, người điều hành không có toàn quyền trong lựa chọn tuyển dụng, không có quyền sa thải cán bộ yếu kém.
• Các viện của CAAS hiện còn tồn tại một lực lượng cán bộ năng lực kém, dư thừa trở thành gánh nặng cho ngân sách nghiên cứu.
• Ngoài ra cơ chế quản lý quan liêu đã cản trở công tác nghiên cứu. Ví dụ, để có hoạt động nghiên cứu hợp tác với quốc tế các thủ tục đệ trình lên các cấp để phê chuẩn mất rất nhiều thời gian.
Được sự ủng hộ của một số lãnh đạo của Học viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (ASS), năm 2000 Huang đã chuyển sang ASS. Huang cùng với các đồng nghiệp trẻ chuyển sang ASS và thành lập một trung mới vẫn mang tên cũ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc (CCAP). Trong khi đó Linxiu vẫn chưa rời được CAS để sang chung sức cùng Huang. Lúc này Linxiu làm phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Nông nghiệp của CAAS. Phải hơn một năm sau Linxin mới chuyển sang CCAP.
Những ngày đầu Huang và Linxin đã phải tốn rất nhiều công sức để gây dựng cơ sở vật chất và con người. Linxiu kể lại “thậm chí Huang đã phải bỏ tiền túi ra để mua sắm các trang thiết bị cho Trung tâm”. Trung tâm đã thực sự cất cánh khi được quỹ FORD tài trợ 200 ngàn USD. Đây không phải là một khoản tiền lớn song cho phép Huang có nguồn vốn đầu tư vào phát triển con người nhắm tới một tương lai dài hơi. Chỉ hơn hai năm sau CCAP đã trở thành một viện nghiên cứu chính sách nổi tiếng trong nước và quốc tế, hoàn thành các nghiên cứu động đến các chủ đề quan trọng như doanh nghiệp Hương Trấn, hội nhập WTO, cung cầu gạo, nước cho sản xuất nông nghiệp...Trong các hội thảo trong nước cũng như quốc tế lớn về Trung Quốc thính giả luôn có ấn tượng về một diễn giả có cặp kính trắng dày, dáng người nhỏ gầy nhưng có một giọng nói tự tin và những ý tưởng sắc bén. Đó chính là JiKun Huang, giám đốc CCAP. Đối với trong nước, CCAP trở thành một địa chỉ tin cậy để các nhà hoạch định chính sách tìm đến những kết quả phân tích, dự báo, các lựa chọn chính sách và chiến lược cho đất nước. Đối với nước ngoài, CCAP trở thành một đối tác chiến lược trong hoạt động nghiên cứu. CCAP đã trở thành nơi tiếp nhận những dự án viện trợ nghiên cứu quốc tế để hỗ trợ cho các nhu cầu hoạch định chiến lược, chính sách của các cơ quan Chính phủ Trung Quốc.
CƠ CHẾ GỌN NHẸ, HIỆU QUẢ
Những năm qua nền kinh tế Trung Quốc đã thực hiện những bước chuyển mình mạnh mẽ từ kế hoạch sang vận hành theo cơ chế thị trường. Các hoạt động sản xuất kinh doanh về cơ bản đã hoạt động dựa trên tín hiệu thị trường và ngày càng sôi động đặc biệt là ở các khu vực đô thị. Tuy nhiên bộ máy hành chính vẫn còn khá trì trệ, đi sau thực tiễn và nhiều khi trở thành rào cản của thực tiễn. Như vậy vô hình chung ở Trung Quốc tồn tại hai hệ thống đối lập nhau, một bên là khu vực kinh doanh bên ngoài thu nhập cao, năng động và một bên là cơ quan nhà nước thu nhập thấp, trì trệ. Kết quả là những sinh viên trẻ có năng lực, có ý chí vươn lên tốt nghiệp bị hút vào các hoạt động kinh doanh chỉ còn lại những sinh viên năng lực yếu, an phận thủ thường vào các cơ quan Nhà nước. Xu hướng này ngày càng gây ra những hậu quả tiêu cực và là một nghịch lý.
Trong bộ máy nhà nước, khu vực nghiên cứu lại là nơi bảo thủ và chậm đổi mới nhất. Bộ máy nghiên cứu phình to, nhiều cán bộ kiến thức cũ, quen với nếp tư duy cũ nên khi chuyển sang cơ chế thị trường, đòi hỏi ứng dụng phương pháp nghiên cứu mới, công nghệ hiện đại, đã không còn thích hợp, làm việc không hiệu quả . Ở rất nhiều viện nghiên cứu của Trung Quốc, cơ chế cũ như hệ thống lương bổng thấp, chế độ công chức suốt đời đã không kích thích người làm nghiên cứu có động lực để phát huy tài năng, công tác nghiên cứu dựa trên phân bổ hơn là đấu thầu, các sản phẩm nghiên cứu làm ra không có khả năng áp dụng cao, chưa đi theo sát những yêu cầu thực tiễn và hỗ trợ các công tác hoạch định chiến lược và chính sách quốc gia, điều hành vĩ mô, trợ giúp thị trường hoạt động thông suốt.
Trong bối cảnh như vậy, CCAP của ASS là đơn vị nghiên cứu tiên phong của Trung Quốc áp dụng một hệ thống nghiên cứu cạnh tranh. Trong ASS, CCAP không cần bất cứ một sự giúp đỡ tài chính nào từ Chính phủ, kể cả lương bổng và các khoản phúc lợi, tuy nhiên đổi lại Huang có được các điều kiện thuận lợi về quản lý và hoạt động tài chính:
3 điều kiện hoạt động giúp trung tâm có một cơ chế độc lập, mềm dẻo, gọn nhẹ và hoạt động hiệu quả
• Giám đốc có toàn quyền trong công tác tuyển dụng cán bộ nghiên cứu, bổ nhiệm cũng như cách chức cán bộ, sắp xếp các phòng ban và phương hướng nghiên cứu của Trung tâm.
• Trung tâm có quyền thiết lập các quan hệ trực tiếp với các tổ chức quốc tế. Khi có các hoạt động hợp tác quốc tế như nghiên cứu, đào tạo... CAAP không phải trình các thủ tục cho ASS.
• CAAP có quyền chủ động trong cơ chế tài chính. CAAP không phải chịu sự giám sát của ASS về sử dụng các nguồn tài chính và cơ chế lương bổng và các khoản thưởng.
Về cơ cấu tổ chức CCAP có 7 bộ phận nghiên cứu và 3 bộ phận hỗ trợ chỉ với 13 tiến sỹ và 5 thạc sỹ là thành viên chính thức còn lại hoạt động theo hình thức liên kết. Việc tuyển dụng cán bộ của Trung tâm phải dựa trên nhu cầu và tính cạnh tranh thực tế tại Trung tâm. Có hai uỷ ban tư vấn quốc tế và trong nước tư vấn về các quyết định quan trọng cho sự phát triển của CCAP như tuyển dụng cán bộ, tăng lương, lập kế hoạch chiến lược. Tuy nhiên giám đốc của CCAP là người quyết định cuối cùng đối với mọi chính sách lớn. Các phòng ban của CCAP không cứng nhắc, dập khuôn theo những kế hoạch phát triển định trước mà hết sức mềm dẻo, chủ động thay đổi theo nhu cầu phát triển.
Tuy tổng số cán bộ nghiên cứu chính của CCAP chỉ vẻn vẹn dưới 20 người nhưng hoạt động rất hiệu quả. Chỉ trong vòng hơn 5 năm, CCAP đã xuất bản một số lượng lớn các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế: có 87 bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế và 169 bài nghiên cứu trên tạp chí trong nước; 17 cuốn sách xuất bản.
Giúp việc và phối hợp với các tiến sỹ đóng vai trò nghiên cứu viên đầu đàn là hàng chục nghiên cứu sinh, sinh viên công tác ở Trung tâm từ vài tháng đến một năm dưới dạng vừa học vừa làm. Họ là các tài năng được chọn lọc, có khả năng nghiên cứu và học tập tốt. Trung tâm cấp học bổng, trả lương khá cao cho đội ngũ trợ giúp nghiên cứu này và coi họ như cán bộ của mình.
!!
KẾT NỐI NGHIÊN CỨU VÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH
Chiến lược nghiên cứu của CCAP là phân tích và đưa ra các dự báo về kinh tế vĩ mô, thương mại, phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc, cung cấp thông tin thích hợp, kịp thời cho các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách. Chiến lược nghiên cứu nhắm vào những mục tiêu:
• Thực hiện nghiên cứu và phân tích chính sách thực tiễn và kịp thời;
• Tạo ra một môi trường mở và sáng tạo cho các cuộc tranh luận chính sách; và
• Xây dựng năng lực nghiên cứu và đào tạo thế hệ nghiên cứu tương lai của Trung Quốc.
Những cuộc thảo luận mở cũng là một trong những chiến lược chính của CCAP để khuấy động môi trường tranh luận học thuật và chính trị. CCAP đã mở đều đặn một loạt các diễn đàn tranh luận chính sách và được coi là hình thức chuyển tải và truyền đạt những khám phá nghiên cứu quan trọng thành các thông tin có ý nghĩa dành cho các nhà hoạch định chính sách.
Sau 5 năm nỗ lực hoạt động, CCAP đã và đang nổi lên là một trong những địa chỉ tư vấn và tham khảo chính sách uy tín mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc quan tâm. Qua từng thời kỳ, rất nhiều ban, ngành cấp cao của Đảng và chính phủ tham khảo kiến nghị của CCAP. Hiện nay, Trung tâm đang là một trong những nơi tư vấn chính sách chính cho Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Kế hoạch Phát triển Nhà nước, Vụ Thống kê Nhà nước, và một số cơ quan trung ương dưới Hội đồng Nhà nước, Bộ Thuỷ lợi, Nhóm lãnh đạo Xoá đói giảm nghèo. Các nhà lãnh đạo chính quyền các cấp, các địa phương thường xuyên trao đổi ý kiến tư vấn của các cán bộ CCAP.
CÁC NGUYÊN TẮC ĐỂ THÀNH CÔNG
Vậy đâu là các nguyên nhân dẫn đến sự thành công của CCAP? Cô LinXiu nói với chúng tôi rằng những yếu tố làm nền tảng cho CCAP là tạo nên một mạng lưới nghiên cứu rộng, huy động sức sáng tạo của tri thức, đầu tư vào con người, và tạo một cơ chế về thu nhập đảm bảo động lực cho chuyên gia dồn tâm lực vào công tác nghiên cứu.
Liên kết và huy động các nguồn lực vào công tác nghiên cứu
Tuy số lượng cán bộ nghiên cứu ít nhưng CCAP đã áp dụng một phương thức làm việc hiệu quả là liên kết và huy động mọi nguồn lực vào công tác nghiên cứu. Khi có các hoạt động nghiên cứu lớn, CAAP sẽ ký hợp đồng ngắn hạn với các chuyên gia, và các sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường. Các sinh viên và nghiên cứu sinh được huy động vào các hoạt động nghiên cứu, cùng với các chuyên gia xuống địa phương điều tra, thu thập số liệu, nhập số liệu và chạy mô hình dự báo. Các hoạt động này giúp cho lực lượng trẻ có kinh nghiệm thực tiễn, gắn nghiên cứu thực tiễn với đề tài tốt nghiệp, mặt khác cũng tạo thu nhập cho họ. Sau những hoạt động như vậy, sinh viên tốt nghiệp trưởng thành lên rất nhiều, có thể vào làm ở các viện nghiên cứu mà không phải qua giai đoạn thử việc hay làm quen với công việc.
Cơ chế huy động mạng lưới nghiên cứu của CCAP
Sự công khai cởi mở về thông tin, công nghệ, công việc khuyến khích các cán bộ chuyên môn học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kiến thức để có thể tham gia phối hợp thực hiện những qui trình công nghệ nghiên cứu phức tạp có liên quan đến nhiều đơn vị, nhiều địa phương.
Chế độ lương bổng
Trung Quốc có hàng trăm ngàn nhân tài được cử ra nước ngoài học tập. Trước đây, 80-90% các nhà khoa học sau khi tốt nghiệp thường ở lại làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, với các chính sách chiêu hiền đãi sĩ mới, tỷ lệ cán bộ trở về nước công tác đã cao hơn đáng kể. Trở ngại chính gây nên tình trạng chảy chất xám nghiêm trọng ở Trung Quốc là mức thu nhập quá chênh lệch trong và ngoài nước, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, điều kiện sống, cản trở thông tin khó khăn hợp tác và giao tiếp quốc tế. Trong các cuộc tiếp xúc với các tầng lớp cán bộ thuộc cơ quan nhà nước và kinh doanh cho thấy một thực tế ở Trung Quốc đang tồn tại một khoảng cách khá lớn giữa thu nhập ở khu vực Nhà nước và kinh doanh bên ngoài mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực cải cách hệ thống tiền lương. Thông thường ở Bắc Kinh, lương của cán bộ làm Nhà nước trung bình ở mức 600 USD/tháng, chưa kể các khoản phúc lợi khác như bảo hiểm, tiền hỗ trợ thuê nhà, còn ở khu vực kinh doanh lương ở mức trên dưới 1000 USD/tháng. Chế độ đãi ngộc ủa CCAP đã mở ra giải pháp mới, xoá đi khoảng cách giữa làm việc trong Nhà nước và ngoài thị trường, giữa làm việc trong nước và làm ở nước ngoài, tạo động lực đưa người Trung Hoa giỏi về phục vụ nước nhà, gắn công nghệ quốc tế với thực tiễn trong nước.
!!
THAY CHO LỜI KẾT
CCAP của Trung Quốc là một mô hình có một số điểm tương đồng với Viện Chiến lược Công nghệ (KIST) của Hàn Quốc về cơ chế tổ chức, và tạo chất lượng quốc tế. Tuy nhiên có điểm khác biệt căn bản về sự hình thành giữa hai mô hình. Trong những năm 60 và 70, một tham vọng hiện đại hoá bắt kịp Nhật Bản khiến tổng thống Park Chung Hy đã đề ra nhiều chương trình phát triển lớn, trong đó có chương trình phát triển khoa học công nghệ. Để phát triển công nghệ thì cần phải có bộ máy nghiên cứu mạnh và hiện đại. Tổng thống Park đã phải dùng nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế cũng như đôi khi là mệnh lệnh hành chính để xây dựng và phát triển KIST, biến một viện nghiên cứu thành cơ quan đầu não hỗ trợ chiến lược công nghệ quốc gia, đây là một quá trình mang tính áp đặt "từ trên xuống". Còn CCAP là sáng kiến hình thành "từ dưới lên" được trên tạo điều kiện ủng hộ, xuất phát từ nhu cầu phát triển của thực tiễn. Chính những đòi hỏi của quá trình phát triển đã đẻ ra CCAP và tạo nên một quá trình “phá rào” đổi mới.
Những người như Huang có rất nhiều trong các Viện nghiên cứu hay các cơ quan hành chính sự nghiệp ở Trung Quốc. Sau khi tu nghiệp nước ngoài về họ có hai lựa chọn. Ở lại các viện nghiên cứu hoặc đi làm cho các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên ở trong các cơ quan nhà nước, dưới cơ chế bó buộc và còn nhiều cản trở, năng lực của họ không được phát huy hết, không đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển đất nước. Đi làm cho các tổ chức quốc tế, tuy hưởng đời sống cao nhưng chỉ làm các dự án hay chương trình dưới sự chỉ đạo và ý tưởng của bên ngoài, không đóng góp hiệu quả cho các nhu cầu thiết thân của thực tế, hỗ trợ công cuộc hoạch định chính sách quốc gia. Trong khi nhu cầu nghiên cứu phục vụ phát triển rất lớn song khả năng đáp ứng lại thiếu và lãng phí. Nếu như thập kỷ 80 chứng kiến sự phá rào của nông dân làm nên sự kiện khoán hộ vĩ đại, mở ra đổi mới của kinh tế Trung Quốc, và thập kỷ 90 chứng kiến sự phá rào của tiểu chủ làm nên phong trào công nghiệp Hưng trấn, những năm đầu của thế kỷ 21 này có lẽ sẽ chứng kiến sự vượt rào mới của đội ngũ nhân tài trẻ, làm nên cuộc Cách mạng Khoa học công nghệ, đưa Trung Quốc bước vào cửa ngõ của nền kinh tế tri thức.
LTS: Những tư liệu cho bài viết này được thu thập thông qua chuyến đi khảo sát các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc vào năm 2003. Đã 3 năm trôi qua nhưng CCAP vẫn năng động và phát triển mạnh mẽ. Năm 2005, tôi sang Viện Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) ở Washington DC, một viện nghiên cứu hàng đầu về chính sách nông nghiệp cho các nước đang phát triển, và ngạc nhiên nhận thấy CCAP có những nhân viên sang đây làm việc hàng năm trời, như một nhân viên của IFPRI thực thụ, hàng ngày tiếp cận chuyên gia và công nghệ theo hình thức “vừa học vừa làm”. Ở Viện nghiên cứu này, cũng như các tổ chức quốc tế khác người Trung Quốc đang ngày càng chiếm vị trí áp đảo về số lượng và nấc thang quyền lực. Một quá trình đang diễn ra không chỉ là sự tiếp nhận kiến thức quốc tế mà còn theo chiều ngược lại dần gây ảnh hưởng đến cách thức và định hướng của các tổ chức này. Về người đã xây dựng nên CCAP TS Jikun Huang, cá nhân tôi đã biết tên tuổi của anh từ lâu trong các dịp hội thảo quốc tế ở Philippin, Bangkok, Seoul hay ở tại Hà Nội. Năm ngoái, anh có tham dự hội thảo ở khách sạn Sofitel Hà Nội, sau đó chúng tôi có mời anh bữa ăn tối thân mật. Buối tối hôm đó thật vui vì những câu chuyện chân tình về học thuật và những ý kiến về sự phát triển bền vững của Trung Quốc. Anh nói rằng có một kỷ niệm đáng nhớ, trong một cuộc hội nghị giữa chính phủ do thủ tướng đương nhiệm lúc đó Chu Dung Cơ chủ trì và giới khoa học về phát triển nông nghiệp Trung Quốc, anh đã đứng lên bảo vệ quan điểm riêng về chiến lược phát triển thuỷ lợi, mặc dù quan điểm của anh đi ngược lại với thủ tướng. Nhưng sau đó quan điểm này của anh đã được chấp thuận. Đó là bản lĩnh của nhà khoa học điều làm chúng tôi nể trọng anh hơn.