Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10/10/2007

Những năm gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu tốc độ đô thị hóa, tại nhiều vùng nông thôn, Nhà nước tiến hành thu hồi đất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu xây dựng các khu công nghiệp, chế xuất và đô thị. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình CNH, HÐH đất nước. Tuy nhiên, từ đây cũng nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc ở địa phương; trong đó có vấn đề việc làm của những lao động sau khi bị thu hồi đất.

Bạn đọc Tấn Phát (Bà Rịa - Vũng Tàu): Những năm qua Chương trình đào tạo nghề ngắn hạn đã được các địa phương quan tâm. Chương trình này nhằm hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các đối tượng ở nông thôn là các hộ bị thu hồi đất canh tác, xã đặc biệt khó khăn, lao động nữ chưa có việc làm, vùng chuyên canh có nhu cầu chuyển đổi nghề. Thực tế cho thấy, sau khi được học nghề, nhiều lao động nông thôn đã tìm được việc làm phù hợp, ứng dụng kiến thức bổ ích vào thực tiễn sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy vậy, vẫn còn một số vùng, địa phương do tốc độ đô thị hóa cao, số lao động nhàn rỗi nhiều, nhưng chưa được quan tâm đào tạo nghề. Nhiều thanh niên, thiếu niên đổ xô về thành phố tìm việc làm gây sức ép dân số, gia tăng tệ nạn xã hội.

Bạn đọc Nguyễn Quang (Hải Dương): Vấn đề việc làm càng trở nên bức xúc với lao động nông thôn bởi khi hội nhập kinh tế quốc tế, lao động nông thôn do ít quan tâm năng lực cạnh tranh đã không chuẩn bị đầy đủ kiến thức và điều kiện về trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật để thích ứng trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Theo số liệu của ngành chức năng, chỉ có gần 30% số lao động bị thu hồi đất nông nghiệp tốt nghiệp phổ thông và 15% số lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp hoặc học nghề trở lên. Nhiều hộ đói nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi sẽ phải đối mặt với khó khăn, thách thức khi có những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế và cơ chế lưu thông hàng hóa. Việc làm cho lao động nông thôn thiếu, người lao động phải đi tìm các công việc khác thay thế hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Bạn đọc Hồng Hải (Bắc Ninh) Trong quá trình thu hồi đất canh tác nông nghiệp, nhiều địa phương chưa gắn công tác quy hoạch với hỗ trợ tái định cư, nhất là đào tạo nghề cho người lao động. Việc bồi thường cho các hộ bị thu hồi đất lại chủ yếu thực hiện dưới hình thức trả tiền mà chưa có cơ chế, giải pháp kịp thời và hiệu quả để tạo việc làm, ổn định đời sống cho họ. Vì vậy, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đang là vấn đề bức xúc ở nhiều vùng chuyển đổi đất.

Ðể khắc phục tình trạng này, chính quyền cơ sở các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp, có định hướng quy hoạch về chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm từ dự án dạy nghề cho lao động nông thôn. Nắm chắc tình hình nguồn lao động và cơ cấu việc làm ở vùng chuyển đổi để có biện pháp, đề án hỗ trợ tái định cư, xây dựng và phát triển các HTX dịch vụ hoặc doanh nghiệp nhỏ tại vùng bị thu hồi đất.

(Nguồn: Nhân Dân)


Tin khác