Hội nghị đoàn kết Nam – Nam, Nông nghiệp trong WTO

10/10/2007

Ngày 24/9/2007, tại nhà khách Bộ Quốc phòng đã diễn ra Hội nghị đoàn kết Nam - Nam với chủ đề về nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập WTO. Tới tham dự hội nghị là các chuyên gia kinh tế của Việt Nam và nhiều nước như Srilanka, Malaysia, Zimbawa,Trung Quốc nhằm mục tiêu thảo luận những vấn đề nóng hổi và những thách thức đặt ra cho các nước đang phát triển.

Tại các nước Châu Phi, nổi cộm lên là vấn đề sở hữu đất đai, thương mại bất bình đẳng trong WTO. 50% dân số Châu Phi sống phụ thuộc và đất đai nông nghiệp. Nông nghiệp là cuộc sống của họ nhưng đất đai của nông dân đang bị lấy dần và đang ngày càng bị thu hẹp do sự xâm nhập và mở rộng của các công ty đa quốc gia. Các yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất, giá cũng bị các công ty đa quốc gia chi phối, kiểm soát. Một câu hỏi được đặt ra là “Làm thế nào để cho những người nông dân nắm được quyền kiểm soát đối với hoạt động sản xuất của họ”. Các nước phát triển đang áp dụng những chính sách trợ cấp trong nông nghiệp làm bóp méo thị trường. Nếu các nước phát triển không loại bỏ những trợ cấp này thì thương mại công bằng không thể có được. Một chuyên gia đến từ nước Zimbawa, Ông Thomas, cho rằng hội nhập WTO dẫn đến khả năng mất sinh kết của người nông dân, do đó cần phải tăng cường chính sách của Chính phủ để giúp người nông dân đảm bảo sinh kế, tăng cường đa dạng hóa sinh kế, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt là đối với các nước Châu Phi.

Tại Việt Nam, theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nông nghiệp VN đạt được thành tựu về xuất khẩu và tăng trưởng. Tuy nhiên, nông thôn Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như năng lực cạnh tranh kém, quy mô hộ nông dân nhỏ, cơ sở hạ tầng yếu và các dịch vụ công cho người nông dân cũng rất yếu kém. Do đó, trong thời gian tới, một mặt Chính phủ cần thay đổi cơ cấu nông thôn chuyển sang phát triển dịch vụ, tăng cường nghiên cứu trong nông nghiệp, mặt khác, đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực nông thôn để họ tự đưa ra quyết định cho hoạt động sản xuất của mình. Và hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ từng bước xây dựng mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo và người dễ bị tổn thương.

Tin khác