Khoản vốn vay, tín dụng ưu đãi và viện trợ không hoàn lại này bao gồm 54 dự án - 36 IBRD/IDA, 1 dự án tài chính đặc biệt, 7 dự án dùng vốn của Quỹ Môi trường toàn cầu, và 5 dự án dùng Quỹ tín thác nhiều nhà tài trợ.
Con số này, cao hơn năm ngoái 600 triệu USD, cho thấy phần lớn các nước trong khu vực có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Theo ông Jim Adams, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, bên cạnh việc giúp đỡ các chính phủ xóa đói nghèo, Ngân hàng Thế giới tại khu vực cũng tăng cường hỗ trợ các dự án nhằm giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu và nhu cầu năng lượng sạch ngày càng tăng. Ông Adams nói, phần lớn các nước trong khu vực Đông Á đang ở giai đoạn phát triển với nhu cầu sử dụng năng lượng lớn. Với tốc độ tăng trưởng cao của khu vực, hỗ trợ về tài chính và kĩ thuật của Ngân hàng Thế giới cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với nỗ lực của các nước trong việc bảo vệ môi trường trong khi tạo ra các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn. Gần 15% các khoản vay cho khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong năm 2007 nhằm cải thiện quản lý môi trường và nguồn lực tự nhiên, và chúng tôi đang muốn nhân rộng những thành công này – đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng.
Trung Quốc tiếp tục là nước vay lớn nhất từ Ngân hàng Thế giới trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, với tổng các khoản vay lên tới 1,6 tỉ USD trong năm tài khóa 2007 – chiếm 41% tổng số tiền Ngân hàng Thế giới cho vay cho toàn bộ khu vực. Phần lớn tài chính (khoảng 60%) được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị - bao gồm đường, nước và vệ sinh – cải tạo sông ngòi và môi trường rừng, và xây dựng các hệ thống giao thông tốt hơn (với Việt Nam, con số này là 711 triệu USD).
Các khoản cam kết của Ngân hàng Thế giới đến từ nhiều nguồn. Cơ quan bảo lãnh đầu tư đa phương – MIGA – đã cấp bảo lãnh đầu tư để hỗ trợ năm dự án của Trung Quốc và bốn dự án hỗ trợ kĩ thuật cho toàn vùng. Bảo lãnh đầu tư của MIGA đến cuối năm tài khóa 2007 có trị giá 437,8 tỉ USD.
Trong năm 2007, bộ phận phụ trách khu vực tư nhân của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cũng hỗ trợ phát triển năng lượng sạch và sử dụng hiệu quả năng lượng cho Trung Quốc, đầu tư vào thị trường tài chính và chứng khoán ở Lào và hỗ trợ Ngân hàng Thương mại Viêng chăn cải thiện dịch vụ cho khu vực tư nhân, và hợp tác với Ngân hàng Phát triển của Đức KfW cung cấp tín dụng nhỏ cho 5 triệu doanh nghiệp vi mô và hộ gia đình trong toàn khu vực.
Bộ phận phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh vào việc tăng cường xây dựng thể chế công. Một khoản vay chính sách phát triển trị giá 600 triệu USD đã được cấp cho Indonesia để giúp chính phủ đẩy mạnh cải tổ trong các lĩnh vực quản lý tài chính công và quản lý điều hành, cải thiện môi trường đầu tư và cung cấp dịch vụ cho người nghèo. Một khoản vay tương tự trị giá 250 triệu USD cũng được cấp cho Philipines để giúp nước này giảm nợ công thông qua xây dựng một hệ thống thuế tốt hơn.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã thông qua một chiến lược năm năm mới tập trung vào những cải cách tiếp theo để cải thiện tính cạnh tranh quốc gia và đẩy mạnh hội nhập với nền kinh tế thế giới, trong khi cũng chú ý đến nhu cầu cần quản lý điều hành tốt, một hệ thống bảo vệ xã hội hiện đại, quản lý môi trường tốt hơn và cơ sở hạ tầng được cải thiện.
Các chính phủ trong khu vực cũng đã có những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo thông qua các chiến lược tăng trưởng có hỗ trợ người nghèo. Số người nghèo trong khu vực (sống dưới mức 2 USD/ngày) đã giảm thêm 25 triệu người, và số người cực nghèo (dưới 1 USD/ngày) giảm từ 8,1% tổng dân số năm 2005 xuống 7,6% tổng dân số năm 2006.