Kinh nghiệm chuyển đổi của Viện Nghiên cứu Nấm ăn Côn Minh

02/10/2007

Viện Nghiên cứu Nấm ăn Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) là đơn vị nghiên cứu hàng đầu về nấm ở Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của Viện là bảo tồn nguồn gen nấm ăn, khai thác những giống nấm mới, làm sạch các giống nấm, lựa chọn giống nấm, kiểm định chất lượng các sản phẩm nấm ăn...

Viện đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó hàng chục đề tài đã được nhận các giải thưởng cấp tỉnh và quốc gia, như: “Nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật mới cho sản phẩm nấm ăn Vân Nam”, “Nghiên cứu nguồn sinh chất phôi nấm và bảo vệ các loài nấm hoang dã”, “Nghiên cứu kỹ thuật bảo quản, chứa và vận chuyển nấm”...

Với chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu theo hướng ứng dụng và nhanh chóng thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, sau 12 năm thực hiện cơ chế tự chủ (từ năm 1995), Viện không chỉ đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho trên 100 cán bộ mà còn không ngừng mở rộng quy mô.

Đến thăm Viện, chúng tôi được tham quan cơ ngơi gồm toà nhà 6 tầng - vừa là trụ sợ Viện, vừa là nơi lắp đặt thiết bị nghiên cứu, thăm cơ sở sản xuất, chế biến sâu (công nghệ cao) để sản xuất sản phẩm nấm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu… và đã có cuộc trò chuyện ngắn với Viện trưởng Quế Mỹ Anh về những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động theo cơ chế tự chủ.

Xin bà giới thiệu đôi nét về Viện Nghiên cứu Nấm ăn Côn Minh, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện cơ chế tự chủ?

ở Trung Quốc, hiện có hai loại hình viện nghiên cứu: Một là, các viện nghiên cứu phục vụ cho lợi ích công cộng. Những viện này được Nhà nước tài trợ kinh phí và quản lý chặt chẽ để có thể phát triển mạnh và tham gia đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Hai là, các viện nghiên cứu - triển khai trực tiếp đóng góp vào nền kinh tế. Những viện này phải đăng ký với ngành công thương để hoạt động như một doanh nghiệp. Viện chúng tôi thuộc dạng thứ 2, mặc dù được thành lập cách đây 29 năm nhưng chúng tôi bắt đầu đi vào tự chủ từ năm 1995. Hiện nay, chúng tôi có 5 đơn vị trực thuộc là: Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia về Nấm ăn, Trung tâm Kiểm tra Chất lượng Nấm, Trung tâm Chế biến và Bảo quản Nấm ăn, Trung tâm Đào tạo Lựa chọn Giống nấm và 1 tạp chí. Chúng tôi phải tự chủ, tự hạch toán để đảm bảo đời sống cho trên 100 cán bộ. Ngoài việc thực hiện các đề tài/dự án nghiên cứu qua đấu thầu được từ Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thương mại, chúng tôi chú trọng khâu nghiên cứu phục vụ sản xuất, thương mại hoá sản phẩm nấm của Vân Nam, đồng thời đẩy mạnh khâu dịch vụ liên quan đến nấm nói chung. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng thêm 5 xưởng sản xuất, mở rộng thêm chủng loại sản phẩm để xâm nhập mạnh hơn vào thị trường bán lẻ nội địa, đặc biệt là tại các siêu thị.

Trong quá trình tự chủ, Viện nghiên cứu do bà phụ trách cũng như nhiều đơn vị nghiên cứu - triển khai khác ở Trung Quốc đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ phía Chính phủ?

Chính phủ Trung Quốc có rất nhiều những ưu đãi và hướng dẫn dành cho chúng tôi. Những ưu đãi này có thể tập hợp thành một cuốn sách dày (cười). Bản thân chúng tôi khi “ra ở riêng” cũng có một cơ sở vật chất tốt. Đây là tiền đề để chúng tôi đi vào hoạt động trong cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, tôi cho rằng chính sách ưu đãi lớn hay nhỏ, phát huy hiệu quả nhiều hay ít phụ thuộc vào cách vận dụng của chính các đối tượng được hưởng ưu đãi. Để được thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân mỗi đơn vị phải tự chứng minh được sức mạnh của mình bằng các dự án khả thi và sự lớn mạnh trong thực tế. Nếu Nhà nước thấy anh mạnh, có tác dụng thì chắc chắn sẽ giúp đỡ, còn nếu anh không mạnh lên, không tự phấn đấu thì sẽ rất khó có cơ hội để tồn tại. Hơn nữa, ưu đãi chỉ là những chính sách trên văn bản, anh phải vận dụng vào thực tế thì mới có thể đem lại lợi ích. Bản thân anh không vận động, không cố gắng làm cho mình mạnh lên thì các chính sách ưu đãi cũng không có giá trị gì đối với anh cả.

Thực tế cho thấy Viện Nghiên cứu Nấm ăn Côn Minh đã đi đúng hướng, vậy bí quyết ở đây là gì và theo bà đâu là điều kiện quyết định giúp các viện nghiên cứu triển khai có thể tự chủ và phát triển tốt?

Là đơn vị nghiên cứu - triển khai nên khó khăn đầu tiên mà chúng tôi phải giải quyết là sự tồn tại của Viện và đời sống vật chất, tinh thần của các cán bộ trong Viện. Do đó, trong định hướng nghiên cứu chung của Viện, yếu tố thực dụng là trọng điểm. Mọi kết quả nghiên cứu phải có tác dụng phát triển sản phẩm, tăng cường sự phục vụ đối với các cơ sở sản xuất. Cơ chế tự chủ buộc mỗi cán bộ của chúng tôi phải nỗ lực hết mình, nói nôm na là mỗi chúng tôi “ai cũng phải làm ra tiền”. Bản thân tôi cũng luôn phải đặt mục tiêu cao nhất là làm sao lôi cuốn được toàn Viện vào quá trình sản nghiệp hoá, làm sao để Viện không những đứng vững mà phải liên tục tạo nên những giá trị kinh tế lớn hơn.

Tôi cho rằng, để các viện nghiên cứu - triển khai có thể tự chủ và phát triển cần có 2 điều kiện tiên quyết là: Kinh tế và nhân tài. Bên cạnh đó, Nhà nước phải tạo điều kiện để họ trở thành doanh nghiệp thực thụ vì doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu là hai loại hình hoàn toàn khác nhau. Tôi xin lấy ví dụ với chiếc kính hiển vi. Đây là thiết bị không thể thiếu đối với các viện nghiên cứu, nhưng đối với doanh nghiệp nếu sử dụng, quản lý không tốt sẽ là sự lãng phí, tổn thất.

Việt Nam cũng đang thực hiện lộ trình tự chủ đối với các viện nghiên cứu công lập, vậy từ kinh nghiệm của mình, bà có góp ý gì để giúp chúng tôi?

Theo tôi, các bạn phải coi đây là một vấn đề lớn, bởi sự thay đổi này sẽ mang tính hệ thống, có rất nhiều hệ quả đi kèm. Để làm tốt việc này phải có những điều kiện vật chất nhất định và chính sách đồng bộ. Nếu thực hiện tốt việc đổi mới, các thể chế mới sẽ giúp thúc đẩy phát triển nền khoa học và cả nền kinh tế. Nếu thực hiện không tốt, sẽ gây tác dụng ngược lại đối với bản thân nền khoa học với các biểu hiện như phản ứng trong giới khoa học và nguy hiểm hơn là sự nhiệt tình, hăng hái lao động sáng tạo của những người làm khoa học sẽ bị giảm sút (dù hậu quả này không nhìn thấy ngay). Nếu vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, chúng ta sẽ thiếu một lực lượng quan trọng - đó là các nhà khoa học. Muốn thành công, chính sách mới cần phải quan tâm cả hai yếu tố kinh tế và tinh thần. Chính vì vậy, tôi xin nhắc lại, quá trình cải cách cần phải hệ thống, thận trọng, chi tiết, phải quan tâm cả hai yếu tố vật chất và tinh thần.

Bà đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác với Việt Nam?

Vân Nam là tỉnh giáp với Việt Nam, nhưng điều kiện sinh thái và tài nguyên của hai bên lại không hoàn toàn giống nhau. Do đó, chúng ta phải hợp tác theo hướng bổ sung, hỗ trợ cho nhau. ưu thế của chúng tôi trong ngành công nghiệp nấm ăn là sản xuất và nhân giống, kỹ thuật trồng trọt, bảo quản... Trong khi đó Việt Nam có lợi thế về nguyên liệu để nuôi trồng nấm, nhiều giống nấm quý phát triển tốt ở Việt Nam... Cơ hội hợp tác giữa hai bên là rất lớn và tôi mong trong thời gian ngắn tới đây chúng ta sẽ chứng minh được điều này.

Xin trân trọng cảm ơn bà!


Tin khác