Giải pháp cho thực trạng bỏ đất sản xuất nông nghiệp

29/08/2007

Nhà nước nên tập trung quy hoạch những khu đất mà người dân bỏ hoang, không canh tác vào một chỗ, giao cho cá nhân hoặc tập thể có nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp với những loại hoa màu có giá trị kinh tế cao

Việt Nam vẫn đang là một quốc gia thuộc nhóm những nước nông nghiệp với khoảng hơn 70% dân số sống bằng nghề này. Bởi vậy tài nguyên đất có một vai trò hết sức to lớn, quyết định tới thành quả và năng suất lao động của người dân. Trong nông nghiệp, đất là tư liệu sản xuất không thể thay thế. Việc duy trì cải tạo và tận dụng phát triển nguồn tài nguyên này được coi là rất quan trọng, không chỉ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn cho cả những thế hệ đi sau. Tuy nhiên có một thực trạng đang diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương, đó là người dân bỏ ruộng, không canh tác trên thửa ruộng của họ. Nhiều ruộng đất trước kia luôn xanh thắm bởi màu rau, màu lúa… thì nay lại trở thành những khu đất hoang tàn, không người canh tác. Nghịch lý là ở chỗ, tại nhiều địa phương người dân bỏ đất không phải vì lý do đất xấu hay bị thoái hoá không canh tác được mà bởi nhiều lý do khác.

Khi thu chẳng bù chi

Một vụ lúa sau khi thu hoạch, người dân thu về 200kg thóc trên một sào bắc bộ. Với mức giá hiện tại trên thị trường số thóc này tương ứng khoảng 600 nghìn đồng. Trừ chi phí cho thuốc sâu, phân bón các loại cùng công sức bỏ ra 5 tháng để chăm sóc, mỗi ngày người dân chỉ thu được khoảng 2 đến 3.000 đồng- một mức thu nhập quá thấp. Trong khi đó, công nhân tại những nhà máy giày dép da, nhà máy may, bánh kẹo… lương một tháng cũng được tới 1 triệu đồng. Bởi vậy, chẳng có lý do gì mà người dân không theo nhau lên thành phố, thị xã làm công nhân. Công việc nhàn hơn, không phải “một nắng hai sương” mà hàng tháng vẫn có mức thu nhập cao và ổn định.

Cũng rất dễ hiểu và thông cảm cho người dân khi nhiều vụ rau màu họ không có một đồng bỏ túi chưa kể có khi còn phải bù lỗ. Lý do bởi nông sản mất giá rẻ như “bèo”, bán như cho cũng chẳng ai mua. Vậy là công sức, tiền của đầu tư… giờ chỉ đem về cho gia súc hoặc cá ăn, thậm chí chỉ để ủ làm phân bón ruộng. Mệt đến thân, vất vả “dãi nắng dầm mưa”, khoản thu không có, người dân bỏ ruộng là điều dễ hiểu.

Bây giờ ở nhiều vùng quê phong trào “tây tiến” đang trở nên phổ biến. Người ta chỉ cần bỏ vài chục triệu đi ra nước ngoài lao động 2, 3 năm về nước, làm ăn tốt và chịu khó dành dụm là có trong tay hàng trăm triệu đồng. Trăm triệu ấy người dân làm ruộng bao giờ mới có?

Người nông dân bỏ đất…

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, nhiều địa phương của Việt Nam đang quá lãng phí tài nguyên đất. Dân bỏ hoang đất cho cỏ dại mọc, trong khi đó bên nước bạn Nhật, một nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, rồi cả Hoa Kỳ… lại tận dụng từng mét vuông đất để trồng lương thực. Thậm chí họ còn trồng cây ngay cả dưới lòng đất. Thực tế cho thấy, nếu đi đúng hướng, giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề nói suông mà phải cần có một chiến lược phát triển lâu dài.

Vẫn biết nền kinh tế nước ta đang phát triển theo xu hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nhưng phát triển nông nghiệp vẫn không thể tách rời nền kinh tế đất nước. Không thể xem nhẹ vấn đề phát triển nông nghiệp. Bây giờ là một vài địa phương bỏ ruộng, nếu không có biện pháp hợp lý thì 5, 10…20 năm nữa có khi 64 tỉnh thành đều bỏ ruộng?…

Trước tình trạng này, dưới góc độ cá nhân tôi xin đề xuất một số giải pháp. Trước hết, Nhà nước nên tập trung quy hoạch những khu đất mà người dân bỏ hoang, không canh tác vào một chỗ, giao cho cá nhân hoặc tập thể có nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp với những loại hoa màu có giá trị kinh tế cao. Áp dụng những loại cây cho giá trị xuất khẩu. Tạo môi trường cuốn hút đầu tư sản xuất nông nghiệp, kể cả từ tỉnh khác. Nên chú trọng nơi bao tiêu sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp, áp dụng cải tiến khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dần áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến, xoá bỏ phương thức sản xuất thủ công, kém hiệu quả. Có vậy nguồn tài nguyên này mới được khai thác một cách tối đa mà giá trị kinh tế vẫn lớn. Nguồn đất sản xuất nông nghiệp của quốc gia được duy trì, cải tạo bền vững, phục vụ cho quá trình phát triển chung của đất nước./.

(Tiến Mạnh, Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam)


Tin khác