Hiệp hội Chè Việt Nam trên con đường phát triển – Bài phỏng vấn Ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng thư ký Hiệp hội

08/10/2007

Trong khuôn khổ nghiên cứu “Thực trạng giải pháp về tổ chức và hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam”, ngày 13/9/2007, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Đình Long làm trưởng đoàn đã có buổi trao đổi và thảo luận với Ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu: Xin Ông giới thiệu qua những nét chính về quá trình ra đời và phát triển cũng như cơ cấu tổ chức của Hiệp hội Chè Việt Nam?

Ông Nguyễn Tấn Phong: Hiệp hội Chè Việt Nam được thành lập ngày 28/1/1988. Đây là Hiệp hội đầu tiên trong cả nước. Ý tưởng ban đầu là thành lập Liên đòan xuất nhập khẩu Chè Việt Nam, nhưng sau này đổi tên thành Hiệp hội Chè Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1988-2001, Hiệp hội với Tổng công ty Chè là một, do đó tiếng nói của Hiệp hội cũng chính là tiếng nói của Tổng công ty. Nhưng từ sau năm 2001, Hiệp hội đã tách ra khỏi và đứng độc lập với Tổng Công ty Chè Việt Nam.

Về tổ chức lãnh đạo, phần lớn lãnh đạo Hiệp hội là người đã cao tuổi, đến tuổi về hưu hoặc kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Số lượng ủy viên chấp hành là 48 ủy viên và Ban thường vụ có 13 người.

Về trung tâm, hiện nay Hiệp hội có các trung tâm về xúc tiến thương mại, đào tạo, chế biến và công nghệ cao, giống, và thông tin. Mỗi trung tâm này đều có 1-2 cán bộ chuyên trách nhưng hoạt động của mỗi trung tâm này còn rất yếu. Ngoài ra Hiệp hội còn có 1 công ty đầu tư phát triển thương mại. Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Về hội viên, đến nay Hiệp hội đã thu hút được 140 hội viên, chủ yếu là công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại chè. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp ngoài ngành (như phân bón, thuốc trừ sâu,..) và 1 số hội viên danh dự (chủ yếu là các nhà khoa học).

Nhóm nghiên cứu: Xin Ông cho biết những hoạt động chính của Hiệp hội trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Tấn Phong: một số hoạt động chính của Hiệp hội hiện nay là thông tin, xúc tiến thương mại, tổ chức cho các hội viên tham dự các khóa đào tạo của VCCI, tổ chức hội nghị - hội thảo, phản biện cho đề án chè cà phê, tư vấn cho người nước ngoài. Hiệp hội cũng có những chuẩn bị văn bản, chính sách như chính sách phát triển chè, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sản xuất, xuất khẩu chè Việt Nam giai đoạn 1999-2000 và 2000 – 2010, và nội dụng về vệ sinh an toàn thực phẩm trong tiêu dùng và sản xuất chè. Ngoài ra, Hiệp hội đã có đề nghị với Nhà nước về việc chuyển giao dịch vụ công như C/O (chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ) cho Hiệp hội làm nhưng mấy năm nay vẫn không thấy có ý kiến nào.

Nhóm nghiên cứu: Theo Ông đánh giá, hoạt động thông tin là một trong những hoạt động Hiệp hội làm tốt, đều đặn và lâu dài. Vậy xin Ông nói rõ thêm về hoạt động thông tin của Hiệp hội?

Ông Nguyễn Tấn Phong: Cho đến nay, hoạt động trung tâm thông tin chủ yếu là tạp chí được phát hành hàng tháng, còn mảng hoạt động website do trung tâm xúc tiến thương mại thực hiện. Nhóm thực hiện tạp chí bao gồm tổng biên tập, phó tổng biên tập thường trực, phó tổng biên tập, thư ký tòa soạn, và 2 phóng viên. Số lượng phát hành là 1500 cuốn/1 số. Tuy nhiên, hiện nay tạp chí có một số nội dung về lĩnh vực văn hóa, và thơ văn mà tôi cho rằng còn chưa phù hợp. Theo tôi, tạp chí nên tập trung vào một số nội dung chính như kinh tế, khoa học kỹ thuật về chè và văn hóa chè (có thể là những bài viết ký sự về chè). Trong đó, tạp chí cần phải đưa nhiều các thông tin về giá cả, thị trường và những quảng cáo nhỏ.

Nhóm nghiên cứu: Trong quá trình nghiên cứu, trao đổi với các Hiệp hội khác, nhiều ý kiến cho rằng mô hình quản lý của Hiệp hội vẫn còn mang nặng tính hành chính, mô hình tổ chức chưa thống nhất, còn về phía Nhà nước cũng chưa giao nhiều lĩnh vực hoạt động dịnh vụ công cho Hiệp hội. Do đó, trong thời gian tới, các Hiệp hội cần phải thay đổi thực sự và hình thành các trung tâm thật mạnh. Còn về phía Nhà nước cần phải thay đổi tư duy, giao 1 số hoạt động dịch vụ công như C/O cho Hiệp hội. Vậy, theo anh trong thời gian tới Hiệp hội nên như thế nào?

Ông Nguyễn Tấn Phong: Về phía Nhà nước, (i) cần sớm ban hành luật về hội, Hiệp hội của các nước khi thành lập không phải qua Bộ quản lý nào cả mà chỉ cần đăng ký với tòa án; (ii) cần chuyển giao một số hoạt động dịch vụ công như C/O, chất lượng, các chương trình nghiên cứu cho Hiệp hội; (iii) nên mở trường đào tạo cho cán bộ Hiệp hội, có thể là chính quy hoặc không chính quy nhưng cần phải có hệ thống đào tạo.

Về phía Hiệp hội, cần phải tham mưu cho Nhà nước về chiến lược, mục tiêu phát triển và phải làm được các dịch vụ sau; (i) Nghiên cứu & Phát triển về khoa học công nghệ, giống, chế biến; (ii) các dịch vụ phát triển liên quan đến các khâu phát triển sản xuất; (iii) dịch vụ truyền thông thông tin (website)

Về phía Hội viên, cũng cần thực hiện trách nhiệm của mình như đóng hội phí đầy đủ, tuân thủ các nghị quyết của Hiệp hội.

Nhóm nghiên cứu: hội viên được coi là sức mạnh của Hiệp hội, vậy xin Ông cho biết, Hiệp hội có chiến lược về phát triển quy mô hội viên không?

Ông Nguyễn Tấn Phong: Hiện nay Hiệp hội có 10 chi hội ở các tỉnh. Bắt đầu từ năm 2007, Hiệp hội có giao chỉ tiêu cho từng chi hội thực hiện thu hút các doanh nghiệp tham gia vào Hiệp hội.

Nhóm nghiên cứu: Xin chân thành cảm ơn Ông!


Tin khác