Thoát nghèo nhờ dồn điền đổi thửa

19/09/2007

Về xã Khả Phong (Kim Bảng - Hà Nam) hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước những cánh đồng "thẳng cánh cò bay", những trang trại bạt ngàn cây trái.

"Cách đây 5 năm, chúng tôi không bao giờ dám "mơ" tới ngày hôm nay, còn bây giờ, "người người, nhà nhà" đua nhau làm kinh tế như thể chậm chân một phút là mất đi tiền triệu vậy..." - ông Vũ Văn Thoả, Phó chủ tịch UBND xã, vui vẻ mở đầu câu chuyện.

Từ bước đi táo bạo

Nằm ở vị trí sâu và trũng, Khả Phong được ví như “thung lũng” của núi Cấm. Ngước lên là thấy núi, tuy đẹp và thơ mộng, song nó chẳng thể giúp cho bà con có được bữa cơm no bởi với địa thế như vậy, việc canh tác lúa gặp rất nhiều khó khăn, năng suất thấp. Quanh năm suốt tháng, nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Mãi tới năm 1999, Khả Phong thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, làm "bàn đạp” để chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi thì diện mạo của xã mới thực sự khởi sắc.

“Chẳng lẽ, nông dân khắp nơi đua nhau trồng cây, đào ao, thả cá để làm giàu, mình lại chỉ đứng xa mà mơ ước? Vậy là một cuộc vận động, tuyên truyền trong dân về chủ trương mới được tiến hành. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là, 100% số hộ đều đồng tình hưởng ứng” - ông Thoả nói. Lãnh đạo xã công khai bản đồ quy hoạch trước dân. Khu nào chuyển đổi sang trồng màu, khu nào làm đầm, ao, hệ thống giao thông, thuỷ lợi được thiết kế ra sao... đều được bà con góp ý để hoàn thiện. Như “diều gặp gió”, chỉ trong vòng 1 năm, Khả Phong đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa.

“Tấc đất, tấc vàng”

Hiệu quả từ chủ trương dồn điền đổi thửa ở Khả Phong đã thấy rõ. Trước đây, trung bình mỗi hộ có 10-14 thửa, nay giảm xuống còn 3-4 thửa. Mô hình đạt giá trị 50 triệu đồng /ha/năm xuất hiện ngày càng nhiều. Giá trị sản xuất năm 2006 của xã đạt 36, 1 triệu đồng/ha, tăng 1, 9 triệu đồng so với năm 2005. Điều đáng nói là, cũng từ đây, phong trào phát triển kinh tế trang trại như luồng gió mới thổi vào vùng đất heo hút này. Đến nay, xã đã chuyển dịch được 129ha xây dựng theo mô hình kinh tế VAC. Khả Phong có 16 xóm với 7.100 dân nhưng có tới 80% số hộ đào ao, thả cá, nuôi tôm. Tôm - cá - lúa trở thành mô hình chủ lực trong kinh tế nông nghiệp của xã. Xã có 140 hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng /năm. Theo anh Lê Văn Thuỹ, một trong những người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh, nếu không dồn điền đổi thửa, không biết khi nào dân làng mới thoát nghèo. Năm 2000, khi xã vừa chuyển dịch 24, 2ha đất trũng sang làm đầm, ao, anh bàn với vợ thuê 1, 2ha để làm trang trại. Vượt qua bao khó khăn, đến giờ, gia đình anh đã có một cơ ngơi bề thế. Tính riêng thu nhập từ tôm, gia đình anh đã có 40 - 50 triệu đồng /năm. Ông Thoả nhẩm tính: “Hiện toàn xã đã có 127 hộ xây dựng mô hình VAC. Tới đây, chúng tôi sẽ quy hoạch khu trang trại thành một đơn vị hành chính, chính vì vậy, việc xây dựng đường giao thông, điện, trạm bơm... được đặc biệt chú ý”.

Tuy nhiên, Khả Phong vẫn còn 363 hộ nghèo (chiếm 21,7%) theo tiêu chí mới. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích bà con làm VAC, xã còn chủ trương đầu tư, chuyển giao công nghệ chăn nuôi bò cho hộ nghèo. Đến nay, tổng đàn bò ở xã đã lên tới 400 con (bò lai Sind 320 con, bò sữa 22 con...). “Hiện, trong tổng số 1ha trang trại, tôi dành 1/3 để trồng cỏ nuôi bò sữa, mỗi năm cũng dành dụm được 10 triệu đồng” – chị Nguyễn Thị Xuyên (xóm 4) tâm sự.

Khi chia tay, chúng tôi đọc được trong ánh mắt của những người được mệnh danh là ông chủ VAC một niềm tin rạng ngời: Ngày mai, Khả Phong sẽ, trù phú. Sắc màu no ấm đang dần hiện hữu trên miền quê này.

(Theo Nguyễn Thuỷ - KTNT)


Tin khác