Cơ chế "xin-cho" vẫn còn nặng nề trong nghiên cứu khoa học

19/09/2007

.... Các nhà khoa học phải “nói dối” để có được một khoản kinh phí hợp lý, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu. Đây là “việc cực chẳng đã” và là một trong những bất cập của việc cấp kinh phí nghiên cứu khoa học hiện nay.

Những bất cập và cơ chế "xin-cho"...

Hằng năm hoặc một thời kỳ vài ba năm, Nhà nước (Bộ KH & CN và các ngành) đều đưa ra một số hướng nghiên cứu ưu tiên. Đây là cơ sở để các nhà khoa học đề xuất những đề tài cụ thể. Cùng với việc đề xuất đề tài nghiên cứu, họ cần phải xây dựng đề cương và dự toán kinh phí đề tài. Như vậy, về mặt nguyên tắc, việc xin cấp kinh phí nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân các nhà khoa học sẽ phụ thuộc vào việc đề cương và dự toán có được chấp nhận hay không.

PGS.TS Phạm Trung Lương
PGS.TS Phạm Trung Lương đã tham gia nghiên cứu khoa học từ những năm 1978 tại Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam, và từ năm 1995 tại Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch. Ông từng chủ trì đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Cơ sở khoa học và các giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” năm 2000 – 2002. Ngoài ra, ông còn chủ trì và tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu trong các Chương trình nghiên cứu KHCN cấp Nhà nước và đề tài nghiên cứu cấp ngành, như “Ứng dụng kỹ thuật viễn thám trong điều tra nghiên cứu biển” thuộc chương trình điều tra nghiên cứu Biển cấp Nhà nước 48-B (1986 – 1990), “Nghiên cứu sử dụng tư liệu viễn thám thành lập bản đồ trường nhiệt bề mặt nước biển” thuộc chương trình Biển cấp Nhà nước KT-03 (1991 – 1995)

Mặc dù vậy, những quy định này còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, tiền công tác phí, tiền lưu trú, tiền thuê nhân công… theo quy định còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Điều này buộc các nhà khoa học phải “nói dối” để có được một khoản kinh phí hợp lý, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu. Đây là “việc cực chẳng đã” và là một trong những bất cập của việc cấp kinh phí nghiên cứu khoa học hiện nay.

Ngoài ra, việc xét duyệt kinh phí phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết về mặt chuyên môn của các thành viên trong “hội đồng xét duyệt đề cương, dự toán”. Trong thực tế, các thành viên này đôi khi chỉ có những hiểu biết chung, mà còn thiếu những hiểu biết chuyên sâu, cũng như các thông tin về những nghiên cứu có liên quan. Vì vậy, việc xem xét các nội dung cần giải quyết thường không đầy đủ. Điều đó dẫn đến tình trạng kinh phí được duyệt chưa đáp ứng hết nhu cầu nghiên cứu đặt ra.

Một khó khăn khác là hiện vẫn còn tồn tại tiêu cực trong quá trình đấu thầu và duyệt cấp kinh phí nghiên cứu. Về mặt hình thức và quy trình thì hình như ít có gì để bàn vì hình như mọi cái vẫn đúng. Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp Hội đồng xét duyệt đề cương, dự toán đề nghị cấp kinh phí thực hiện đề tài (thường vẫn thấp hơn so với nhu cầu thực), song nếu không có sự “quan tâm” của đơn vị/cá nhân nhà khoa học thực hiện đề tài thì kinh phí được “duyệt” cấp sẽ thấp hơn và ngược lại.

Trong một số trường hợp, kinh phí duyệt cấp thường đã được ấn định theo ý chí chủ quan của cấp có thẩm quyền mà ít/hoặc không quan tâm đến nhu cầu thực.

Những vấn đề nêu trên có thể được xem là hệ quả của cơ chế “xin-cho” vẫn còn nặng trong tư tưởng các nhà quản lý bên cạnh một số bất cập trong quy trình duyệt cấp kinh phí nghiên cứu.

Kinh phí: Ngấm ngầm bị lãng phí...

Triển lãm thành tựu nghiên cứu khoa học ở Viện Công nghệ Thông tin. Ảnh mang tính minh họa. Nguồn (www.ioit.ac.vn)

Có thể khẳng định là đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam (những người làm khoa học thật) đã có rất nhiều cố gắng và cho ra nhiều sản phẩm khoa học có giá trị và về lý thuyết và thực tiễn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của không ít các đề tài chưa thực sự phục vụ hoặc đáp ứng những nhu cầu bức xúc của cuộc sống. Vì thế, kinh phí cấp cho nghiên cứu chưa được sử dụng thực sự có hiệu quả như mong muốn. Đấy là một thực tế. Tại sao có tình trạng như vậy?

Thứ nhất, như đã nói ở trên, từ góc độ tài chính, dự toán được phê duyệt chưa hẳn đã phù hợp với yêu cầu nghiên cứu thực tế. Vì thế, kinh phí được cấp thường là không đủ để có được những sản phẩm hay kết quả có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn mặc dù “đề bài” đặt ra là rõ ràng. Như vậy dù kinh phí được cấp “được quản lý” chặt song việc sử dụng chúng lại không đem lại hiệu quả như mong muốn. Đây cũng được xem là một sự lãng phí mà nguyên nhân xuất phát từ khâu “xét duyệt”

Thứ hai, kinh phí được cấp quá dư thừa đối với những đề tài có “sự ưu ái”. Do vậy, kinh phí bị tiêu xài một cách lãng phí, các kết quả đạt được không “xứng tầm” với kinh phí Nhà nước bỏ ra. Đó cũng chính là việc sử dụng chưa có hiệu quả nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân của tình trạng này là tình trạng “tiêu cực” trong xét duyệt và cấp phát kinh phí nghiên cứu.

Thứ ba, từ góc độ kết quả nghiên cứu, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng kinh phí cấp cho nghiên cứu là những “đơn đặt hàng” của các cấp quản lý đề xuất còn chưa gắn được hoặc còn ít gắn với những vấn đề thực tiễn hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, từ những bức xúc của doanh nghiệp.

Thứ tư, trong không ít các trường hợp, các kết quả nghiên cứu thực sự tốt, được đánh giá cao, song việc phổ biến đến người sử dụng còn rất hạn chế. Đáng buồn hơn là trong nhiều trường hợp “người sử dụng” chính là các nhà quản lý lại rất thờ ơ, “lười đọc” những kết quả mà lẽ ra họ rất cần nắm bắt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu bị hạn chế.

Ở góc độ khác, công bằng mà nói thì đúng là trong thực tế còn tồn tại những “nhà khoa học” với “vỏ” học vị song không hề có năng lực nghiên cứu. Lý do phổ biến hiện nay được các cơ quan quản lý chấp nhận các vị này làm chủ trì nghiên cứu một đề tài nào đó chỉ đơn giản vì “nhà khoa học” đó đứng đầu cơ quan/tổ chức nghiên cứu. Như vậy vô hình trung chính các cơ quan quản lý khoa học đã góp phần tạo ra tình trạng trên.

Để khắc phục tình trạng này cần thiết phải đặt ra tiêu chí cụ thể khi lựa chọn nhà khoa học có trình độ và năng lực tổ chức thực hiện để các nhà quản lý yên tâm “đầu tư” theo đề xuất của họ thông qua một hội đồng có đủ năng lực.

Hiện có nhiều nhà khoa học có tâm huyết và có trình độ, song cơ hội để được cấp kinh phí nghiên cứu là rất thấp. Nghĩa là, bên cạnh "tài năng" (làm được việc), nhà khoa học cũng cần phải "thực tế" nếu muốn có được kinh phí nghiên cứu ! Đấy là một thực tế đáng buồn...

Lối ra nào?

Phòng thí nghiệm nuôi cấy mô ở ĐH Nông lâm TP.HCM (Ảnh: www.hcmuaf.edu.vn/)

Thứ nhất, cần tạo ra cơ chế công khai, minh bạch hơn đối với quy trình xét duyệt và cấp phát kinh phí nghiên cứu khoa học với các tiêu chi đánh giá cụ thể.

Thứ hai, có thể xem xét việc phân cấp (giao) cho các bộ/ngành quản lý một số đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước mang tính chuyên ngành mà hiện tại rất khó “lồng ghép” vào các chương trình cấp Nhà nước hoặc để Bộ KH&CN quản lý như hiện nay. Kèm theo phân cấp này là giao quyền cấp phát, quản lý kinh phí thực hiện các đề tài đó cho các bộ/ngành chủ quản.

Thứ ba, cần nghiên cứu ban hành cơ chế cho phép các doanh nghiệp được sử dụng một phần kinh phí cần phải nộp Nhà nước theo nghĩa vụ quy định cho mục đích nghiên cứu. Lúc này các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để “đặt hàng” các nhà khoa học bằng việc sử dụng nguồn “ngân sách” của Nhà nước để có được những sản phẩm nghiên cứu đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Thứ tư, ở nhiều nước, các nhà khoa học đầu ngành hoặc có học hàm từ Phó Giáo sư trở lên, sẽ được quyền sử dụng một khoản kinh phí nhất định để phục vụ mục đích nghiên cứu của mình mà không phụ thuộc vào chuyện xét duyệt. Điều này sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho các nhà khoa học triển khai những vấn đề nghiên cứu mà họ tâm huyết và thấy cần thiết.

Nên chăng chúng ta cũng nên áp dụng cơ chế trên để tạo ra một “kênh khơi dòng” cho số vốn ngân sách vốn được xem là dư thừa như đã nêu để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu ở nước ta.

Thứ năm, cần nghiên cứu áp dụng cơ chế “khoán” đối với hoạt động nghiên cứu. Nếu cơ chế “khoán” này được thực hiện thì đây thực sự là cuộc cách mạng trong quản lý khoa học, giải phóng các nhà khoa học khỏi những “phiền toái” không đáng có đối với việc quyết toán kinh phí mà ở đó nhiều khi họ buộc phải “nói dối” với những chứng từ “vẽ” mà bản thân họ không muốn, đồng thời “cướp đi” ở họ rất nhiều thời gian mà lẽ ra họ cần cho tư duy nghiên cứu.

PGS.TS Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch)

(Nguồn: Vietnamnet)


Phạm Trung Lương

Tin khác